![]() |
Cá thái dương Mola mola. |
Các nhà khoa học Mỹ đã tìm thấy một con cá thái dương (Mola mola) có thể phá vỡ kỷ lục về cân nặng trong thế giới cá xương ở đại dương. Con vật được bắt bên bờ biển Kamogawa ở Nhật Bản nặng tới 2,3 tấn, trong khi chỉ dài có 2,7 mét.
Cá xương là một nhóm lớn, gồm hai vạn loài cá nước ngọt và nước mặn, cỡ nhỏ từ cá khổng tước đến cỡ lớn như cá tầm, nặng đến trên một tấn (các loài sinh vật biển khổng lồ như cá voi, cá nhám voi... có thể nặng đến chục tấn, nhưng chúng lại thuộc về lớp thú, hoặc lớp cá sụn). Trong nhóm đó, cá thái dương có thể dài tới 4,2 m tính theo chiều dọc (từ đỉnh vây lưng tới chót vây hậu môn) và 3 m theo chiều ngang.
Con cá thái dương siêu nặng trên được tìm thấy vào năm 1996. "Đó không phải là con vật dài nhất, nhưng có thể là con nặng nhất được biết tới", nhà sinh vật học Tierney Thys nói.
Kỷ lục về cân nặng trước đó thuộc về một con Mola mola, được bắt vào năm 1908. Con này có chiều ngang 3,1 m, chiều dọc 4,25 m và nặng 2,2 tấn.
Thys và cộng sự đang thực hiện một dự án thu thập thông tin về loài cá thái dương, để tìm hiểu chúng di cư như thế nào và sinh đẻ ra sao. Họ đã gắn thẻ thu phát tín hiệu vệ tinh lên 9 con cá thái dương và sẽ công bố kết quả tìm kiếm trong vài tháng tới.
Thys lo lắng rằng loài cá đồ sộ này đang bị suy giảm do tai nạn mắc và lưới đánh bắt cá. Nhóm nghiên cứu hy vọng dự án của họ sẽ giúp bảo tồn được loài cá ít người biết đến này trước khi chúng biến mất hoàn toàn.
Minh Thi (theo N. G.)