 |
Cuốn sách tiếng Việt lớp 1 chương trình mới năm học trước có nhiều sai sót và đã gây tranh cãi gay gắt - Ảnh: Thanh Đạm |
Trao đổi với phóng viên TT bên lề hội nghị mở đầu đợt thẩm định vòng 1 bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 3 chương trình tiểu học mới (từ 24-10 đến cuối tháng 11-2003), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai cho biết: bắt đầu từ SGK lớp 3 sẽ được thẩm định theo một qui trình chặt chẽ hơn với nhiều yêu cầu mới, nhằm nâng cao trách nhiệm của cả thành viên hội đồng thẩm định quốc gia và tác giả biên soạn sách.
Bà Mai khẳng định:
- Bộ SGK lớp 3 sẽ được thẩm định và hoàn thiện nội dung để in ấn sớm hơn so với SGK lớp 2 và lớp 1 các năm trước. Riêng về khâu thẩm định, bộ có nhiều cải tiến quan trọng với mục tiêu đảm bảo chất lượng nội dung và hình thức của SGK, không để xảy ra những sai sót không đáng có.
Đây là lần đầu tiên trong quyết định thành lập hội đồng thẩm định (HĐTĐ) quốc gia, Bộ GD-ĐT qui định rõ hội đồng và các thành viên phải chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và xã hội về chất lượng của từng cuốn sách đã được thẩm định. Theo tôi, đây vừa là sự tôn vinh, vừa nâng trách nhiệm của các thành viên HĐTĐ quốc gia. Nếu có sai sót nào bị phát hiện, HĐTĐ môn học đó sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
+ Lâu nay nhiều người vẫn cho rằng không ít cuốn SGK khi đưa vào sử dụng còn nhiều sai sót chủ yếu là do khâu thẩm định đã thực hiện một cách hình thức, dễ dãi hoặc “nể nang” nhau. Qui trình, phương thức thẩm định SGK lớp 3 có giải quyết được tình trạng này không, thưa thứ trưởng?
- Đây chính là vấn đề mà lần này Bộ GD-ĐT kiên quyết khắc phục bằng nhiều biện pháp. Về qui trình thực hiện, là người trực tiếp chịu trách nhiệm về SGK chương trình tiểu học mới, tôi yêu cầu tất cả HĐTĐ từng môn học phải ghi rõ biên bản các cuộc họp thẩm định, ghi đầy đủ ý kiến đánh giá, tranh luận của từng thành viên để nếu sau này dư luận, giáo viên có phát hiện sai sót hay còn ý kiến gì về nội dung kiến thức, hình thức trình bày của SGK, chúng tôi sẽ căn cứ vào biên bản, ý kiến đánh giá của từng người để qui trách nhiệm.
Còn về thành phần các HĐTĐ bộ môn, lần này chúng tôi kiên quyết thực hiện nguyên tắc phải có 2/3 thành viên hội đồng là các nhà khoa học, lựa chọn những người có nhiều kinh nghiệm trong biên soạn SGK, 1/3 còn lại là các nhà quản lý chuyên môn, giáo viên trực tiếp giảng dạy.
Và cuối cùng, điểm mới nhất để có thể trực tiếp khắc phục tình trạng nể nang trong thẩm định SGK, năm nay khi lựa chọn thành viên các hội đồng, bộ kiên quyết thực hiện nguyên tắc: tất cả tác giả đã tham gia viết sách sẽ không được tham gia khâu thẩm định. Những năm trước, nhiều tác giả viết sách môn này lại tham gia HĐTĐ môn kia, quan hệ dắt dây, chồng chéo như thế nên dễ có tình trạng nể nhau, xuê xoa lẫn nhau, “dễ người dễ ta”...
+ Thưa thứ trưởng, nếu trong trường hợp HĐTĐ đề nghị chỉnh sửa nhưng tác giả vẫn kiên quyết giữ nguyên thì ai sẽ đưa ra kết luận cuối cùng và chịu trách nhiệm về nội dung cuốn sách đó?
- Đối với những điểm HĐTĐ yêu cầu chỉnh sửa mà tác giả viết sách không chấp nhận, chúng tôi sẽ tổ chức cho hai bên trao đổi ý kiến, tranh luận trực tiếp. Mỗi bên cần trình bày lập luận, căn cứ khoa học, căn cứ thực tiễn... cho ý kiến của mình. Nếu cuối cùng vẫn không thể đi đến thống nhất, lãnh đạo Bộ GD-ĐT mà cụ thể là tôi sẽ chịu trách nhiệm có kết luận cuối cùng.
Tôi biết thực hiện theo nguyên tắc này tôi sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân khá nặng nề, nhưng cần phải làm như vậy để phần nào thay đổi dần cách thẩm định SGK theo hướng tăng cường trách nhiệm cá nhân của những người tham gia, để có được những cuốn SGK ngày càng ít sai sót.
+ Nếu một cuốn SGK không được HĐTĐ thông qua thì hướng xử lý như thế nào, có biên soạn lại không, tác giả viết SGK có phải chịu trách nhiệm không, thưa thứ trưởng?
- Để có một cuốn SGK tốt về cả nội dung, hình thức, trách nhiệm của người biên soạn cũng nặng nề không kém những người thẩm định. Dĩ nhiên khi một cuốn sách không được HĐTĐ quốc gia chấp nhận sẽ phải được xem xét lại. Nếu thấy những lý do HĐTĐ quốc gia thống nhất đưa ra là hoàn toàn có căn cứ, cuốn sách đó cần phải biên soạn lại những phần chưa được chấp nhận.
Tôi cho rằng cần phải thực hiện việc biên soạn SGK theo nguyên tắc đánh giá đúng công sức lao động của người viết, nhưng trong trường hợp một cuốn sách viết xong mà bị “đổ” thì tác giả phải chịu trách nhiệm, bồi thường về thiệt hại do ảnh hưởng đến tiến độ chung.
THANH HÀ thực hiện
Theo kinh nghiệm của tôi, cứ phải xác định trách nhiệm cá nhân cụ thể chứ không thể đánh giá chung chung của cả hội đồng, đến lúc có sai sót không biết trách nhiệm thuộc về ai, xử lý ai. Thẩm định SGK là một trọng trách, mỗi thành viên hội đồng là người được Bộ GD-ĐT tin tưởng, lựa chọn để giao trọng trách này, nhưng đồng thời mỗi thành viên cũng phải chịu trách nhiệm cá nhân về nhiệm vụ, chịu trách nhiệm trước học sinh, trước xã hội.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai
|