Khoảng 10 năm nữa VN sẽ có nhà máy điện hạt nhân. Thông tin trên dấy lên trong dư luận những ý kiến khác nhau. Vấn đề quan trọng đặt ra là: Điện hạt nhân an toàn đến đâu? Dư luận đang đặt ra câu hỏi vì sao tiến trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở VN được đẩy nhanh đến vậy? Trả lời câu hỏi này cũng đơn giản nhưng cũng nhạy cảm.
Năm 1954, nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) đầu tiên trên thế giới ra đời và phát triển rất nhanh sau đó. Hiện nay, tốc độ phát triển của ĐHN đang chậm lại. Trên toàn thế giới hiện có hơn 400 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, cung cấp gần 20% năng lượng điện trên toàn thế giới.
Vì sao sự phát triển của ĐHN đang chựng lại? Trong khi đó ở VN lại đang triển khai dự án phát triển điện nguyên tử giai đoạn 2010-2015.
An toàn của ĐHN còn bất cập.- Sự cố ĐHN xảy ra ở Chernobyl năm 1986 làm chấn động thế giới, lòng tin của con người vào ĐHN lung lay. Cho đến sự cố của tập đoàn sản xuất điện lớn nhất ở Nhật Bản Electric Power Co. (TEPCO), buộc TEPCO phải đóng cửa 17 lò phản ứng với tổng công suất điện hơn 16.000 MW (gấp 8 lần Nhà máy Thủy điện Hòa Bình) thì lòng tin của công chúng vào ĐHN gần như sụp đổ.
Những sự cố trên làm cho công chúng chống đối ĐHN ngày càng tăng. Một số nước như Indonesia, Áo, Philippines xây xong hoặc gần xong nhà máy ĐHN vẫn phải đóng cửa, không đưa vào hoạt động vì sợ không an toàn. Điều đó cho thấy công nghệ ĐHN ở đầu thế kỷ 21 vẫn chưa an toàn.
ĐHN vẫn còn nhiều vấn đề chưa giải quyết, như chất thải có hoạt độ phóng xạ rất cao, tồn tại hàng vạn năm từ các thanh nhiên liệu đã cháy (còn chứa plutonium). Vấn đề chôn cất chất thải hạt nhân vẫn chưa có giải pháp an toàn. Vấn đề khác, vốn đầu tư cho ĐHN khá cao, khoảng 2.000 USD/KW; vấn đề thanh lý nhà máy sau khi ngừng hoạt động cũng rất phức tạp... Tất cả những vấn đề trên làm cho ĐHN thiếu sức hấp dẫn. Dự báo sản lượng ĐHN thế giới sẽ giảm xuống còn 10% vào năm 2020.
Bao giờ VN có ĐHN?.- Một câu hỏi đặt ra nhiều vấn đề nhạy cảm. Trước đây, theo kế hoạch, VN sẽ có ĐHN vào năm 2017; và sau những cuộc trình diễn do Diễn đàn Công nghiệp nguyên tử Nhật tổ chức tại VN, thời điểm đó được kéo lại gần hơn, có thể là năm 2012 - một thời điểm gây tranh luận.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, GS-TS Phạm Duy Hiển, một chuyên gia hàng đầu về nguyên tử của nước ta, khẳng định: “Là một trong những người từng được giao trọng trách xây dựng ngành hạt nhân từ hơn 25 năm trước đây, tôi không có ước mơ nào khao khát hơn là được chứng kiến ĐHN ở VN trong cuộc đời mình. Nhưng chừng nào những yếu tố khoa học công nghệ và xã hội chưa sáng sủa thì xây dựng ĐHN chỉ là bất đắc dĩ”. Ý kiến đó rất đáng được nghiên cứu, suy nghĩ.
Theo các chuyên gia, VN chưa đủ điều kiện để có ĐHN vào thời điểm nêu trên. Thứ nhất, nguồn nhân lực thiếu, cần phải đào tạo ngay từ bây giờ. Đặt trường hợp nếu chúng ta có nhà máy ĐHN vào thời điểm trên, chắc chắn từ nhiên liệu, chuyên gia cũng phải nhập khẩu. Thứ hai, hệ thống pháp luật hạt nhân chưa có và văn hóa quản lý công nghiệp chưa hình thành. Cơ sở hạ tầng này rất quan trọng trong quản lý ĐHN. Thứ ba, thế hệ công nghệ ĐHN hiện nay (thế hệ thứ 3) chưa an toàn, để một thời gian nữa thế hệ thứ 4 ra đời, có đặc điểm an toàn nội tại, rất ít phụ thuộc vào sai sót của nhân viên vận hành, lúc đó là thời điểm thích hợp để ta có nhà máy ĐHN.
Ai cũng biết, trong thế kỷ qua con người đã sử dụng quá nhiều nguồn nhiên liệu hóa thạch, tạo nên hiệu ứng nhà kính. Ý thức được điều đó, con người đi tìm những nguồn năng lượng khác từ mặt trời, gió, địa nhiệt... nhưng dự báo cũng không quá 30% vào năm 2020. Do vậy nguồn năng lượng nguyên tử trước sau gì cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho con người. Vấn đề là an toàn, và công chúng có quyền yêu cầu một công nghệ ĐHN gần như an toàn tuyệt đối.
Nh.Khanh
-----------------------------------------
Ông Nguyễn Ngọc Trân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội:
Điện hạt nhân là cần thiết nhưng phải làm hết sức thận trọng
Phía Viện Năng lượng nguyên tử VN đưa ra lý do đến năm 2017 phải đưa ĐHN vào nếu không thì nguồn năng lượng sẽ bị cạn kiệt. Tôi nghĩ là chưa hẳn đã đúng như vậy. Trong Luật Điện lực mới được QH cho ý kiến có nêu vấn đề ta phải sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm, kể cả không cạn kiệt cũng cần phải tiết kiệm. Tôi có trao đổi với một số nhà khoa học chuyên ngành trong hội đồng chính sách khoa học quốc gia thì họ đều cho rằng không phải đến năm 2017 là năng lượng của VN bị cạn kiệt: Dầu khí, thủy điện và các dạng năng lượng khác vẫn còn. Thời điểm chúng ta cần đến năng lượng hạt nhân xa hơn, có thể là vào thập niên 30 của thế kỷ 21.
Tôi nhấn mạnh thời điểm là vì cái công nghệ, lò phản ứng là rất quan trọng. Hiện nay những công nghệ họ chào hàng với mình là loại lò thế hệ thứ 3, mà công nghệ này có thể thấy được những nhược điểm, không bảo đảm an toàn. Hiện nay họ đang nghiên cứu để cho ra loại lò phản ứng thế hệ thứ 4. Lúc đầu dự kiến ra đời khoảng năm 2030, nhưng nay có thể sẽ hoàn thiện vào khoảng năm 2025. Thế hệ lò phản ứng này an toàn hơn và chất thải cũng ít hơn. Tôi cho rằng rồi đến một lúc nào đó chúng ta cũng phải cần đến năng lượng hạt nhân, nhưng vấn đề là phải đi vào lĩnh vực này hết sức thận trọng. Cần phải chọn công nghệ tốt nhất, an toàn nhất, ít ảnh hưởng đến môi trường nhất để làm. Việc quy hoạch phát triển ĐHN phải làm hết sức thận trọng. Yêu cầu từ nay đến cuối năm phải hoàn thành quy hoạch này là quá sớm. Chạy vội vàng như thế tôi cho là không nên. M.Nghĩa ghi
------------------------------------------------------
Ông Đào Văn Hưng, Tổng Giám đốc EVN:
Năm 2020, sẽ thiếu hụt khoảng 50.000 MWh
Trong 5 năm qua, nhu cầu điện năng của nước ta tăng khoảng 15% mỗi năm, đặc biệt năm 2002 là một năm quan trọng với mức tăng trưởng nhu cầu điện năng là 17%. Nhu cầu phụ tải tới năm 2005 là 48,5-53 tỉ KWh, năm 2010 là 88,5-93 tỉ KWh. Nhằm đáp ứng nhu cầu điện tăng cao, trong giai đoạn từ nay tới năm 2005 cần hoàn thành đưa vào vận hành 10 nhà máy đang xây dựng và chuẩn bị xây dựng với tổng công suất 3.023 MW. Giai đoạn 2006-2010 cần xây dựng mới và mở rộng thêm 52 nhà máy điện với tổng công suất khoảng 7.574 MW, trong đó có 42 nhà máy thủy điện (kể cả các nhà máy thủy điện do các doanh nghiệp ngoài Tổng Công ty Điện lực VN (EVN) đầu tư) với tổng công suất khoảng 4.827 MW, 4 nhà máy nhiệt điện khí, 6 nhà máy nhiệt điện than. Đồng bộ với việc bổ sung nguồn điện, hệ thống lưới điện cũng phải được đẩy nhanh tiến độ, trong đó, xây dựng mới 15 trạm biến áp 500 KV và 2.326 km đường dây. Xây dựng mới 85 trạm biến áp 220 KV và 5.064 km đường dây 220 KV.
Theo tính toán của EVN, đến năm 2020, nhu cầu năng lượng của VN vào khoảng 200.000 MWh. Trong khi đó, nếu khai thác hết các nguồn năng lượng có thể cũng chỉ đạt 150.000 MWh. Như vậy sẽ thiếu hụt khoảng 50.000 MWh. EVN cũng tính đến phương án mua điện của một số nước xung quanh, tuy nhiên điều này gặp khó khăn và cũng không đủ đáp ứng nhu cầu.
G.Linh-M.Ng ghi
------------------------------------------------
GS Đặng Vũ Minh, Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam:
Chỉ nên phát triển điện hạt nhân khi không còn giải pháp nào khác
Theo tôi, cần phải xem từ nay đến năm 2020 và sau đó nữa có cách nào giải quyết vấn đề năng lượng ở nước ta không. Nếu không còn cách nào khác, bị thiếu hụt năng lượng, là con đường độc đạo thì chúng ta phải tính đến việc phát triển ĐHN. Và nếu đã làm thì phải làm hết sức cẩn thận. Trường hợp còn hướng đi khác thì chúng ta phải cân nhắc cẩn thận. Lý do là việc đầu tư cho ĐHN không hề rẻ, vận hành khó khăn, đòi hỏi trình độ quản lý chuyên nghiệp cao. Đặc biệt vấn đề an toàn được nhiều người rất quan tâm. Cũng cần nhớ rằng, những cán bộ vận hành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã được đào tạo từ những năm 1960-1961. Trung bình để đào tạo một cán bộ vận hành lò phản ứng hạt nhân phải cần ít nhất 15 năm. Cho cháy lò là một chuyện, để điều hành một cách an toàn là chuyện khác. Vì thế, nếu muốn năm 2020 có cán bộ vận hành được lò phản ứng hạt nhân thì phải cử cán bộ đi đào tạo từ bây giờ.
M.Nghĩa ghi
|