Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 12/1997 nhưng đến nay, dự án xây dựng Làng ĐH Đà Nẵng vẫn tiếp tục “treo” xuyên qua hai thế kỷ XX và XXI. Vì sao?
Gần mười năm giẫm chân tại chỗ
ĐH Đà Nẵng hiện có năm thành viên, gồm bốn trường ĐH Kinh tế, Bách khoa, Ngoại ngữ, Sư phạm, cùng trường CĐ Công nghệ. Ghi nhận tầm quan trọng của ĐH Đà Nẵng đối với sự phát triển của miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, từ năm 1994, các nhà quy hoạch đã bắt đầu đưa ra ý tưởng xây dựng Làng ĐH Đà Nẵng với vị trí sau đó được xác định nằm vắt qua xã Hoà Quý cũ (nay là phường Hoà Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) và xã Điện Ngọc (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Năm 1997, dự án xây dựng Làng ĐH Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt tiền khả thi với diện tích 300ha, quy mô đào tạo 30.000 sinh viên; tổng kinh phí đầu tư dự kiến ở thời điểm đó là 1.700 tỷ đồng.
 |
Do bị treo kéo dài nên trong khu vực quy hoạch xây dựng Làng ĐH Đà Nẵng đang diễn ra tình trạng xây dựng nhà trái phép khá nóng bỏng.
|
Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước lúc bấy giờ đang tập trung vốn cho nhiều công trình trọng điểm như điện, thuỷ nông... nên nguồn vốn cần thiết để đầu tư cho Làng ĐH Đà Nẵng là quá lớn. Mặt khác, cùng thời điểm năm 1997, nhiều trung tâm đào tạo ĐH trong cả nước cũng lập dự án xây dựng Làng ĐH, như ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP.HCM lập dự án lên đến một tỷ USD, ĐH Huế 1.500 tỷ đồng, ĐH Thái Nguyên hơn 1.000 tỷ đồng... Vì lẽ đó, dù chấp nhận quy hoạch Làng ĐN Đà Nẵng nhưng Chính phủ yêu cầu triển khai theo phương án từng bước, từ quy hoạch, giải toả đền bù đến xây dựng cơ sở hạ tầng, ít nhất trong 10 – 15 năm mới cơ bản hoàn thành.
Mãi đến năm 1999, Làng ĐH Đà Nẵng mới tiếp tục được Chính phủ phê duyệt dự án khả thi. Thế nhưng chỉ hai năm sau, lại có sự điều chỉnh quy hoạch. Như vậy là, tính từ lúc khởi động cho đến bây giờ, dự án xây dựng Làng ĐH Đà Nẵng đã “treo” gần mười năm, xuyên từ thế kỷ XX qua thế kỷ XXI!
Vì không tìm ra vốn đầu tư?
Sau khi Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề nghị giãn đầu tư, dự án Làng ĐH Đà Nẵng cũng như các dự án Làng ĐH khác trong cả nước đã đứng trước hàng loạt khó khăn về nguồn vốn không lường hết.
 |
Tuyến đường bao quanh khu vực quy hoạch cho dự án Làng ĐH Đà Nẵng chỉ mới xây dựng được mỗi... cái cống!
|
Nếu năm 1997, dự kiến nguồn vốn cho xây dựng Làng ĐH Đà Nẵng là 1.700 tỷ đồng thì đến nay, theo GS TSKH Phan Quang Xưng, giám đốc ĐH Đà Nẵng: “Số vốn cần đã tăng lên gấp nhiều lần và mỗi năm mỗi tăng. 500 triệu USD là số tiền cần thiết để xây dựng Làng ĐH Đà Nẵng từ nay cho đến khi cơ bản hoàn thành, sớm nhất là vào năm 2020. Trong khi chúng tôi vẫn chưa thể huy động được số vốn lớn như vậy thì vẫn còn quá nhiều công trình khác phải đầu tư nhằm đáp ứng công tác giảng dạy hiện nay!”.
Được biết, ĐH Đà Nẵng đã xúc tiến huy động vốn cho dự án Làng ĐH Đà Nẵng từ rất nhiều nguồn. Song, nguồn vốn nước ngoài tuy được đặt nhiều kỳ vọng vẫn chưa có được tín hiệu khả quan nào; huy động vốn đóng góp của nhân dân thì mới là ý tưởng vì cần được xác định cơ chế và hình thức...
Vừa qua, Bộ GD-ĐT lại chỉ đạo ĐH Đà Nẵng lập dự án tiền khả thi lần thứ hai. Theo đó, Làng ĐH Đà Nẵng sẽ triển khai làm hai giai đoạn. Riêng trong giai đoạn I, ĐH Đà Nẵng phải hoàn thành quy hoạch dự án tiền khả thi điều chỉnh, tính toán chi phí giải toả đền bù cho 1.000 hộ dân và 10.000 ngôi mộ; thiết kế hệ thống cơ sở hạ tầng (điện, nước, giao thông..). Đồng thời, ĐH Đà Nẵng phải phối hợp với TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam xây dựng khu tái định cư rộng 60ha (30ha ở Đà Nẵng, 30ha ở Quảng Nam). Tất cả những chương trình đầu tư giai đoạn I ước tính phải cần đến hàng nghìn tỷ đồng, và điều này đang tiếp tục là một thách thức không nhỏ đang đặt ra trước mắt ĐH Đà Nẵng!
Nhiều nỗi bức xúc vì... "gà bới bếp"!
Có thể nói, Làng ĐH Đà Nẵng là điển hình của những dự án “quy hoạch treo”, kể từ khâu quy hoạch cho đến triển khai thực hiện. Điều đó khiến người dân sống trong vùng quy hoạch luôn phải thấp thỏm âu lo, không biết đến bao giờ mới được đền bù giải toả, tái định cư để an cư lạc nghiệp.
 |
Tình trạng chờ đợi kéo dài năm này qua năm khác đã khiến đất đai của người dân sống trong vùng quy hoạch dự án Làng ĐH Đà Nẵng bị bỏ hoang, sản xuất ngưng trệ.
|
Suốt thời gian qua, việc triển khai dự án này cứ như “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Một số đơn vị, địa phương và ngành liên quan “thỉnh thoảng” nhảy vào cuộc thì cũng chỉ như “gà bới bếp”. Ông Huỳnh Đức Đình, phó chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn bức xúc: “Suốt mấy năm qua, dự án Làng ĐH Đà Nẵng như một gánh nặng cho Hội đồng Giải phóng Mặt bằng địa phương. Hôm nay thì nhảy vào ráp giá đền bù đất sản xuất nông nghiệp cho vài chục hộ; tới năm sau mới lại giải toả cho bảy – tám hộ dân khác. Có năm lại chẳng thấy động tĩnh gì cả. Người dân trong vùng quy hoạch cứ thấp thỏm chờ đợi đền bù giải toả, tái định cư!”.
Bà Hồ Thị Lai, sống trên tuyến đường Lưu Quang Vũ, chỉ ra vạt đất xác xơ sau nhà, than thở: “Hơn 40 hộ dân chung quanh tui đây đã thấp thỏm chờ đợi cả chục năm ni rồi. Trong khi đất đã quy hoạch nên sản xuất hầu như ngưng trệ, người dân không thế chấp được tài sản để vay vốn đầu tư; nhà cửa xuống cấp, dột nát cũng không được xây dựng lại; đời sống gia đình bị xáo trộn, ai nấy hoang mang!...”. Không những thế, do cả một địa bàn rộng lớn bị quy hoạch “treo” suốt cả chục năm nên tình trạng người dân xây nhà trái phép, nhà chạy quy hoạch cũng đang trở nên rất nóng bỏng ở khu vực này!
Bên cạnh đó, việc dự án bị giẫm chân tại chỗ kéo dài đã khiến có những công tác liên quan dù được thực hiện từ nhiều năm trước nhưng nay đã không còn phù hợp với thực tế. Đơn cử là việc định giá đền bù cho dân. Thay mặt những người dân sống trong vùng quy hoạch, ông Huỳnh Đức Đình kiến nghị: “Các cơ quan liên quan cần xem xét chính sách đền bù hợp lý cho nhân dân, nhất là các hộ đã áp giá đền bù theo mức cũ thì nay cần được điều chỉnh để đảm bảo tính công bằng, tránh tình trạng người gương mẫu chấp hành chính sách, chủ trương lại thua thiệt. Công tác bố trí tái định cư cần đảm bảo cho người dân quyền được tái định cư tại chỗ, tránh gây ra những xáo trộn lớn!”.
Đáp ứng đề nghị chính đáng này đồng nghĩa với việc phải tính toán lại định giá đền bù cho hợp lý một khi dự án xây dựng Làng ĐH Đà Nẵng được triển khai ngay bây giờ (và tất nhiên những việc đã làm trước đây coi như... đổ sông đổ biển!).
Đối với ĐH Đà Nẵng, tình cảnh cũng chẳng hơn gì vì luôn phải “sống” trong tâm trạng: Mọi kế hoạch đầu tư phát triển, xây dựng cơ bản, quy hoạch hệ thống đào tạo đều bị động và lúng túng. Ví dụ, mới đây ĐH Đà Nẵng được Chính phủ cho phép thành lập và đưa vào hoạt động Trường ĐH Ngoại ngữ, nhưng không có cơ sở hạ tầng nên phải sử dụng... nhà ở tập thể để làm giảng đường!
Theo định hướng phát triển đến năm 2010, ĐH Đà Nẵng phấn đấu trở thành một trong ba trung tâm giáo dục đại học lớn nhất cả nước theo Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về phát triển TP. Đà Nẵng. Trong năm năm tới, ĐH Đà Nẵng sẽ phải đảm bảo đủ năng lực để đào tạo khoảng 70.000 sinh viên cùng 3.000 nghiên cứu sinh. Theo đó, ĐH Đà Nẵng sẽ mở thêm nhiều ngành nghề đào tạo mới như y dược, các ngành nông nghiệp, quản lý sau thu hoạch, công nghệ cao... cùng một số khoa, trường trực thuộc.
Để đạt được những mục tiêu này, yêu cầu đặc biệt bức xúc đang đặt ra trước mắt: Phải xúc tiến thật nhanh dự án xây dựng Làng ĐH Đà Nẵng. Nhưng với thực tế như đang diễn ra hiện này thì... không ai dám chắc điều gì cả!
Trong khi Đà Nẵng chủ động vào cuộc...
Bức xúc trước tình hình này, đầu tháng 3/2004, bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh và chủ tịch UBND TP Huỳnh Năm đã có cuộc làm việc với Ban giám đốc ĐH Đà Nẵng và đi đến thống nhất: TP tích cực hỗ trợ ĐH Đà Nẵng trong việc triển khai dự án Làng ĐH bằng cách đảm nhận toàn bộ kinh phí và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
 |
Mười năm nay, người dân sống dọc đường Lưu Quang Vũ (phường Hoà Quý) đã thấp thỏm chờ đợi dự án Làng ĐH Đà Nẵng triển khai để được đền bù, tái định cư đến nơi ở mới. |
Ngay sau đó, UBND TP. Đà Nẵng đã thành lập Ban công tác triển khai dự án xây dựng Làng ĐH Đà Nẵng, do một phó chủ tịch UBND TP làm trưởng ban, một phó giám đốc ĐH Đà Nẵng làm phó ban. Ngoài ra, các hoạt động khác vẫn tiếp tục theo nhiệm vụ đã được giao như duy trì Hội đồng Giải phóng mặt bằng, hợp đồng tư vấn thiết kế, đầu tư dự án tái định cư... Với đặc thù của một dự án có vị trí địa lý nằm vắt qua hai tỉnh, thành nên phần việc trên địa giới hành chính nào thì địa phương đó lo liệu. Riêng ĐH Đà Nẵng phải “phân thân” thương thảo thêm với Quảng Nam để cùng triển khai dự án trên địa giới tỉnh này.
Giám đốc ĐH Đà Nẵng, GS Phan Quang Xưng bày tỏ: “Trong điều kiện chưa thể đầu tư cơ sở hạ tầng, phía ĐH Đà Nẵng mong muốn giải toả nhanh khu vực vành đai, tiếp đó là làm đường bao”. Tuy nhiên, TP. Đà Nẵng đã tỏ rõ quyết tâm làm được nhiều hơn thế. Đến giữa tháng 4/2004, các cam kết hỗ trợ đền bù giải toả, giải phóng mặt bằng xây dựng Làng ĐH Đà Nẵng từ phía lãnh đạo TP đã bắt đầu thực thi. Trước mắt, kế hoạch tái định cư cho nhân dân trong vùng dự án đã được xác định trên diện tích quy hoạch 70ha ở khu vực kế cận, riêng khu vực Đà Nẵng có 35ha. Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Chính khẳng định: Công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư sẽ được xúc tiến ngay. Lãnh đạo TP đã giao cho Công ty Vật liệu Xây dựng – Xây lắp và Kinh doanh Nhà Đà Nẵng đảm nhận công tác tái định cư; Ban giải toả đền bù các dự án xây dựng số 2 làm công tác giải phóng mặt bằng. Tinh thần chỉ đạo nhất quán là mọi công việc trên địa giới TP phải được thực hiện triệt để, xoá ngay quy hoạch “treo”. Đồng thời, các dự án triển khai cũng phải có sự phối hợp với phía Quảng Nam để đảm bảo cho dự án đạt tính khớp nối quy hoạch chi tiết, không chồng lấn và tăng tính thiết kế kiến trúc công trình khu vực vành đai, vùng đệm...
Theo tiến độ được UBND TP. Đà Nẵng xác định, đến cuối ngày 30/4/2004 phê duyệt xong đồ án tái định cư và công bố quy hoạch; cuối năm 2004 bố trí xong tái định cư tại chỗ; qua đầu năm 2005 bắt đầu di dời dân trong vùng quy hoạch và bàn giao mặt bằng cho dự án Làng ĐH Đà Nẵng! Tất nhiên, đây chỉ mới là tiến độ đối với phần việc trên địa giới Đà Nẵng, còn 50% khối lượng công việc thuộc địa bàn Quảng Nam thì vẫn đang tiếp tục được thương thảo. Nhưng dù sao, một trong những “nút thắt” nhiều ám ảnh nhất của dự án “quy hoạch treo” Làng ĐH Đà Nẵng cũng đã được cởi bỏ dần.
Vấn đề còn lại là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT đối với dự án của chính ngành mình!
... Thì Bộ GD-ĐT vẫn khoanh tay ngồi chờ?
Điều khiến mọi người rất thất vọng là trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Khoan với lãnh đạo TP. Đà Nẵng hôm 22/4, thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trương Văn Đoan cho hay: “Bộ GD-ĐT có gửi văn bản giải trình kiến nghị của Đà Nẵng, cho biết ở giai đoạn I, dự án Làng ĐH Đà Nẵng đã được bố trí gần 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở giai đoạn II, Bộ GD-ĐT nhận thấy dự án được xây dựng cách đây mười năm nên đã có nhiều điểm không còn phù hợp với sự phát triển của ĐH Đà Nẵng. Hiện Bộ GD-ĐT đang trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung ĐH Đà Nẵng đến năm 2020. Phải đợi Chính phủ có quyết định phê duyệt mới có thể tái bố trí vốn cho Làng ĐH Đà Nẵng!”. Có nghĩa, dự án này sẽ tiếp tục giẫm chân tại chỗ, bất chấp mọi nỗ lực của địa phương lẫn ĐH Đà Nẵng trong thời gian qua?
Cần nói thêm là, đối với một dự án đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng như Làng ĐH Đà Nẵng thì việc Bộ GD-ĐT suốt mấy năm qua chỉ bố trí vài chục tỷ đồng quả là "muối bỏ biển", chỉ đủ để làm được vài việc theo kiểu “gà bới bếp” như đã nêu trên. Chính thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tấn Vạn cũng phải nhận xét: “Không chỉ Làng ĐH Đà Nẵng mà cả Làng ĐH Hà Nội, Làng ĐH TP.HCM đều... cơ bản nằm im, nếu có “rục rịch” thì cũng rất chậm. Theo tôi, cần xem lại cách làm của Bộ GD-ĐT!”.
Không đồng ý với thái độ của Bộ GD-ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói dứt khoát: “Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT phải tăng cường trách nhiệm phối hợp với địa phương để thúc đẩy nhanh việc thực hiện dự án Làng ĐH Đà Nẵng!”.
Ngay sau đó, để tháo gỡ những khó khăn về vốn và cơ chế huy động vốn cho dự án Làng ĐH Đà Nẵng, Bộ KH-ĐT đã có những trao đổi cụ thể với ĐH Đà Nẵng về một số vấn đề phục vụ cho việc triển khai giai đoạn II, bao gồm giải toả đền bù, xây dựng Trường ĐH Ngoại ngữ và ký túc xá sinh viên, hoàn thiện cơ sở hạ tầng... đúng tiến độ. Theo đó, hai bên thống nhất đề xuất Chính phủ cho phép huy động nhiều nguồn vốn; ngoài vốn ngân sách là chủ yếu còn có vốn nước ngoài, trái phiếu Chính phủ, vốn đóng góp của nhân dân vào các trường bán công được thành lập trong Làng ĐH Đà Nẵng và có thể là cả nguồn vốn lấy từ việc “bán” các cơ sở không còn cần thiết của ĐH Đà Nẵng trên địa bàn TP. Đà Nẵng, khi Làng ĐHĐN đi vào hoạt động...
Lẽ nào trước những động thái này, Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục khoanh tay ngồi chờ?
Hải Châu
|