Khách hàng chọn lựa các hàng thực phẩm tại siêu thị Intimex
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá trả lời phỏng vấn báo Hànộimới PV: Xin ông cho biết những đánh giá, nhận định về tình hình giá cả leo thang trong 2 tháng qua. Việc tăng giá trong nước có liên quan đến giá cả thị trường thế giới và việc tổ chức thị trường trong nước như thế nào ?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Thời gian vừa qua, quá nhiều loại hàng hóa tăng cao làm cho mặt bằng giá trong 2 tháng qua tăng cao hơn so với cùng kỳ những năm trước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê: Chỉ số giá 2 tháng đầu năm 2004 tăng 4,1%, tăng cao nhất từ năm 1996 đến nay (1996: tăng 3,4%; 1997 tăng 2,6%; 1998 tăng 3,8%; 1999 tăng 3,3%; 2000 tăng 2,0%; 2001 tăng 0,7%; 2002 tăng 3,3%; 2003 tăng 3,1%). Trong đó giá nhóm hàng lương thực-thực phẩm tăng cao nhất: tăng 6,8% (thực phẩm tăng 8,5%, lương thực tăng 3,6%); giá nhóm hàng đồ uống và thuốc lá tăng 3,4%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,3%; đồ dùng và dịch vụ khác tăng 2,7%; nhóm hàng văn hóa, thể thao, giải trí tăng 2,0%.
Giá tăng là do những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, sau tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ vẫn cao hơn thời điểm bình thường, nhất là lương thực, thực phẩm. Sức mua trong thời kỳ này cũng cao hơn thời điểm bình thường. Mặt khác, do dịch cúm gà xảy ra trên diện rộng ở 57 tỉnh, thành phố, 381 huyện, quận, thị xã đúng vào thời điểm nhu cầu về thịt gà cao nhất trong năm (tết Nguyên đán) đã làm mất đi nguồn cung chiếm khoảng 30% thị phần thực phẩm trên thị trường, nên người tiêu dùng đã chuyển sang dùng các mặt hàng thực phẩm khác như thịt lợn, thịt bò, cá, tôm... làm cho nhu cầu về những loại thực phẩm này tăng hơn trước, gây sức ép tăng giá.
Thứ hai, giá nhập khẩu một số vật tư hàng hóa, nhiên liệu, nguyên vật liệu mà nước ta phải nhập khẩu là chủ yếu, tăng đã kéo giá thị trường trong nước tăng theo như: xăng, dầu tăng 8%; sắt, thép tăng 20,1%; phân u rê 42,8%; phôi thép tăng trên 30%... Mặt khác, tỉ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ nhích lên (theo hướng đồng Việt Nam mất giá so với USD) đã làm cho giá vốn nhập khẩu hàng luôn tăng.
Thứ ba, giá tăng còn do yếu tố bất bình thường tác động như: thiệt hại do dịch cúm gà gây ra và có sự lợi dụng tình hình này để tăng giá thực phẩm; hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, tình trạng độc quyền tăng giá thuốc phòng, chữa bệnh cho người; điều kiện tự nhiên không thuận lợi gây ra rét đại hàn kéo dài làm rau quả khan hiếm đẩy giá tăng lên... Bên cạnh đó, việc tổ chức thị trường trong nước chưa tốt, quản lý kém, nhất là hệ thống các đại lý, cửa hàng kinh doanh sắt thép, thuốc phòng, chữa bệnh cho người... làm cho thị trường bị lũng đoạn.
Thứ tư, giá một số hàng nông sản xuất khẩu quan trọng được giá, nhất là gạo, cà phê... kéo giá thị trường trong nước tăng...
Như vậy, sự tăng giá trong 2 tháng đầu năm bao hàm cả những yếu tố bình thường và cả những yếu tố không bình thường. Tác động của sự tăng giá đối với sản xuất và đời sống diễn ra theo những chiều hướng khác nhau: giá nông sản tăng thì khuyến khích sản xuất, tăng thu nhập và nâng cao sức mua cho nông dân. Giá đầu vào của một số hàng hóa dịch vụ tăng cao làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ. Giá hàng tiêu dùng tăng thì xâm hại đến lợi ích của người tiêu dùng...
PV: Vậy dự báo tình hình giá cả hàng hóa dịch vụ trong tháng 3 và những tháng tiếp theo sẽ ra sao ? Chúng ta có thể hy vọng vào một bức tranh sáng sủa hơn không ? Và những biện pháp của Bộ Tài chính trong thời gian tới ?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Quy luật trong nhiều năm qua là nếu không có những yếu tố đột biến thì giá cả thường vận động theo hướng; tăng cao vào tháng 1, tháng 2 (là tháng tết, nhu cầu tiêu dùng tăng cao cả về số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa, sức mua cũng lớn...) sau đó giá sẽ giảm dần từ tháng 3 đến tháng 8 (và từ tháng 9 lại bắt đầu nhích dần lên). Nguyên nhân của tình hình giá bắt đầu giảm từ tháng 3 đến tháng 8 là do sau thời gian nghỉ tết, sản xuất, kinh doanh trở lại hoạt động bình thường, trong khi cầu cũng trở lại bình thường, không còn ở mức cao như thời gian tết, do vậy cung-cầu không căng thẳng...
Những tháng còn lại, tuy có nhiều nhân tố tác động nhưng bằng sự tính toán cụ thể về cân đối cung-cầu, cộng với những giải pháp điều hành của Nhà nước, chúng tôi dự kiến chỉ số tăng giá tiêu dùng cả nước có khả năng vượt ngưỡng 5% Quốc hội cho phép nhưng tối đa sẽ không tăng đến 2 con số (mà chỉ khoảng 6-7%).
Biện pháp bình ổn giá trong thời gian tới có nhiều và các ngành, các cấp đều phải có trách nhiệm góp phần bình ổn thị trường. Riêng Bộ Tài chính sẽ phải thực hiện các biện pháp sau: Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý để quản lý giá cả, góp phần làm lành mạnh hóa, minh bạch hóa các hoạt động của thị trường, đưa sự vận động của giá cả vào tầm kiểm soát của Nhà nước. Môi trường đó là hàng loạt các cơ chế quản lý sự hình thành và vận động của giá cả như: quy chế tính giá, quy chế kiểm soát chi phí sản xuất; cơ chế quản lý giá thuốc phòng, chữa bệnh cho người; cơ chế quản lý kiểm soát giá độc quyền; cơ chế chống bán phá giá và cơ chế kiểm soát việc chuyển giá nội bộ trong các doanh nghiệp. Trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu có biến động bất thường, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ áp dụng các biện pháp cả hành chính, kinh tế nhanh chóng can thiệp vào thị trường như: điều chỉnh cung-cầu hàng hóa; kiểm soát tồn kho chống các hoạt động đầu cơ tích trữ, gian lận thương mại; mua vào bán ra hàng dự trữ quốc gia; quy định giá tối đa hoặc tối thiểu; kiểm soát các yếu tố hình thành giá; sử dụng linh hoạt, cụ thể và một số biện pháp tài chính tiền tệ khác khi cần thiết để tác động vào thị trường; thực hiện đồng bộ việc niêm yết giá hàng hóa; thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra việc chấp hành kỷ luật Nhà nước về giá...
PV: Ông có nhận định thế nào về chiều hướng giá đô la Mỹ và ảnh hưởng của nó đến giá cả hàng hóa, dịch vụ và nền kinh tế ?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Mấy tháng qua, đồng USD có nhích lên, chủ yếu do yếu tố tâm lý sợ đồng tiền mất giá đã tập trung mua USD cất trữ (bởi vì trên thế giới, do chính sách đồng tiền USD yếu, USD đã giảm quá mạnh so với tất cả các đồng tiền chủ chốt phương Tây, tỉ lệ giảm năm 2003 tính ra khoảng 9-17%; năm 2004 sẽ giảm tiếp 4-13%)... Dự báo giá USD trên thị trường VN tăng nhẹ, cả năm tối đa khoảng 3%. Giá USD tăng sẽ có lợi cho xuất khẩu, nhất là hàng hóa vật tư là đầu vào của nền kinh tế.
PV: Xin cảm ơn ông ?
HNM
VietBao.vn