Làm thêm: nên hay không?
|
Tìm việc tại hội chợ việc làm. Ảnh: NGUYÊN VŨ |
Đa số đại biểu tham dự diễn đàn đều cho rằng, để nâng cao kỹ năng thực hành trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu thốn như hiện nay thì giải pháp tốt nhất là sinh viên nên kiếm việc làm thêm ngay từ khi còn theo học.
Tuy nhiên, để có được việc làm thêm vừa mang lại thu nhập kha khá, vừa tích lũy được kinh nghiệm và vốn sống xã hội, với sinh viên không phải là chuyện dễ. Bởi ngoài nghề gia sư, phiên dịch tương đối nhàn, đa số sinh viên vẫn phải đi làm thêm bằng nhiều nghề gian nan khác như phụ hồ, rửa bát, bồi bàn... và nếu chỉ quanh quẩn trong "núi" công việc đó, làm sao sinh viên có được kỹ năng thực hành phục vụ cho nghề nghiệp sau này? Bởi lẽ đó, Nguyễn Thế Hưng, Chủ tịch Hội sinh viên TP. Hải Phòng "phản biện": sinh viên không nên làm thêm trong quá trình học.
Không đồng tình với quan điểm trên, Phan Kim Phụng, đại diện đại biểu sinh viên TP.HCM cho rằng: sinh viên nên đi làm thêm trong thời gian học, không chỉ để có thêm thu nhập mà còn để trang bị cho mình kiến thức nền về đời sống xã hội để kịp thích nghi với mọi thử thách. Phụng đề xuất hội sinh viên các trường nên tổ chức nhiều ngày hội việc làm và tranh thủ mối quan hệ giữa các giáo viên trong trường với các cơ quan để giúp sinh viên tìm việc sau khi ra trường.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP.HCM Nguyễn Thị Nhung cho biết: Khác với vài ba năm trước, các doanh nghiệp khi tuyển dụng thường yêu cầu phải có thêm "2 năm kinh nghiệm", nay tiêu chí tuyển dụng của họ là sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi kèm theo "tiêu chí" làm thêm trong quá trình học. Nếu được lựa chọn giữa sinh viên giỏi và một sinh viên khá có khả năng thích ứng xã hội cao, chắc chắn, doanh nghiệp sẽ lựa chọn trường hợp thứ hai.
Ngại về quê vì cùn mòn kiến thức
Hoàng Hữu Hiền, đại diện sinh viên Trường ĐH Nông lâm Huế nêu thực trạng: sinh viên học ngành Nông - lâm đa số là con em nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc khó khăn. Sau khi ra trường, muốn trở về quê hương để cống hiến nhưng ngặt nỗi, ở đó, điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn rất khó, chính xác hơn là không có. Đây là lý do khiến nhiều sinh viên "ngại" về quê làm việc.
Nguyễn Thị Hương, đại diện sinh viên trường ĐH Y Hà Nội bày tỏ sự lo lắng cho việc trình độ bị cùn mòn do không được tiếp xúc với trang thiết bị y tế hiện đại và không được thử sức ở môi trường chuyên môn cao nếu tham gia chương trình "Y bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn miền núi". Nhưng điều Hương băn khoăn hơn cả là liệu có được việc làm ổn định sau 2 năm hoàn thành nhiệm vụ hay lại thất nghiệp.
Còn Nguyễn Ánh Vân, Học viện Kỹ thuật mật mã nêu thực trạng: Sinh viên ra trường rất muốn cống hiến chuyên môn, năng lực của mình nhưng nhiều người thất vọng khi chứng kiến khá nhiều sự bất công, vô lý trong tuyển dụng. Vân cho rằng, việc tuyển đầu vào của các cơ quan hiện nay xem ra có vẻ công bằng nghiêm túc nhưng thực chất là mang tính ngụy biện hình thức. Nhiều sinh viên giỏi muốn có cơ hội cống hiến lại bị đánh bật không thương tiếc khỏi nhiều cuộc tuyển dụng để dành chỗ cho các đối tượng "9C" (con cháu các cụ cả, chiếu cố các cháu) có trình độ yếu.
Cứ thế, loanh quanh trong vòng tuần hoàn của tình trạng "tìm việc - thất nghiệp - thất vọng", nhiều sinh viên chẳng còn hơi sức đâu mà nghĩ đến lý tưởng, môi trường cống hiến.
-
Nguyệt Minh