 |
Tân sinh viên làm thủ tục nhập học |
Trong những ngày gần đây, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến những thông tin về điểm số cách biệt quá lớn giữa hai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh ĐH: 85% thí sinh cả nước tham dự kỳ thi tuyển vào ĐH có điểm số 3 môn thi dưới trung bình! Riêng TPHCM, kết quả thi của các thí sinh TP đứng ở vị trí thứ 17, sau cả Đà Nẵng. Trong khi đó, thủ đô Hà Nội dẫn đầu cả nước với hơn 40% TS có kết quả thi từ 15 điểm trở lên.
Để có cái nhìn toàn diện về vấn đề này, cần phải có thời gian, các hội nghị khoa học phân tích đầy đủ các yếu tố cấu thành kết quả trên. Song, trước yêu cầu của bạn đọc, chúng tôi đã đi tìm câu trả lời bước đầu từ phía lãnh đạo Sở GD-ĐT và Hiệu trưởng các Trường THPT có uy tín trong thành phố…
Ông Nguyễn Bác Dụng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa: "Không nên chỉ căn cứ vào điểm thi ĐH để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông"
Hiện nay, tôi mới chỉ biết thông tin về thứ hạng kết quả thi đại học xếp theo tỉnh thành qua báo chí. Dĩ nhiên, khi thấy TPHCM đứng thứ hạng thứ 17, sau nhiều tỉnh phía Bắc như Hà Tây, Thanh Hóa… sau cả Đà Nẵng, chúng tôi rất suy nghĩ. Nhưng theo tôi, cần bình tĩnh nhìn nhận vấn đề từ nhiều phía một cách thẳng thắn để phân tích thấu đáo vấn đề.
Trước hết, đó là số lượng thí sinh dự thi ở TPHCM quá lớn, lớn nhất so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong số 60.000 thí sinh dự thi tuyển sinh ĐH năm nay của TPHCM có tỷ lệ không nhỏ thí sinh nhập cư từ các tỉnh, thành.
Do đặc thù của thành phố lớn, điều kiện tìm việc làm dễ hơn các địa phương khác nên trong số học sinh thi đại học, không phải tất cả các em ở TPHCM “sống chết” chỉ một con đường vào đại học. Nhiều em dự thi nhưng vẫn nghĩ còn những cửa khác để vào đời như vào các trường cao đẳng, THCN… Tôi cho rằng, cần phải có điều tra cụ thể số lượng học sinh thành phố vào các trường này để thấy rõ hơn công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh của chúng ta đã có những tiến bộ.
Bên cạnh đó, TPHCM là nơi phát triển rất nhanh hệ thống các trường lớp ngoài công lập. Thẳng thắn mà nói, trừ một số trường ở “tốp trên” có tỷ lệ đậu đại học khá, còn một số trường dân lập khác, mục tiêu đặt ra vẫn chỉ là tốt nghiệp THPT. Thầy cũng dạy theo hướng này, trò cũng học theo mục tiêu như thế. Có đậu ĐH hay không, không quan trọng.
Cũng vì vậy, tôi nghĩ, không nên chỉ căn cứ vào điểm thi ĐH để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Một kỳ thi với mục tiêu đặt ra là để tuyển 10% thí sinh sẽ khác với một kỳ thi để cho tất cả học sinh có học lực trung bình cũng có thể đậu được.
Thế nhưng lại cũng phải thẳng thắn trong nhìn nhận về phương pháp giảng dạy hiện nay của chúng ta. Kết quả thấp của học sinh không thể không liên quan đến cách dạy của thầy. Chừng nào vẫn còn cách dạy nhồi nhét, dạy cho xong chương trình nhằm đạt kết quả thi tốt nghiệp phổ thông với tỷ lệ cao, như một thành tích của thầy giáo, của nhà trường thì chừng đó chúng ta không thể có hiệu quả giáo dục như mong muốn.
Ông Võ Anh Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong: "Số lượng thí sinh TP đông, có nhiều loại chất lượng khác nhau, không thể “tinh” như Hà Nội được"
Phải phân tích số hạng thứ 17 liên quan đến những con số nào, những vấn đề gì thì mới có cái nhìn chính xác về chất lượng giáo dục phổ thông ở TPHCM. Trước hết, điểm này đã tính điểm ưu tiên chưa? Bởi vì, TPHCM và Hà Nội là hai thành phố không có lượng thí sinh được hưởng điểm ưu tiên nhiều như các khu vực khác.
Lại phải so sánh số lượng thí sinh giữa Hà Nội với TPHCM; giữa TPHCM với các tỉnh, thành khác. Dù chưa có con số cụ thể nhưng có thể nói, TPHCM với số lượng thí sinh đông như thế sẽ có nhiều loại chất lượng học sinh khác nhau, không thể “tinh” như Hà Nội được. Nếu chỉ dạy-học theo chương trình của Bộ GD - ĐT trên lớp như hiện nay thì học sinh chỉ có thể đậu tốt nghiệp THPT thôi, muốn vào ĐH, các em phải tự tìm tòi, đào sâu suy nghĩ.
Bà Dương Thị Trúc Bạch, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai: " Đó là sự báo động về phương pháp học tập của các em"
Việc thành phố lớn như thế này chỉ có một học sinh đậu điểm cao nhất đại học, mà học sinh này lại ở một trường vùng ven chứ không phải trường tốp này nọ giữa trung tâm thành phố là sự báo động về phương pháp học tập của các em.
Có một thực tế là dù Bộ GD - ĐT đã ra chung đề nhưng thành phố vẫn còn rất nhiều lò luyện thi, tâm lý và thói quen của học sinh vẫn cho rằng, phải đến lò luyện thì mới đậu. Nhiều em học từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối, hết lò nọ đến trung tâm kia nhưng kết quả như thế nào? Các em không còn thời gian nào để biến kiến thức của thầy, của sách thành kiến thức của mình. Nhiều em nhảy từ lò này đến lò nọ nhưng chỉ chăm chăm học các thủ thuật của một số người thương mại hóa giáo dục.
Không ít học sinh thành phố không tự lực trong học tập. Gia đình thì chỉ thấy con cái cứ đi học từ sáng tới tối mà không biết chúng nhận được cái gì? Thời gian có, điều kiện có, nhưng phương pháp thì không. Phải mạnh tay dẹp các lò luyện. Học trò phải thấy tự học có vai trò rất lớn đến kết quả học tập của mình. Nếu không, dù đề thi có bám sát chương trình nhưng với yêu cầu kỹ năng phân tích, tổng hợp của đáp án là nhiều em không thể đạt do vẫn học tủ, học vẹt.
Có lẽ cũng cần thẳng thắn hơn với chất lượng thực của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Không nên cứ chạy theo thành tích, lấy chín mươi mấy đến một trăm phần trăm đậu tốt nghiệp làm một tiêu chí đánh giá các trường.
Theo SGGP