Bác Lê Thị Doanh (P16, B11 Kim Liên, Hà Nội), một trong những hộ tham gia thử nghiệm sản phẩm E.M đã quả quyết như vậy. Bác nói thêm: “Nhà tôi nuôi chó, mèo nên trước rất hôi, nay đem nước E.M tắm cho chúng là hết cả mùi; rồi dùng cọ rửa nhà bếp, toilet, đổ xuống cống hạn chế mùi hôi, chống ruồi muỗi..., pha loãng tưới cây cảnh đều tốt. Tóm lại là rất được việc".
GS-TS Vũ Hoan, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Hà Nội, cho biết: Từ tháng 12/2000 đến nay, lần lượt 9 hộ tình nguyện tại phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội được hội cung cấp thùng rác và cám E.M Bokashi (cám gạo chất lượng thấp được lên men bằng E.M), dung dịch E.M thứ cấp (chế phẩm được tạo ra từ E.M gốc). Chi phí cho xử lý rác bằng E.M ở mỗi hộ chỉ hết khoảng 80 đồng/ngày.
Thùng rác là một cái thùng nhựa 25 lít có vỉ ngăn rác (tựa như ở chõ thổi xôi) và vòi tháo nước ở đáy. GS Hoan giải thích: “Sau khi cho rác hữu cơ được thái nhỏ vào, ta rắc lên một lớp cám E.M Bokashi, cứ như vậy cho đến khi đầy 80% thể tích thùng. Còn dung dịch E.M thứ cấp sẽ được các hộ dùng bổ sung khi rác quá khô do thời tiết”. Dưới tác dụng của các vi sinh vật hữu hiệu, rác sẽ được lên men phân hủy mà không có mùi hôi. Nước rác tiết ra được lấy ra hàng ngày, chứa các vi sinh vật nên cũng có nhiều tác dụng hữu ích.
E.M là gì?
Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu và đi khắp thế giới thu thập các vi sinh vật có ích, năm 1980, Teruo Higa, vị GS-TS người Nhật thuộc trường Đại học Tổng hợp Ruykuys Okinawa đã phân lập ra một hỗn hợp các vi sinh vật có ích gồm vi khuẩn quang hợp, nấm men, vi khuẩn lactic, xạ khuẩn, nấm lên men gọi là chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu (viết tắt của tiếng Anh là E.M).
Trong tự nhiên, vi sinh vật được chia ra làm 3 loại chính: Loại có ích, loại có hại và loại trung gian. Trong đó, loại vi sinh vật trung gian là nhiều nhất và chúng sẽ đi theo hỗ trợ cho loại có ích hay có hại tuỳ theo bên nào chiếm ưu thế. Chính vì vậy chế phẩm E.M có tác dụng giúp cân bằng trở lại tự nhiên bằng cách đưa vào môi trường những vi sinh vật có ích hữu hiệu nhất chống lại những vi sinh vật có hại và kéo các vi sinh vật trung gian về phía mình, làm sạch hoá môi trường.
Với cơ chế hoạt động như vậy, E.M hoàn toàn không độc hại và được ứng dụng rộng rãi có hiệu quả trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm, hoá mỹ phẩm và xử lý môi trường. E.M gốc có độ pH dưới 3,5% nhưng khi pha loãng với tỷ lệ 1/1.000 thì nó trung tính và rất tốt cho tiêu hoá, có thể uống được nước này.
EM vào Việt Nam
Từ khi được phát minh, công nghệ E.M đã được khoảng 20 nước trên thế giới ứng dụng. Có thể kể đến Pusan (Hàn Quốc), Okinawa (Nhật Bản)..., là những thành phố lớn ứng dụng E.M khá thành công trong việc xử lý rác thải hàng ngày. Trong những năm 1994, 1995 chế phẩm E.M đã được biết đến ở nước ta. Nhưng phải đến tháng 4/1997, với chuyến thăm của GS Teruo Higa theo lời mời của Bộ KHCN&MT thì công nghệ E.M mới được chính thức nghiên cứu, ứng dụng. Vào năm 1998, Bộ KHCN&MT đã có quyết định cho phép thực hiện đề tài độc lập cấp nhà nước do trường Đại học Nông nghiệp I chủ trì với tên gọi: “Nghiên cứu thử nghiệm và tiếp thu công nghệ vi sinh vật hữu hiệu (E.M) trong nông nghiệp và vệ sinh môi trường”.
“Đề tài khoa học: “Xử lý rác thải sinh hoạt với việc phân loại và xử lý rác hữu cơ ngay tại hộ gia đình” là một đề tài nhánh của đề tài trên, do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Hà Nội chủ trì. Buổi nghiệm thu đề tài sẽ được tổ chức vào chiều 21/3 với sự tham gia đánh giá của các cơ quan khoa học của TP Hà Nội.
Rác không còn là rác
Thực ra, chế phẩm E.M đã được ứng dụng vào xử lý rác từ nhiều năm nay. E.M được hoà với nước và phun đều lên rác đã hạn chế khá hiệu quả mùi hôi thối bốc ra từ các bãi rác lớn. Bãi rác Tây Mỗ, Hà Nội (nay đã đóng cửa do hết diện tích chôn lấp) sau khi được xử lý với E.M đã giữ được một môi trường trong sạch, đứng ngay giữa bãi rác này cũng không thấy mùi thối.
Tuy nhiên, việc ứng dụng E.M vào xử lý rác hiện nay vẫn chưa đạt được hiệu quả cao như mong muốn vì rác chưa được phân loại từ nguồn. Các loại chất thải vô cơ lẫn trong rác sẽ làm giảm đáng kể tác dụng của E.M đối với rác hữu cơ.
Theo số liệu của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, bình quân chất thải phát sinh mỗi ngày tại thành phố vào khoảng 3.000 m3, trong đó chất thải hữu cơ chiếm tới 51,9%, còn lại là các loại rác vô cơ khác. Như vậy, nếu xử lý được số rác hữu cơ này bằng công nghệ E. M thì số rác thải ra môi trường sẽ giảm đi đáng kể, kèm theo đó là giảm các chi phí về nhân công thu dọn, vận chuyển, diện tích chôn lấp... và còn thu được một khối lượng tương đương nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ cho nông nghiệp. Một bài toán đơn giản vừa làm lợi môi trường và mang tính kinh tế cao.
Trở ngại từ thói quen
Tuy nhiên trở ngại lớn nhất trong thử nghiệm này là vấn đề nhận thức. Lâu nay, đa phần dân ta vốn chỉ quen “sạch nhà mình”, còn thì đã có Công ty Môi trường lo. Thay đổi một thói quen cũ thật không dễ dàng. Chị Thảo ở tập thể Kim Liên nói: “Cách rách nhất là phải phân loại rác và phải thái nhỏ trước khi cho vào thùng. Nhưng dùng rồi cũng thành quen, chỉ mong các bác môi trường hết thử nghiệm thì bán E.M cho chúng tôi dùng tiếp”.
(Theo Lao Động, 20/3).
|