Một bạn đọc, là người trong cuộc, góp thêm thông tin để lý giải vì sao có hơn 400 máy tính "nhốt kho" ở nhiều trường THCS thuộc tỉnh Ninh Thuận. Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Thuận nói gì?
Ở cương vị của mình, tôi không rõ ngành GD-ĐT ở các tỉnh, thành phố khác trên cả nước sử dụng máy tính ra sao theo quy chuẩn, định hướng của Bộ GD-ĐT đối với chương trình cải cách, thay sách và đổi mới phương pháp ở bậc THCS. Riêng ở ngành GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận, đầu học kỳ II năm học 2003-2004 đã được đầu tư 416 máy tính cá nhân (PC) với tổng giá trị khoảng 2,6 tỷ đồng. Đối với một tỉnh nghèo, khó khăn và thiếu thốn về mọi mặt như Ninh Thuận thì đây là một sự đầu tư một lần về thiết bị giảng dạy có giá trị rất lớn. Thế nhưng vì sao lại có chuyện hơn 400 máy tính bị "nhốt kho", như TS đã phát hiện và đưa tin?
Đó là do lãnh đạo, cùng Phòng Kế hoạch và bộ phận tham mưu của Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện một việc “vô cùng đơn giản" và "công bằng" là... chia đều. Bằng cách lấy 416 máy tính chia cho tất cả các trường THCS và trường PTTH có bậc THCS. Qua phép chia này, mỗi trường được nhận tám máy.
Nói "đơn giản", là vì khi tiến hành công việc trên, Sở GD-ĐT đã không có sự khảo sát thực tế về nhu cầu, điều kiện cơ sở vật chất và quy mô trường lớp,... Từ đó, đã dẫn đến những điều bất hợp lý, gây lãng phí như:
![]() |
Tám máy tính còn trong thùng, bị nhốt vào kho dột nát của trường THCS xã vùng cao Phước Hà. (Ảnh: TSN) |
Trường THCS Phước Hà, huyện Ninh Phước chỉ có vỏn vẹn 55 học sinh (HS) và hơn mười giáo viên (GV), cùng rất nhiều trường có dưới 700 HS và dưới 50 GV, có cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn nhưng cũng nhận được tám máy tính "bình đẳng" như những trường có trên 2.000 HS và gần 100 GV.
Bác Ái là một huyện vùng cao, vùng sâu và xa vừa mới thành lập, bậc THCS chỉ có một trường duy nhất là Pi Năng Tắc bên cạnh bảy trường tiểu học có “lớp nhô” lên bậc THCS với số HS rất ít và điều kiện giảng dạy vô cùng khó khăn. Vậy mà, do cách làm thiếu trách nhiệm và xa rời thực tế của Phòng Kế hoạch Sở GD-ĐT, huyện Bác Ái vẫn được tính là có... tám trường "THCS", được nhận tổng cộng 8 máy tính/trường x 8 (trường) = 64 máy. Trong khi đó, thị xã Phan Rang –Tháp Chàm có quy mô trường lớp hầu như lớn nhất tỉnh, với tám trường (280 lớp, 11.768 HS) cũng chỉ được nhận 64 máy tính.
Hiện nay, chúng tôi đang khẩn trương xây dựng Đề án quản lý, sử dụng hiệu quả hơn 400 máy tính này. Trước mắt, tỉnh có kế hoạch xây dựng Trung tâm Tin học ở các cụm trường để thu hút giáo viên và học sinh bậc THCS đến nghiên cứu, học tập phổ cập tin học, do nhu cầu phổ cập tin học của ngành GD-ĐT Ninh Thuận là rất lớn. (TSN ghi) |
Do đó, thay vì vui mừng khi nhận được máy tính, rất nhiều trường đã phải lo lắng, “chạy đôn, chạy đáo” tìm nơi làm kho hoặc năn nỉ những nhà dân hơi rộng cho phép nhà trường gởi phó thác “tám của nợ cao cấp". Bởi nhiều trường tuy biết máy tính là cần thiết nhưng không biết sử dụng vào việc gì, ngoài chuyện dùng một - hai máy để đánh văn bản hoặc... chơi game (tình trạng này rất phổ biến ở nhiều trường có cơ sở vật chất thiếu thốn, khó khăn ở các huyện)!
Trong tổng số 1.772 GV bậc THCS của Ninh Thuận, hiện chỉ có rất ít GV biết sử dụng máy tính để làm những việc căn bản phục vụ công tác giảng dạy, nói chi đến việc sử dụng thành thạo và có khả năng dạy tin học cho HS. Hơn nữa, chương trình THCS hiện hành chưa có môn tin học, còn nếu có chăng thì với tám máy tính cũng sẽ là “lỡ thầy, lỡ thợ” (nơi thiếu thì quá thiếu, nơi thừa thì quá thừa), khó thể triển khai dạy tin học cho HS.
Từ thực tế trên, tôi xin kiến nghị:
1. Bộ GD-ĐT nên xem lại chủ trương, định hướng cũng như tính hiệu quả, tính khả thi và quy trình chi tiết chung nhất của phương án trang bị máy tính cho 64 tỉnh, thành.
2. Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận nên thảo công văn gởi các Phòng GD-ĐT và các trường cấp II-III (THPT có cả lớp THCS) để đề nghị góp ý về giải pháp phân phối, sử dụng hợp lý nhất 416 máy tính sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của ngành GD-ĐT tỉnh nhà.
Trước mắt, trong khi Sở chưa tiến hành giải pháp mới nào, tôi xin nêu kiến nghị mang tính tham khảo: Sở chỉ thị cho các Phòng GD-ĐT của các huyện, thị thống kê số GV bậc THCS. Lập danh sách và thời khoá biểu cùng với chế tài đủ mạnh, hợp lý để tất cả GV đang dạy THCS mà chưa biết tin học phải đi học môn này mỗi tuần hai buổi tối. Trong thời gian này, cần "gom" về tất cả những máy tính đã lỡ phát.
Hy vọng sau hai năm thực hiện, sẽ xoá mù tin học cho đội ngũ GV bậc THCS để giúp họ có điều kiện truy cập, tìm kiếm thông tin cần thiết trên Internet để học tập, làm giàu kiến thức bản thân cũng như tiến đến thực hiện giáo án điện tử,… Đồng thời, sẽ phát hiện được những GV trẻ, có khả năng để tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo thành GV dạy tin học khi có chương trình tin học bậc THCS do Bộ quy định. Đến lúc đó, sẽ tiến hành trang bị máy tính về lại những trường có đủ các điều kiện dạy tin học bậc THCS theo hình thức cuốn chiếu.
Trần Đình Tuấn (Trường THCS Trần Hưng Đạo, TX Phan Rang - Tháp Chàm)