 |
Một tiệm ĐTDĐ cũ trên đường Hùng Vương |
“Nhỏ thì đi các con đường như Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Tiên Hoàng,… còn lớn và nhiều thì đến đường Hùng Vương, 3 tháng 2…”. Theo lời chỉ đó của một số sinh viên (SV) và công nhân (CN) lao động chúng tôi đã thâm nhập vào thế giới di động cũ ở TP.HCM.
Khi SV, công nhân “lên đời”
Hiện nay, khi "đời sống số" đang ngày càng nhộn nhịp với nhiều dịch vụ dành cho tất cả mọi người, internet, điện thoại... - là những “món” đang hút giới trẻ, nhất là CN và các bạn SV. Có hàng chục lí do để các bạn này tậu cho riêng mình một chú “dế” (điện thoại di động - ĐTDĐ).
Thanh Hương (SV ĐH KHXH&NV TP.HCM) vừa mới tậu chiếc di động Nokia cũ từ một người quen cho biết: “Ở trọ nên có chuyện gì ở nhà điện xuống cũng nhờ chủ nhà kêu, bất tiện lắm. Vả lại gần đi thực tập nên cần có điện thoại liên lạc với cơ quan”. SV ngoài tiền cơm áo còn lo tiền học phí. Với số tiền chu cấp của gia đình chỉ có 400.000 đồng cộng với 350.000 đồng tiền làm thêm mỗi tháng cô SV này chỉ đủ trang trải những thiết yếu nhất. Một chiếc di động cũ cũng là mơ ước của Hương.
Còn Phan Văn T. (ĐH Sư phạm) có lí do riêng để cần có “dế” là: “Nàng có di động rồi, mình phải kiếm một “con” để liên lạc, nhắn tin khi cần thiết. Nhất là “chat” vào lúc nửa đêm”. Thế là anh chàng cũng cố ăn nhín, nhịn thèm và tăng ca làm thêm để tậu chiếc Samsung cũ với giá 500.000 đồng.
Đối với CN như anh Nguyễn Xuân H. (khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức) bộc bạch khổ tâm khi phải nghe nhờ điện thoại chủ nhà: “Cứ mỗi lần nghe điện thoại của gia đình, bạn bè ở quê gọi vô bà chủ lấy 2.000 đồng. Đã thế có khi còn bị hoạch họe nữa… Do đó không mua không được”. Riêng Thanh Bình (khu chế xuất Linh Trung) nêu lí do rất đơn giản để phải có “dế” là “bạn bè đứa nào cũng có, thấy bỏ chiếc di động trong túi quần đẹp lắm!”. Vì vậy anh đã không ngần ngại rút tỉa bớt hai tháng lương dành dụm gởi người chị để tậu “dế”.
Hầu hết những người mà chúng tôi gặp đều chia sẻ việc tiện lợi của một chiếc di động cá nhân. Nhất là khi giá cước dịch vụ ĐTDĐ đã “mềm” hơn so với trước. Tậu di động hiện nay là “mốt” mà mọi người đang hướng tới, nhu cầu của SV và CN nghèo cũng không kém phần nhộn nhịp. Tuy nhiên để có “dế” cho “vui cửa vui nhà”, cho “bằng anh, bằng chị”, cách chọn lựa vẫn là hàng cũ, hàng rẻ.
Đằng sau “mốt” thời thượng
Theo qui luật cung cầu của thị trường, dịch vụ mua bán ĐTDĐ cũ cũng mọc lên như nấm tại nhiều tuyến đường từ chuyên đến không chuyên của thành phố. Theo lời giới thiệu của một người bạn chúng tôi đến đường Hùng Vương (Q.5). Đó là một dãy phố chuyên mua bán ĐTDĐ. Vào vai một SV cần tậu một con “dế” khoảng 600.000 - 1 triệu đồng chúng tôi đã được chủ các cửa hàng ở đây quảng cáo khá “ngọt” về sản phẩm cũ của mình. Các chủ tiệm gần như thuộc lòng bài quảng cáo của mình “Yên tâm đi, “con” này thì hết ý, hàng “zin” (mới), mới xài có một tháng thôi”. Một ông chủ khác thì thao thao “Em nhìn xem, vỏ bì còn mới cóng. Hàng này xài được. Nhiều SV như tụi em chuộng hàng này lắm” - anh ta chỉ một chiếc Nokia 8210 “giãi bày”.
Khi chúng tôi thắc mắc về một chiếc đi động có vẻ trầy trụa của một hãng lạ hoắc mà theo ông chủ tiệm “đó là hàng của một người nước ngoài” làm sao cho…mới hơn. Ông ta cười khì rồi nói “Dễ ẹt, chỉ cần tụi em bỏ ra 80.000 sơn lại là mới cóng luôn”.
Theo một thông tin mà chúng tôi tìm hiểu được từ dân trong nghề chuyên mua bán di động cũ, anh này cho biết “Hàng muốn mới chỉ cần thay vỏ là xong”. Tôi hỏi “thế có khi nào một chiếc di động bị cảnh “râu ông nọ cắm cằm bà kia không?”. Người này “chia sẻ”: “Không có, nhưng nếu có thì chủ yếu là thay pin mới bằng loại cũ hơn”. Chính vì vậy nhiều người mua di động từ những tiệm thâu mua hàng cũ thường gặp phải “tai nạn”. Có khi là pin phải thay lại, có khi sóng yếu, rớt mạng, nhắn tin không đi…
N.V.Y.Nhi (SV ĐH KHXH&NV) đã buồn mấy ngày liền vì “dế” trục trặc đủ chỗ sau một tháng mới mua từ tiền tiết kiệm (400.000 đồng). Thường thì các chủ tiệm bán ĐTDĐ cũ có bảo hành (một mánh khóe để lấy lòng tin của khách) nhưng chỉ có một tháng. Sau tháng đó nếu trục trặc thì chủ không chịu trách nhiệm. Nhiều SV khi bị “mắc mưu” mới vỡ lẽ ra các chủ tiệm ĐTDĐ đã tính toán trước độ “an toàn” của “dế” là một tháng nên mới có “chiêu” bảo hành. Anh T.N. (có cửa hàng di động ở Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bình Thạnh), người mà chúng tôi lân la làm quen để… “học nghề” còn “bật mí”: “Hàng Trung Quốc đi theo dạng hàng xách tay vào nhiều lắm, giá lại rẻ nữa. Tuy nhiên, hàng này không đảm bảo mấy, nếu có gì trục trặc thì chỉ đến sửa được ở cửa hàng đã bán máy đó thôi vì các cửa hàng khác không có linh kiện của các dòng máy lạ”.
Còn việc sử dụng, khai thác hết tác dụng của dế vào công việc thì hầu như nhiều SV, CN chưa thực sự làm “dế” đẻ ra tiền. Thanh H. (Công nhân một xưởng may) mới tậu “dế” mỗi một tháng phải tốn thêm chi phí 200.000 đồng. Sau tháng đầu tiên H. than “Mỗi lần nạp cầm chừng cho di động 20.000 đồng để “nuôi” nhưng mỗi ngày bị nó “nuốt” hết 2.000” (H. đang sử dụng Mobi 4U). Thu Hiền (SV ĐH Kinh tế) cũng không khá hơn khi sau hai tháng sử dụng “dế” để liên lạc với người yêu cho tiện cô đã phải vay mượn để “đắp” khoản tiền hao hụt cho “dế”. Nhiều SV bộc bạch “Âu đó cũng là “mốt” của SV tụi mình, không có cũng khổ mà có cũng chẳng sướng gì!”.
Lưu Mạnh Khôi
|