 |
Chất lượng giáo dục vẫn còn nhiều điều đáng lo |
Bài thuyết trình
trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (QH) tuần qua của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển dù khá dài và hết sức căng thẳng, nhưng dường như chưa thỏa mãn được cử tri cả nước, đặc biệt là phần liên quan đến chất lượng giáo dục. Vì vậy trong khuôn khổ trang báo này, một người là đại biểu QH và một người là nhà giáo - cũng đều là cán bộ khoa học, đã xin được tranh luận lại với bộ trưởng.
Gs.Ts Nguyễn Ngọc Trân: Phải bắt mạch cho đúng bệnh!
Không thể viện dẫn con số sinh viên VN được giải quốc tế hay ra nước ngoài học khá, giỏi, cho dù là ở École Polytechnique hay École Normale Supérieure ở Paris, để nói rằng chất lượng đào tạo của ta đã khá hơn. Bởi lẽ vài chục, vài ngàn, thậm chí một hay hai vạn SV, tỉ lệ là bao nhiêu so với số SV THPT và SV cả nước? Việc một số trường đại học nước ngoài chấp nhận cho SVVN vào học hoàn toàn không có nghĩa là họ công nhận bằng cấp và trình độ đào tạo đại trà của chúng ta!
Cũng không nên dẫn ra việc năm nay có hai thí sinh trúng tuyển ĐH với điểm tuyệt đối 30/30 là học sinh của một trường THPT không chuyên ở Thanh Hóa, một kết quả đáng ghi nhận, để hàm ý rằng chất lượng đào tạo của ta đã khá hơn đều trong cả nước.
Bộ trưởng đã cho rằng việc tốt nghiệp THPT tỉ lệ cao (hơn 90%) không mâu thuẫn với tổng số điểm ba bài thi tuyển vào ĐH thấp; rằng sự “vênh” này là bình thường bởi lẽ một bên là “thi tốt nghiệp” và một bên là “thi tuyển”, nghĩa là chọn những người giỏi nhất. Theo tôi nghĩ, không ai không lĩnh hội được sự khác biệt này, nhưng điều đáng nói về vấn đề này nằm ngay trong chính báo cáo giải trình của bộ trưởng.
Trang 17 của bản giải trình có đoạn viết: “Ngành giáo dục và lãnh đạo một số địa phương luôn phải cân nhắc về những khó khăn xảy ra nếu tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông thấp xuống”. Có nghĩa là bộ đồng tình với lãnh đạo một số địa phương, vì nhiều lý do (không có đủ chỗ để tiếp nhận số bị trượt, khó tìm được việc làm nếu không tốt nghiệp THPT và dễ mắc vào các tệ nạn xã hội...), đã cho tốt nghiệp THPT không ít HS không đạt yêu cầu.
Việc làm này (tôi chưa bàn đến mặt đạo lý và trách nhiệm của việc làm có ý thức này), cho tốt nghiệp THPT những HS không đủ trình độ, theo tôi, đã giải thích một phần lớn biểu đồ tổng điểm ba môn thi tuyển ĐH mà đáng lý bộ trưởng nên sử dụng để thuyết minh chất lượng giảng dạy đã được nâng lên nếu đó là thực tế.
Trong chừng mực mà nội dung các đề thi tuyển sinh ĐH nằm trong chương trình THPT và không mang tính thách đố, như bộ trưởng khẳng định, biểu đồ này phản ánh trình độ HS tốt nghiệp phổ thông của chúng ta. Năm ngoái tôi đã phân tích biểu đồ năm 2002. Biểu đồ năm 2003, năm thứ hai có số liệu trong cả nước, cũng tương tự như vậy: một hình chuông lật úp, bị nén về phía điểm không. Biểu đồ điểm tuyển sinh 2003 cho thấy trên 86% HS tốt nghiệp THPT có tổng số điểm ba môn thi dưới 15/30.
“Phải nhìn thấy các mặt được và chưa được của ngành giáo dục. Phải khách quan xem xét vấn đề giáo dục”, tôi đã phát biểu như vậy trong phiên chất vấn tại kỳ họp lần thứ hai và nhiều ý kiến đã cho là tôi “bảo vệ” ngành giáo dục. Nhưng phải bắt mạch cho đúng căn bệnh và tìm ra giải pháp, không được biện minh cho những khuyết điểm năm này sang năm nọ, bởi lẽ những khuyết điểm sẽ không giảm mà còn có nguy cơ “di căn”.
Giáo dục là quốc sách hàng đầu. QH có nhiệm vụ thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương này. Tôi cho rằng QH, các đại biểu QH, trong đó có tôi, có trách nhiệm đã để các tình trạng trên kéo dài, đã không làm tốt công tác lập pháp và công tác giám sát của mình trong lĩnh vực giáo dục.
Nhà giáo ưu tú Trần Hữu Tá: Chỉ nhìn mặt tiền ngôi nhà
Hình như chỗ đứng để đánh giá chất lượng đào tạo của ông bộ trưởng và nhiều đại biểu QH không giống nhau. Ông nhìn lạc quan (trình độ HS được nâng cao, số HS đoạt giải trong các kỳ thi Olympic tăng lên từng năm; các nước Thái Lan, Philippines đánh giá tích cực ngành giáo dục phổ thông của ta...). Có lẽ không sai. Nhưng cũng có lẽ như thế mới chỉ nhìn mặt tiền của ngôi nhà.
Nhiều đại biểu QH, các cơ quan ngôn luận cũng như không ít nhà giáo tâm huyết đã ưu tư và có lúc lo lắng trước thực trạng (chứ không còn là nguy cơ) tụt hậu của giáo dục - của toàn ngành nói chung, chứ không riêng cấp nào, bộ phận nào. Nói một cách hình ảnh, khác ông bộ trưởng, nhìn ngôi nhà chúng tôi tập trung chú ý đến nền móng, tường vách, phòng ốc..., đến chất lượng cơ bản của nó xét trên tổng thể. Kết quả rất thấp của các kỳ thi tuyển sinh ĐH là một thực tế đau lòng chưa đủ làm chúng ta giật mình hay sao? Một dẫn chứng khác để thấy sự chưa gặp nhau của hai phía.
Đề cập đến ngành sư phạm, ông bộ trưởng đưa ra những con số: 100 trường và khoa sư phạm trong cả nước đào tạo mỗi năm được 50.000 giáo viên các ngành các cấp. Không phủ nhận kết quả đáng khích lệ ấy, nhưng tôi lại nghĩ thêm: thế còn chất lượng thật sự (chứ không phải chất lượng nhiều khi là ảo)?
Khó có thể yên tâm với kết quả đào tạo giáo viên khi qui chế tuyển sinh sư phạm còn khá nhiều điều không ổn (điểm ưu tiên vùng sâu vùng cao là cần nhưng quá nhiều; không có hệ số dành cho môn thi chuyên ngành; cào bằng kết quả các môn thi: chẳng hạn vào khoa văn, thí sinh có thể chỉ đạt điểm 2 môn văn vẫn trúng tuyển vì sử địa đạt điểm 8, điểm 9).
Càng không thể yên tâm khi thực lực đội ngũ giảng viên ở nhiều trường, nhiều khoa sư phạm quá yếu. Nhiều giáo sư, giảng viên chúng tôi đến nay vẫn không hiểu tại sao bộ lại "đẻ non" nhiều trường ĐH sư phạm đến thế. Mở rộng mạng lưới ĐH sư phạm trên cả nước là cần, nhưng không nên vội vã mở khi lực lượng giảng viên vừa yếu vừa thiếu. Chúng ta lại có quá nhiều sáng kiến, đẻ ra nhiều phương thức, loại hình đào tạo: chính qui, tại chức, chuyên tu, đào tạo từ xa...
Tất cả đều có thể chấp nhận nếu chúng ta tôn trọng mục tiêu, qui trình đào tạo và theo dõi chỉ đạo, kiểm tra nó một cách nghiêm khắc. Vì vậy con số 50.000 giáo viên ra trường mỗi năm rất đẹp ấy, liệu bao nhiêu người đảm bảo có chất lượng đúng mức?
Tôi nghĩ không ai phủ nhận những cố gắng đáng biểu dương của hơn một triệu "kỹ sư tâm hồn" trong nhiều năm qua, nhưng với tư cách một cử tri, tôi đề nghị ông bộ trưởng Bộ GD-ĐT khi nhận định đánh giá thực trạng, hiệu quả công tác giáo dục đào tạo, hãy chủ yếu căn cứ vào chất lượng chứ không nên quá tính đến phong trào, hãy thấy đầy đủ trách nhiệm và những mặt bất cập của người thuyền trưởng con tàu giáo dục quá ư quan trọng mới có thể cải thiện được tình hình.
Tôi không nói ông không chú ý đến những điểm ấy, nhưng qua phát biểu của ông, tôi cảm thấy ông chưa quan tâm đúng mức. Có thể tôi cảm nhận không chính xác chăng?