 |
Võ sư Hồ Hoa Huệ và các môn sinh người Ý tại bờ biển Rosolyna. ảnh: T.L |
Từ một cô bé mồ côi cha, lăn lộn bán trà đá ở bến phà Mỹ Thuận, giờ đây Hồ Hoa Huệ đã có biệt thự sang trọng, có võ đường hiện đại nhất Việt Nam, từng 4 năm liền vô địch kỹ thuật võ cổ truyền toàn quốc, có môn phái Tinh Võ Đạo nổi tiếng... Đặc biệt, nữ võ sư này còn trải qua nhiều năm trời "hành hiệp" mang võ Việt Nam "xuất khẩu" qua 15 nước châu Âu và châu Phi.
Biệt thự Hồng Ngọc của bà nằm ở mặt tiền đường Lâm Văn Bền, phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM. Mở cửa theo cổng chính đi vào thì ga-ra xe hơi Hồng Ngọc nằm bên tay trái, võ đường Tinh Võ Đạo của nữ chưởng môn Hồ Hoa Huệ lùi sâu phía sau. Ở đó có đủ loại binh khí sáng choang đặc trưng của một môn phái võ cổ truyền khiến những ai chưa quen với nghề võ cảm thấy "lạnh gáy". Buổi tập hôm ấy cũng là ngày cuối cùng của năm cũ, khi chúng tôi đến thì các môn sinh lần lượt "trả bài" cho thầy bằng những đường kiếm vun vút trước khi chào từ biệt ra về ăn Tết. Trong số đó, chúng tôi thấy có hai thanh niên người Pháp tóc ngắn dáng rất thư sinh và một cô gái Việt Nam thắt hồng đai trông rất "oách". Ở một góc riêng bên ngoài, nữ diễn viên điện ảnh Trần Gia Linh xinh đẹp, con gái út của bà cũng đang quyết liệt với một bài quyền tay không. Cô đang ở cấp 17 chuẩn võ sư và cũng vừa tốt nghiệp đại học luật.
Có hàng chục bài báo đã viết về Hồ Hoa Huệ. Báo địa phương có, báo trung ương có, báo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật và cả... tiếng Ma Rốc cũng có. Thậm chí, tờ Ceinture Noire, một tạp chí chuyên ngành võ thuật của Pháp số ra cách nay hơn 5 năm đã bầu chọn Hồ Hoa Huệ là "Người đàn bà vàng"! Nhưng dường như vẫn còn quá nhiều điều cần phải nói thêm về nữ võ sư này. Bà tên thật là Nguyễn Thị Kim Xoa, sinh năm 1944, quê ngoại là chiếc nôi của ca nhạc tài tử cải lương Nam Bộ và quê nội là đất tổ võ Tây Sơn. Mồ côi cha lúc mới lên hai, bà theo ông nội về Bình Định và bắt đầu có cơ hội hít thở cái không khí hừng hực của đất võ. Đến năm lên 10 thì ông nội qua đời, bà phải trôi dạt lên Tây Nguyên ở đợ nhưng đã may mắn gặp một danh võ đất Tây Sơn phiêu bạt lên đó nhận làm con nuôi và truyền nghề. Được một thời gian, bà theo chị trở về Sài Gòn, theo mẹ về Mỹ Tho rồi lại lộn ngược lên Sài Gòn, sang quận 4, qua quận 8, xuống quận 10... Cơ duyên không dễ có là đi đến đâu bà cũng may mắn gặp được những võ sư kỳ tài, thọ giáo nhiều môn phái nên không có gì khó hiểu khi mới bước vào năm 30 tuổi bà đã dám đứng ra mở một lò dạy võ riêng ở đất Tiền Giang. Và đến năm 41 tuổi, khi quay trở lại TP.HCM, bà đã chính thức ra mắt môn phái Tinh Võ Đạo do mình sáng lập.
Thường thì các võ sư đều sống rất nghèo. Thậm chí có thể nói ngay là hầu hết những người mà chúng tôi đã tiếp xúc khi thực hiện loạt bài này đều không tránh khỏi "thông lệ" đó. Bởi vậy, ngay cả việc vươn lên từ một cô bé ở đợ, bán trà đá bến phà... để trở thành một phụ nữ giàu có, quý phái, nuôi sống nghiệp võ và nuôi đủ năm con với... một bà mẹ Việt Nam anh hùng như ngày nay cũng chứng tỏ thêm rằng Hồ Hoa Huệ là một nữ chưởng môn có những bài quyền không chỉ "tuyệt chiêu" trên võ đài mà ngay cả trong cuộc sống! Có thời gian bà kinh doanh vàng bạc, không biết ai độc miệng đồn rằng võ của Hồ Hoa Huệ là "võ mua". Không cần phải thanh minh, bà âm thầm đăng ký đi thi và trở thành đương kim vô địch kỹ thuật hạng tuổi 50 - 60 võ cổ truyền Việt Nam suốt 4 năm liền từ 1996 đến 1999. "Mình luôn tự tin, ngay cả kinh doanh cho đến luyện võ cũng vậy, cái nào muốn là phải làm cho bằng được", bà nói.

Chưởng môn Hồ Hoa Huệ và các môn sinh tại võ đường Tinh Võ Đạo. ảnh: T.L |
Sự kiện nữ võ sư Hồ Hoa Huệ liên tiếp nắm giữ huy chương vàng võ cổ truyền Việt Nam đã gây sự chú ý của làng võ không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế. Mùa thu năm 1998 và mùa hè năm 2000, bà đã không thể từ chối lời mời đích danh của Hiệp hội quốc tế võ đạo Việt Nam tại châu Âu và Ma Rốc nên đã khăn gói bước vào cuộc "hành hiệp" xuất dương ly kỳ chưa từng có trong lịch sử võ cổ truyền Việt Nam. Nhà báo Phương Tấn, Chủ biên tờ Sổ tay võ thuật được phân công làm trưởng đoàn vào tháng 11.1998, sau này đã nhiều lần nhắc lại trong các bài viết của ông chi tiết lần đầu tiên khi đoàn đến Pháp, giáo sư Trần Văn Khê đã đánh rơi chiếc gậy vì xúc động lao tới ôm chầm tán dương nữ võ sư Hồ Hoa Huệ sau khi xem bà đi những đường "đại đao Lý Thường Kiệt". Còn tại Nice, một thành phố biển lộng lẫy của nước Pháp, sau khi bà xuất hiện thì võ sư Trần Hoài Ngọc, chưởng môn phái "Cửu Long võ đạo" đã bái tổ dâng luôn kiếm lệnh của môn phái mà ông đã gầy dựng trước đó 18 năm cho bà điều hành. Tại Thụy Sĩ, võ sư Huỳnh Đại Hải cũng đã mời bà đứng lớp một khóa huấn luyện các thế chiến đấu kéo dài 45 ngày cho 42 vệ sĩ chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ tại các ngân hàng...
Đến thời điểm này ngồi "cộng sổ" lại thì bà đã đưa võ cổ truyền Việt Nam đến hàng chục võ đường của 15 nước châu Âu và hàng loạt các tỉnh, thành của Ma Rốc. Đặc biệt sau những lần bà "lưu dạy" như thế, các môn sinh nước ngoài đã lũ lượt tìm đường sang Việt Nam để được thọ giáo thầy nhiều hơn. Bà kể: "Võ đường ở đường Nguyễn Tiểu La lúc đó còn quá nghèo, chật chội, nên tôi quyết tâm tích lũy và xây cho được cái võ đường như mình mơ ước, trang hoàng như một phòng truyền thống để khi họ sang, nhìn vào họ không coi thường. Võ thuật của mình tuyệt vời nhưng nếu cứ dạy người ta ở ngoài đường ngoài bụi hoài thì cũng rất khó, người ta không dám tập đâu". Bây giờ thì quyết tâm của bà đã có kết quả. Không kể những trung tâm huấn luyện chuyên nghiệp của Nhà nước thì có lẽ từ Bắc vào Nam chỉ có võ đường của bà hiện nay là tầm cỡ số một!
Cũng chính vì vậy mà hằng năm cứ đến mùa hè là người ta lại thấy từng nhóm thanh niên nước ngoài xuất hiện tại biệt thự Hồng Ngọc. Họ cùng "quần" nhau trong võ đường bên cạnh những môn sinh Việt Nam rồi cả thầy và trò cùng kéo lên xe thẳng ra Vũng Tàu, Mũi Né... cắm trại. "Trong con mắt họ, võ cổ truyền Việt Nam có một điều gì đó huyền bí, thiêng liêng lắm. Họ muốn khám phá những điều xuất quỷ nhập thần mà cha ông họ kể lại", bà nói về những môn sinh nước ngoài của mình. Thật lòng mà nói, muốn miêu tả hết những chi tiết "đắt" chung quanh "người đàn bà vàng" này cũng giống như muốn làm một việc không tưởng. Chỉ có thể nói thêm một điều rằng, hiện nay Hồ Hoa Huệ là ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam, Nhiều người còn biết bà là tác giả của... hơn 200 bài vọng cổ, đặc biệt trong đó có tuyển tập Bến nước hẹn hò mà các danh ca lừng danh như Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ... từng thể hiện ngọt lịm.
(còn tiếp)
Võ Khối - Lữ Đắc Long
|