Chỉ còn hơn một tháng nữa, các sĩ tử (lớp 5) sẽ phải "lều chõng" bước vào kỳ thi tốt nghiệp tiểu học (TNTH). Nhưng đến nay, việc nên hay không nên tiếp tục kỳ thi tốt nghiệp tiểu học (TNTH) đang còn nhiều ý kiến tranh cãi. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vẫn kiên quyết bảo lưu ý kiến nên tiếp tục kỳ thi này với lý do "không thi là không học!". Còn phụ huynh, học sinh, các nhà giáo dục và ngay cả nhiều đại biểu Quốc hội tâm huyết với ngành vẫn cho đó là một kỳ thi không cần thiết.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Đặng Huỳnh Mai xung quanh vấn đề này:
Được biết hiện nay một số tỉnh muốn được tổ chức thi tốt nghiệp tiểu học theo hình thức thi của Quảng Trị năm trước. Bà có thể cho biết thủ tục và thời hạn nộp hồ sơ?
Năm trước, tỉnh Quảng Trị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp tiểu học dưới hình thức thi học kỳ 2: Sở vẫn ra đề thi, giám thị đổi ngay tại trường. Giáo viên trong trường tự chấm thi hoặc cũng có thể chính giáo viên chủ nhiệm lớp đó chấm nhưng có sự kiểm tra chéo. Năm nay cũng đã có một số tỉnh đã nộp hồ sơ xin được tổ chức thi tốt nghiệp tiểu học theo hình thức thi này là Phú Yên, Cần Thơ, Kiên Giang. Một số tỉnh khác "nghe nói" cũng đang chuẩn bị như Thừa Thiên - Huế. Bộ GDĐT yêu cầu hồ sơ phải có công văn của UBND tỉnh, thành phố đồng ý chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi vì đây không chỉ là việc của riêng ngành giáo dục. Địa phương phải đảm bảo điều kiện tổ chức tốt kỳ thi như chất lượng đề thi, sự nghiêm túc trong khâu coi thi, chấm thi... Chúng tôi nhận hồ sơ đến 10/5 vì đến 27/5 đã thi, nếu các tỉnh đề nghị muộn hơn sẽ không chuẩn bị kịp.
Tôi không đồng ý với quan điểm không thi vì không thi là không học. Nhận thức của dân chưa cao, nếu học sinh không phải thi thì phụ huynh có khi không quan tâm xem các cháu học hành ra sao nữa. Chúng ta nên học cái gì kiểm tra cái đó, vì nếu chất lượng học tập có làm sao thì chính Bộ phải chịu trách nhiệm. Quan điểm của tôi là thi với hình thức nhẹ nhàng, coi như một kỳ tổng kiểm tra. Làm sao để hiệu quả, không tốn tiền của dân mà chất lượng vẫn đảm bảo.
Vậy thì sẽ không "sửa luật" như dự kiến, thưa bà?
Tổ chức thi tiểu học như thế nào để không tốn kém là trách nhiệm của ngành giáo dục. Đi theo hướng như tỉnh Quảng Trị đã làm thử cũng là tiền đề để cải cách thi tốt nghiệp. Thi tốt nghiệp tiểu học như hiện nay nhiêu khê quá nên mới bị kiến nghị không được tổ chức thi nữa. Nếu đổi mới cách thi nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng, người dân không kêu nữa thì vấn đề có thi hay không thi tốt nghiệp tiểu học sẽ không cần đặt ra nữa. Theo tôi, tiến tới có thể sẽ không cấp bằng tiểu học đại trà như hiện nay mà chỉ khi người dân có nhu cầu thì sẽ cấp. Hiện nay đã phổ cập tiểu học, bằng tốt nghiệp tiểu học nhiều khi không còn giá trị nhưng một số đối tượng vẫn có nhu cầu về tấm bằng này như khi phụ huynh muốn cho con đi du học nước ngoài từ THCS thì vẫn cần có tấm bằng tốt nghiệp... Nếu được sẽ thực hiện từ lứa học sinh học theo chương trình và sách giáo khoa mới.
Quốc hội đã tranh luận gay gắt khi biểu quyết
Ngày 1.12.1998, Dự án Luật Giáo dục đã được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá X. Tại Khoản 1, Điều 27 quy định: "Học sinh học hết chương trình tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, có đủ điều kiện theo quy định của Bộ GDĐT thì được dự thi và nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp...", ý kiến ĐBQH tập trung thảo luận khá gay gắt có nên tổ chức thi TNTH như dự luật đã quy định. Có hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Quan điểm của Bộ trưởng Bộ GDĐT:"Đã học là phải thi". Còn quan điểm của đại đa số ĐBQH đề nghị bỏ kỳ thi TNTH (trong phiếu xin ý kiến ĐBQH có tới 233/316 ĐBQH đề nghị bỏ kỳ thi này). Tuy nhiên trình bày trước QH, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Minh Hiển vẫn: "Đề nghị cho giữ lại kỳ thi , nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục, vì kinh nghiệm một số năm trước đây bỏ thi đã dẫn đến hiện tượng không đảm bảo chất lượng dạy và học ở bậc này". ĐBQH Nguyễn Thị Bình - Phó Chủ tịch nước - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT day dứt nói: "Mỗi lần thi là tốn kém hàng tỉ đồng, chưa nói đến sự căng thẳng vì mỗi lần thi "đẻ" ra nhiều tiêu cực. Tôi thấy thi là hình thức, không cần thiết thi. Thi không đạt lại phải tổ chức thi lại đến hai, ba lần để tốt nghiệp đạt 100%. Tôi hỏi, vậy tổ chức thi để làm gì và tôi khuyên bộ trưởng nên đắn đo". Trước sự "tha thiết" của Bộ GDĐT, Quốc hội đã thông qua với số phiếu đồng ý 61,08%. P.Y |
GS Văn Như Cương: Nói chung, các kỳ thi tốt nghiệp không đáng sợ đối với học sinh bởi vì tỉ lệ đậu bao giờ cũng rất cao. Rất nhiều nơi kỳ thi TNTH tỉ lệ đỗ đạt xấp xỉ 100%. Thế nên, tại sao phải thi hết cấp của bậc tiểu học? Một kỳ thi nặng nề, tốn kém như vậy nhằm mục đích gì? Có lẽ Bộ GDĐT nên sớm thành lập Vụ Khảo thí để chuyên trách nghiên cứu và quy định toàn bộ các khâu thi cử từ cấp tiểu học đến sau đại học. Năm nay, Bộ GDĐT đã cho phép một số địa phương có thể không tổ chức kỳ thi TNTH. Tôi rất tán thành chủ trương đó, và tôi nghĩ sau khi rút kinh nghiệm của các địa phương trên, chúng ta có thể tiến tới bỏ kỳ thi này trên toàn quốc, mà thay vào đó một quy trình xét tốt nghiệp đơn giản hơn.
Đi ngược quy luật
Nguyễn Kế Hào (nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học): Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, hiện không có nước nào còn giữ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, vì nó không còn phù hợp với quy luật phát triển của giáo dục. Từ năm 2000 đến 2010, ở nước ta, giáo dục cũng đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới: Phổ cập bắt buộc và đúng độ tuổi ở bậc tiểu học, phổ cập trung học cơ sở, đổi mới giáo dục theo định hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá. Vậy mà cả nước vẫn tốn nhiều công sức, tiền bạc vào việc tổ chức thi TNTH là việc làm không còn phù hợp.
Bà Nguyễn Hoa Mai (Trưởng phòng tiểu học - Sở GDĐT TP.HCM): Quan điểm của cá nhân tôi là nên nhẹ nhàng việc thi cử cho con trẻ và bỏ bớt kỳ thi. Xét tuyển học lực vào năm cuối (lớp 5) ở bậc tiểu học là đã có thể đánh giá được sức học của học sinh, bởi năm học này học sinh đã ổn định được về cả sức học lại có 4 kỳ kiểm tra chính là đủ để đánh giá trình độ của các em. Chính vì vậy tôi cho rằng xét tuyển là phương pháp tốt nhất, hiệu quả nhất trong việc tuyển học sinh vào lớp đầu cấp THCS. Không nên thực hiện quá nhiều kỳ thi tạo sự căng thẳng không cần thiết cho cả phụ huynh lẫn học sinh, mà còn tốn kém tiền của của xã hội, nhà nước.
Phụ huynh và học sinh: Nên bỏ!
Chị Hoàng Thị Bích Phượng (phụ huynh của Nguyễn Hoàng Trí Dũng - học sinh Trường Tiểu học Chính Nghĩa - quận 5 - TPHCM): Tôi rất ủng hộ việc bỏ thi tốt nghiệp tiểu học. Ở độ tuổi các cháu, việc thi tốt nghiệp để kiểm tra lại kiến thức của một cấp học, tôi cho là hơi "cực đoan" bởi ở cấp học của các cháu liệu đã có kiến thức gì để kiểm định? Lẽ dĩ nhiên, trong quá trình học thì sẽ có em tiếp thu tốt, thu thập được một lượng kiến thức nhiều hơn những em còn mải chơi (mà tuổi của các em còn quá nhỏ, việc mê chơi là rất phổ biến). Thế nhưng, liệu ta kiểm tra lượng kiến thức của các em trong độ tuổi này để làm gì khi hai môn thi TNTH cũng chỉ là tiếng Việt và toán? Theo tôi, cách tốt nhất để tất cả các học sinh tiểu học đều đạt được một chuẩn trình độ để có thể vào học ở bậc học THCS là ngành giáo dục nên mở rộng mô hình trường bán trú cho tất cả mọi đối tượng học sinh, như vậy trẻ con sẽ được học hành và sống trong môi trường giáo dục hầu như cả ngày và trẻ sẽ phát triển về cả kiến thức lẫn nhân cách một cách tốt nhất, đồng đều nhất.
Em Nguyễn Đặng Ngọc Bảo, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Tây Hồ, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng: Cháu rất lo cho kỳ thi sắp tới. Thầy cô luôn nhắc nhở đây là kỳ thi quan trọng, đòi hỏi chúng cháu phải tập trung học bài, ôn thi, bố mẹ thì suốt ngày bắt học bài chuẩn bị thi tốt nghiệp. Thi không khó nhưng phải làm mọi người lo lắng, bỏ được kỳ thi này chúng cháu mừng lắm.
(Theo Lao Động)