Đây là những vấn đề được các chuyên gia đặc biệt quan tâm tại tọa đàm "Nhìn lại điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước năm 2011 - 2013: Những kết quả và thách thức" do Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức ngày 30/10.
TCTD có xu hướng đầu tư vào trái phiếu
Tại tọa đàm, TS.Tô Kim Ngọc, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng-NHNN cho rằng: Thách thức lớn trong việc điều hành của NHNN là bên cạnh việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát còn phải chú ý đến thúc đẩy tăng trưởng. Có thể nói, việc theo đuổi chính sách "đa mục tiêu" sẽ làm giảm hiệu quả điều hành của NHNN.
Bên cạnh đó, việc áp dụng cơ chế can thiệp mang tính lãi suất chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn khi mà mức độ phát triển thị trường tài chính còn sơ khai, các công cụ kiểm soát gián tiếp chưa phát huy được hiệu quả. Việc can thiệp trực tiếp vào lãi suất, trong dài hạn thị trường sẽ gặp những bất hợp lý như các doanh nghiệp và hộ gia đình không được hưởng mức lãi suất phù hợp cho tiết kiệm, còn các TCTD không có động cơ cải thiện các hoạt động của mình và có xu hướng tập trung vào các doanh nghiệp lớn, có quan hệ mật thiết với ngân hàng, bỏ rơi hệ thống các DN nhỏ. Đặc biệt, từ cuối năm 2012 và sang năm 2013, nhiều TCTD có xu hướng đầu tư nhiều vào trái phiếu Chính phủ thay vì cấp tín dụng cho nền kinh tế đã hạn chế phần nào nỗ lực của NHNN trong việc đẩy vốn ra cho hệ thống doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Còn theo TS.Lê Xuân Nghĩa, khó khăn trong việc thực hiện chỉ tiêu thu ngân sách đòi hỏi chính sách tiền tệ cũng phải linh hoạt hơn. Nhiều vấn đề thuộc nhiệm vụ của chính sách tài khóa nhưng hệ thống ngân hàng đã phải triển khai. Việc tạm ứng cho ngân sách từ giải phóng mặt bằng QL1, cấp vốn đối ứng ODA, cho đến gói 30 ngàn tỷ hỗ trợ thị trường bất động sản… dẫn đến nguy cơ lạm phát trong dài hạn là rõ ràng.
…Hơn là giảm chênh lệch lãi suất?
Theo TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright: "Dù lãi suất đã giảm xuống thấp nhưng chênh lệch giữa lãi suất cho vay với huy động vẫn ở mức cao. Điển hình là số liệu điều tra của chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright với ngân hàng cho thấy lãi suất vẫn nằm trong khoảng 12 - 13%/năm. Thậm chí 20% các khoản vay từ ngân hàng vẫn có lãi suất trên 13%".
Về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho biết: Khảo sát tại 8 NHTM lớn cho thấy chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay là 4,3-4,5%/năm, thậm chí, chênh lệch này còn lên tới mức 5%/năm. Có thể nói, lãi suất cho vay đã giảm mạnh nhưng lãi suất tiền gửi giảm không nhiều.
Phản bác lại nhận định của hai chuyên gia trên, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) lại cho rằng chênh lệch lãi suất hiện nay chỉ ở khoảng 2,8%/năm và nếu trừ đi các chi phí hành chính, trả lương cho nhân viên và chi phí quản lý thì con số chênh lệch chỉ còn khoảng 1,3-1,8%/năm,thậm chí chỉ còn 1,1%/năm.
Trước những ý kiến trái chiều, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú dẫn chứng: Hiện mặt bằng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1-1,2%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng khoảng 5-7%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 6,5-7,5%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 7,5-9%/năm. Theo đó, lãi suất cho vay phổ biến đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) ở mức 7 - 9%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở khối ngân hàng thương mại Nhà nước là 9 - 10,5%/năm; mức lãi suất cho vay cùng lĩnh vực này ở khối NHTMCP chỉ nhỉnh hơn với lãi suất 9,5 - 11,5%/năm, thậm chí chỉ 6,5-7%/năm đối với các doanh nghiệp "khỏe".
"Chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay hiện nay của các ngân hàng thương mại theo như tính toán của Ngân hàng Nhà nước thấp hơn rất nhiều so với mức mà các chuyên gia đưa ra."- Đại diện NHNN khẳng định.
NHNN cần kiên định với chính sách tiền tệ chặt chẽ
Để giải quyết những vấn đề trước mắt, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu là hành động then chốt nhất. Cần tăng cường kỷ luật ngân sách, áp dụng các chuẩn mực mới về kế toán và chuẩn mực ngân hàng.
"Thực chất, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang được triển khai hiệu quả nhất. Đầu tư công cũng đã được cải thiện, có mục tiêu, dự án rõ ràng. Thực tế tiền bán nợ xấu hiện nay từ các NHTM vào khoảng 10 nghìn tỷ đồng, số trái phiếu bán đi cũng vào khoảng 8 nghìn tỷ đồng. Hiện các NHTM vẫn chưa phải vay tái cấp vốn NHNN vì thanh khoản vẫn khá "rủng rỉnh".- TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Xuân Thành cho rằng quá trình tái cấu trúc các NHTM yếu kém diễn ra khá chậm và đáng lo ngại là chúng ta đang dùng sở hữu chéo để tái cấu trúc ngân hàng dưới các hình thức: chấp nhận những trường hợp ngoại lệ sở hữu vượt trần; Cho phép doanh nghiệp phi tài chính tham gia sở hữu ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước tham gia sở hữu sâu hơn vào NHTM.
"Về ngắn hạn điều này sẽ giúp NHNN tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nhưng về lâu dài sẽ lại khiến NHNN khó khăn hơn trong giám sát, kiểm soát hệ thống"- Ông Thành khuyến cáo.
Chính vì thế, các chuyên gia đều cảnh báo rủi ro trong thiết kế và điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới của NHNN. Cụ thể, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục đối mặt với nhiều áp lực lớn trong ngắn hạn, do đó, tăng trưởng nhanh một cách nóng vội sẽ đem lại nguy cơ lạm phát cao quay lại. NHNN nên kiên định lập trường điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt để đạt được mục tiêu xuyên suốt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp, tạo điều kiện duy trì lãi suất thấp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế…