Dù vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng học sinh cũng tiêu tiền một cách rất "chuyên nghiệp". Cuộc chơi của dân "dài lưng tốn vải" đất Hà thành xem ra cũng lắm phần vung tay quá trán...
Tiền... Nhà nước in ra!
Thường thì học sinh không phải nặng đầu chuyện cơm áo gạo tiền, vì vậy những đồng tiền họ tiêu đều là mồ hôi nước mắt của cha mẹ. Ở những gia đình khá giả, hầu như con cái được tiêu tiền theo kiểu... tiêu hộ. Ở trường THPT chuyên ngữ Hà Nội, chuyện "chơi đẹp" kiểu nhà giàu của nàng Q. C. (17 tuổi) thật đáng nể. Hồi mới vào lớp 10, "nàng" đã được bố mẹ tặng cho "con" Spacy trắng ngà, lại còn "cái a-lô" NOKIA loại xịn
![]() |
May mà những cô cậu "sành điệu", vung tay quá trán hãy còn là một thiểu số ở các trường THPT... |
Nhóm "sành điệu" của Q. C. cũng xài toàn hàng hiệu. Tiền của "ông bô, bà bô" cho các "nàng"... ăn sáng mà bằng cả "đô". Hương Giang, bạn cùng lớp Q. C., nói: "Lúc nào trong ví cũng phải có vài tờ pô-li-me xanh, nếu không thì ra đường cứ như quên cái gì". Còn Q. C. thì nói với đám bạn: "Tội gì mà không tiêu, tiền do Nhà nước in ra mà!".
Mới vào lớp 10 nhưng H. Anh (trường THPT Đinh Tiên Hoàng) cũng theo kịp các "anh, chị" về khoản "đốt tiền". "Nàng" lại là dân "nghiện" shopping, nhà cũng thuộc loại khá giả, ăn tiêu quả là... mặc sức. Thấy trên tạp chí, ti-vi, hay ai mách có mốt nọ mốt kia, hoặc cái này cái kia đẹp lắm thì dù xa tận đẩu tận đâu "nàng" cũng cố mà tìm đến mua cho kỳ được. Mỗi lần như vậy, tiền triệu còn là "hơi bị ít". Có lần thấy cô bạn diện chiếc áo da gửi từ Đức về, "nàng" liền vòi bố mẹ cho mua bằng được, tìm cái lơ lớ như vậy cũng phải mất bốn - năm triệu đồng. Và khỏi nói, cô nàng "thích" mãn nguyện 100% thì bậc phụ huynh cũng chiều... 100%. Đồ luôn xếp thành đống trong tủ, góc nhà, cuối giường. Giầy dép của "nàng" thì như đi biểu diễn, mỗi ngày một kiểu, hai cái giá đựng giầy trong phòng riêng kín chỗ, trĩu nặng. H. Anh nói: "Đi shop, khoái lắm chứ! Sắm thế mới là chơi, đam mê rồi mà lại!".
Cô bạn cùng lớp của H. Anh thì lại là dân nghiện "mốt tóc". "Nàng" thay kiểu tóc xoành xoạch. Hết xù mỳ, duỗi thẳng lại nhuộm vàng, nhuộm hung đến chóng mặt. Có bao nhiêu tiền, đều cho "đi" hết vào việc chăm sóc "cái gốc con người" ấy. Chẳng biết thế là đẹp nỗi nào, chỉ thấy khi bùng nhùng vàng vọt, khi lại cũn cỡn vênh vênh...
Có thể đếm không xuể đám cô cậu "ngốn tiền" mua cái a-lô di động dù chẳng để làm gì ngoài việc... cho nó "oai"! Đi đâu cũng phải kè kè di động bên mình mới là sành điệu, thỉnh thoảng lại "tít tít" cho thiên hạ lác mắt! Cứ giờ ra chơi mà nhìn xuống sân trường thì "thôi rồi", góc nào cũng di động bấm loạn xạ, nhiều khi chuông reo mà chẳng biết là của ai. Có cô học sinh đi từ tầng bốn xuống a-lô, lúc sau đi lên vẫn thấy a-lô, và khi a-lô xong thì chuông vẫn cứ réo chói tai. S. Tùng (THPT Nguyễn Bình Khiêm) rất sung sướng khoe: "Thời buổi hiện đại, không dắt cái di động bên hông là lạc hậu liền, mân mê "nó" đã thấy "phê" rồi, chẳng thiết ăn uống gì nữa!".
Ấy là chuyện tiêu tốn ăn mặc, a-lô. Học sinh còn "đốt tiền" do ôm mối đam mê... thần tượng. T. Loan, học lớp 11 trường Am (trường chuyên Amsterdam - Hà Nội). "Nàng" giỏi môn Toán và tiếng Anh, nàng cũng siêu mê luôn chuyện nhạc, chuyện đời mấy "thần tượng trẻ". Bao tranh ảnh, băng đĩa thần tượng những Mỹ Tâm, Đan Trường... nàng có tuốt! Hâm mộ đến nỗi chỉ nghe thấy ở đâu có liveshow của họ là nàng bằng mọi giá mua vé lọt vô. Đương nhiên, nàng còn bắt chước cách ăn mặc, đầu tóc, cho tới đồ trang sức của các thần tượng thì... nhất! Tất cả đều được đưa vào tầm ngắm và bộ sưu tập của nàng.
Chuyện học trò "nướng" tiền chơi điện tử, Internet, có khi cả lô đề, cá cược bóng đá thì còn kể dài dài. Nhiều cô cậu "chắt chiu" bằng cách lấy chỗ nọ đập chỗ kia để "chơi có tầm". H. Anh (THPT Lê Quý Đôn) thật thà kể: "Không hôm nào là không ra hàng "chát", vài lần một ngày vẫn thèm, bận mà không đi "chát" là thấy thiêu thiếu như chưa rửa mặt, tiền thì chỉ cần nhịn ăn sáng là chơi thả phanh thả cửa mấy tiếng liền". Trong khi đó, H. T., ở THPT Phạm Hồng Thái, "ẵm" luôn tiền học phí để chơi lô đề. Những khi thua, chàng công tử này phải "lo mà chơi" bằng cách cầm xe, đặt đồ, vay bạn... Vậy mà vẫn không chừa, H. T. còn... vênh mặt tự hào: "Đã chơi là phải hết mình, trúng đậm thì ăn chơi cả tháng, lẽ nào thua mãi. Lô đề là cái số... huyền diệu lắm!". Nhưng thắng đâu chả biết, chỉ thấy "con" Jupiter Yamaha mà bố mẹ sắm cho đã bị đi đời nhà ma, còn T. thì bị "cấm vận" không được "phát lương" trong vài tháng...
Mua gì vào thân?
Tuy vậy, cũng có nhiều học trò tiêu tiền rất "ngông" dù sinh ra trong những gia đình lương ba cọc ba đồng, hoặc "chân lấm tay bùn". Thấy bạn bè diện bộ cánh đẹp, đồng hồ đắt tiền, xe xịn... thì tìm mọi cách đòi hỏi bố mẹ phải đáp ứng, nếu không được thì "ăn vạ". Như H. Hoàng (THPT Thanh Trì), có lần vì "máu" chiếc T100 của bạn, Hoàng đòi bố mẹ bán... trâu, lợn hòng mua bằng được. Là con trai duy nhất trong nhà, cậu được bố mẹ... nghiến răng chịu. Được thể, cậu đâm hư, vay tiêu bạt mạng. Nhiều khi vay mượn của bạn bè, khi không có tiền trả nợ thì coi như tình bạn cũng vì thế mà "tan" luôn.
Bất cần đời như thế, việc trả giá đắt cho mấy trò sành điệu mới thật thê thảm. Không ít cậu choai vì vung tay quá trán nên đành liều mà đi trộm cướp, móc túi... và kết cục là phải vào nhà đá mà... sành điệu với muỗi. Cũng có một số cô nàng vì chữ tiền mà phải "dấn thân" vào vũ trường, nhà nghỉ, làm gái bao... và cái giá phải trả cho sự ăn tiêu thái quá thật đắt. Trong một số vụ cướp, đua xe mà công an triệt phá thời gian gần đây, nhiều người giật mình vì thủ phạm là đám cô cậu đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Tuy vậy, cuối cùng những kết cục ấy hình như cũng chẳng cảnh báo được ai?
Học trò dễ có đến 1.001 cách tiêu tiền khác nhau, nhưng chuyện tiêu pha kể ra trong bài này mà thành "hội chứng" thì quả là thảm hoạ học đường. Thật rất cần có sự quan tâm chăm sóc, giáo dục sâu sát, cụ thể của các bậc phụ huynh và nhà trường để học sinh nhìn nhận được giá trị của đồng tiền mà biết sử dụng đúng cách, đúng nghĩa. Như bạn Phương Thảo (THPT Phan Đình Phùng) để dành tiền bố mẹ, ông bà, cô dì chú bác cho riêng mà đóng tiền học phí, mua đồ dùng cá nhân. Bạn Huyền Trang (THPT Việt Đức) thì lại tiết kiệm tiền để đóng góp cho các quỹ hoạt động vì người nghèo. Trang nói: "Sành điệu tiêu tiền như mấy bạn kia thì có lẽ mình chẳng nên đi học nữa!".
-
Giang Thu Hương