![]() |
Lãnh đạo các nước giàu bỏ ngoài tai tất cả đề nghị của các nước nghèo. |
Sau 5 ngày, đàm phán thương mại toàn cầu tại Hội nghị của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) ở Cancun , Mexico, đã thất bại do sự khác biệt quá lớn giữa các quốc gia với trình độ phát triển khác nhau. Thất bại nhưng các nước nghèo lại cho rằng đây là chiến thắng ban đầu của các họ trước các đối thủ phương Tây do họ đã tập hợp được lực lượng đứng chung một ''mặt trận''.
''Chúng ta cùng bại!''
Đây là lần thứ hai trong bốn năm ,các cuộc đàm phán thương mại trong khuôn khổ WTO bị đổ vỡ, một bước lùi đối với các cố gắng nhằm điều chỉnh thương mại toàn cầu. Cao uỷ Thương mại EU ông Pascal Lamy cho rằng các vòng đàm phán chưa hẳn đã đổ vỡ hoàn toàn mà cần được quan tâm hơn nữa. "Nếu thắng thì cùng thắng, nếu bại thì tất cả chúng ta cùng bại", ông Pascal Lamy nói.
Liên minh mới ra đời gồm hơn 21 nước đang phát triển (G21) cho rằng mặc dù họ không đạt được những cải cách thương mại như ý muốn nhưng họ đã tìm được một tiếng nói mới để cạnh tranh với các nước giàu. Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư quốc tế của Malaysia nói: "Các nước đang phát triển đã hành động đúng với mục tiêu của mình. Điều này cho thấy các nước đang phát triển không thể bị bắt buộc hành động theo mệnh lệnh của bất cứ nước nào".
Mục tiêu khác nhau của 146 nước thành viên là nguyên nhân chia rẽ họ khỏi vấn đề cải cách thương mại. Các nước nghèo muốn các nước giàu chấm dứt trợ giá nông sản. Các nước châu Âu và Nhật Bản lại muốn thúc đẩy đàm phán trong các lĩnh vực khác mà các nước đang phát triển cho rằng quá phức tạp và chưa đúng lúc. Nhiều nước nghèo buộc tội Mỹ và EU ép họ phải chấp nhận các quy tắc thương mại mà họ không muốn. Một đại biểu thuộc phái đoàn của Uganda nói: "Các Bộ trưởng Thương mại của chúng tôi đã bị gây áp lực và tống tiền".
Mỹ quy chụp một số nước (mặc dù không nêu tên) rằng chỉ thích đem đến Hội nghị những bài phát biểu hoa mỹ mà không phải đến để đàm phán. Đại diện Thương mại Mỹ ông Robert Zoellick cho rằng một số nước cần phân được mục đích họ đến Cancun làm gì, để bày tỏ quan điểm hay để thúc đẩy quá trình đàm phán đạt được kết quả tốt. Lời nhận xét này của Zolllick dường như nhằm thẳng vào G21, nhóm đại diện hầu hết dân số thế giới bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonexia và Brazil.
Bắt đầu từ ''đổ vỡ''?
Lãnh đạo của G21 phát biểu rằng họ đã thành công trong việc đặt lên bàn đàm phán một vấn đề then chốt, là cơ sở cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Bộ trưởng Ngoại thương Ecuador, ông Ivonne Baki nói: "Đây mới là sự khởi đầu chứ không phải kết thúc".
Hội nghị tuyên bố đã bị đổ vỡ làm đoàn đại biểu của một số nước vô cùng ngạc nhiên. Hội nghị Cancun thất bại là một đòn mạnh giáng vào WTO, nó khiến người ta nghi ngờ về khả năng tổ chức này liệu có thể đạt được một Hiệp định Thương mại toàn cầu vào cuối năm tới, mục tiêu mà nó đề ra hai năm trước ở Doha. "Khó mà tôi có thể tin được chúng ta sẽ hoàn thành mục tiêu đúng thời hạn khi mà mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ", ông Zollick phát biểu. Pascal Lamy thậm chí còn bi quan hơn: "Các nguyên tắc và thủ tục của WTO không giúp được gì cho tổ chức này thực hiện các trọng trách của mình".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Brazil ông Celso Amorim cho rằng hội nghị lần này đã đạt được một số tiến triển nhất định và chúng sẽ là nền tảng cho WTO tiếp tục đàm phán trong tương lai. Ông này nói: "Thật đáng tiếc hiện giờ hội nghị chưa đi đến một kết luận nào nhưng về lâu dài chúng tôi rất lạc quan". Tổng giám đốc WTO kêu gọi Bộ trưởng các nước báo cáo lại trước tháng 12 để có thể quyết định cách thức tiếp tục đàm phán.
Bản thông cáo chung được đưa ra vào hôm Thứ bảy (13/9) chỉ kêu gọi xoá bỏ trợ cấp nông sản xuất khẩu vì lợi ích đặc biệt của các nước đang phát triển chứ không phải loại bỏ tất cả các khoản trợ cấp như G21 yêu cầu. Kể cả các vấn đề khác như thu mua Chính phủ, các biện pháp thúc đẩy thương mại, đầu tư xuyên quốc gia... đều không đạt được kết quả gì. Đến giờ phút này chúng ta có thể nói Hội nghị Cancun đã thất bại, nhưng các cuộc đàm phán mới sẽ được khởi động vào cuối tháng 12 tới. Liệu các nước G21 có thể lạc quan tin tưởng vào tương lai như họ nói? Liệu nông dân nghèo ở các nước đang phát triển có thể tìm thị trường mới? Người tiêu dùng ở các nước phát triển có thể mua được rau quả và các sản phẩm nông nghiệp rẻ từ các nước nghèo? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.
(Cẩm Tú Theo BBC, AFP)