(TS) "3N" (nhà tuyển dụng, nhà đào tạo và người tìm việc) liệu có gặp được nhau trong phiên chợ việc làm do ĐHQG Hà Nội, cơ sở đào tạo ĐH lớn nhất miền Bắc lần đầu tiên tổ chức (ngày 22/11)?
|
Đối tượng "9C" trúng tuyển 1/4
Có tới 99 gian hàng tham gia hội chợ, trong đó phần đáng kể được dành cho các khoa "bán hàng" bằng cách giới thiệu về mình. Trước gian hàng của khoa Ngôn ngữ còn treo tới 17 tấm lý lịch trích ngang của sinh viên năm thứ ba và năm cuối với bảng điểm toàn loại giỏi. Với quy mô hơn 45.000 sinh viên nên trong hội chợ, các buổi giao lưu giữa sinh viên và nhà tuyển dụng được "xé lẻ" theo từng nhóm nhỏ của khoa hoặc các ngành trong một trường.
Khác với mong đợi của nhiều sinh viên sắp hoặc đã tốt nghiệp, hội chợ không có nhiều suất tuyển dụng. "Hào phóng" nhất có lẽ là 400 chỉ tiêu làm tư vấn viên và 20 chỉ tiêu làm nhóm trưởng công việc bán thời gian của tập đoàn tư vấn giáo dục quốc tế Singapore. "Khá khẩm" nhất có lẽ là chức danh giám đốc cũng của công ty này với yêu cầu bằng MBA nước ngoài và trưởng phòng hành chính pháp chế của công ty cổ phần quốc tế Yến Trang. Những công việc còn lại hầu hết là lễ tân, nhân viên kinh doanh hoặc giáo viên các trung tâm Anh ngữ.
Mặc dù có mấy gian hàng của các văn phòng luật sư nhưng Nguyễn Thị Lan, sinh viên khóa 25, ĐH Luật Hà Nội cũng không mặn mà, bởi theo Lan, hầu hết sinh viên luật đều muốn công tác tại một tòa án nào đó. Các cơ quan nhà nước - những địa chỉ xếp "hạng 1" của nhiều sinh viên tốt nghiệp khi đi tìm việc hầu như không mang đến suất tuyển dụng nào nhưng cũng có đại diện tham gia giao lưu với sinh viên.
Giải tỏa thắc mắc của nhiều sinh viên "vào cơ quan công quyền phải quen biết hoặc con cháu này nọ", anh Dương Xuân Quang, công tác tại Bộ Kế hoạch đầu tư cho hay: trong Bộ có 2 đợt tuyển dụng, đợt thứ nhất, năm 1997 chỉ có 9/45 đối tượng thuộc diện "9C" - con cháu VIP; đợt thứ 2 (năm 2001) con số này là 10/40. Bùi Thị Hà, sinh viên K45, Khoa Lịch sử, ĐH Khoa học xã hội cho biết: Ngành sử khó có cơ hội làm đúng nghề nhưng tại hội chợ cũng có tới 3 cơ quan nhà nước đưa chỉ tiêu tuyển dụng. "Cái khó là phải giỏi thực sự" - Hà nói.
Cần nhân viên tìm việc cho giám đốc làm
Bằng cấp và các loại chứng chỉ là yếu tố "đương nhiên" mà các doanh nghiệp yêu cầu khi tuyển dụng nhân sự. Ông Lê Văn Đạo, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết: các doanh nghiệp trong hiệp hội đều đòi hỏi ứng viên phải biết ngoại ngữ và vi tính. Bà Lê Sen, Phó Giám đốc trung tâm đào tạo tin học PT cho hay, tại trung tâm của bà, thường có hiện tượng sinh viên ra trường hoặc ngấp nghé kiếm được việc làm mới đổ xô đi học chứng chỉ tin học. Trong khi đó, sinh viên hết sức bức xúc về yêu cầu này. Phan Phương Đông, sinh viên năm cuối khoa Luật thắc mắc: các nơi khi tuyển dụng thì khắt khe, đòi hỏi hàng chục chứng chỉ nhưng đến khi được tuyển rồi có khi chẳng có việc để làm.
Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng đều khẳng định, khả năng làm việc của nhân viên sau khi được tuyển dụng mới là yếu tố quan trọng hơn. Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội kể về trường hợp có chứng chỉ C tiếng Pháp, tuyển xong, được ưu ái cử đi học bồi dưỡng nghiệp vụ tại Pháp. Thế nhưng sau buổi tiếp xúc tại Đại sứ quán Pháp thì bị "out" luôn chỉ vì nói năng ngắc ngứ chẳng thấy trình độ C thể hiện chỗ nào.
Anh Tuấn Anh, trung tâm Anh ngữ SUNY, thuộc Hiệp hội UNESCO Việt Nam cho hay, "tiêu chuẩn" của nhiều công ty là nhân viên của mình phải tìm được việc cho giám đốc làm. Chị Thùy Linh, Công ty kế toán Misa thì nhấn mạnh đến sự "chung thủy" với cơ quan như là tố chất "ăn điểm" của ứng viên tuyển dụng. Vũ Thị Hương, sinh viên năm cuối khoa Luật phàn nàn: Qua hội chợ, chúng em biết được các cơ quan tuyển dụng đánh giá yếu tố yếu nhất của sinh viên là kém năng động. Trong khi đó, các yêu cầu khác họ lại không nói rõ nên sinh viên không biết nên chuẩn bị những trang bị gì khi ra trường.
Nhà trường sẽ điều chỉnh hướng đào tạo
"Kiến thức học trong trường và yêu cầu làm việc thực tế vẫn có độ chênh đáng kể nên sinh viên ra trường vào làm việc luôn bỡ ngỡ, thụ động". Anh Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Hà Nội CTT nhận xét.
Một sinh viên năm thứ 3 khoa Kinh tế, ĐHQG Hà Nội kể: Chúng em học đại cương mất 5 học kỳ, đến khi vào chuyên ngành lại thêm một học kỳ "cày" đại cương của chuyên ngành nữa, thêm một kỳ học chuyên môn sâu và sau đó đi thực tập. Chủ nhiệm khoa Đinh Quang Tốn cho biết, sinh viên học chuyên ngành tới 45 học trình. Việc học kiến thức thực tiễn được "lồng" vào các môn học, tiết học cụ thể chứ không chỉ đợi đến khi thực tập sinh viên mới có cơ hội tiếp xúc thực tế. Ông Tốn cho rằng, do chương trình khung hiện nay nên các trường cũng không thể thay đổi chương trình học cho sinh viên được. Một giảng viên khoa Luật thì khẳng định, những nội dung học mà sinh viên và nhà tuyển dụng "kêu" là nặng về lý thuyết vẫn cần thiết vì trang bị kiến thức "nền" có tính lý luận cho người tìm việc sau này.
PGS.TS Phạm Trọng Quát, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết mục tiêu của hội chợ nhằm lắng nghe những thông tin tuyển dụng để trường điều chỉnh kế hoạch đào tạo cho phù hợp hơn với thực tiễn.
Chùm ảnh về hội chợ việc làm sinh viên ĐHQG Hà Nội
|
|
|
||||||
|
|
|
||||||
|
|
|
-
Hạ Anh - Nguyên Vũ