Vài năm gần đây, ở Mỹ và châu Âu xuất hiện những người muốn được biến thành mèo, báo, gấu hay sói... Họ sẵn sàng làm mọi cách, thậm chí phẫu thuật nhiều lần, để biến mình thành con vật yêu thích.
![]() |
Sau nhiều lần phẫu thuật, Dennis Avner đã có hình dạng giống hổ. Ảnh: Taekucing. |
Từ hàng chục năm trước, Dennis Avner, một thợ sửa máy tính và đồ điện ở San Diego (Mỹ) bỗng thích trở thành hổ. Anh ta bắt đầu xăm vằn vện lên khắp mặt và cơ thể. Vẫn cảm thấy chưa đủ, anh nhờ đến bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình để được giống hổ hơn.
Trong 7 năm liền, Dennis Avner trải qua 12 lần phẫu thuật tạo hình mà đầu tiên là cắt sụn vành tai để có đôi tai nhọn. Sau đó là các đợt mài nhọn răng cửa, đắp răng nanh và nâng độn gờ lông mày, má, cằm. Đột phá lớn nhất là lần bơm căng và kéo phần giữa môi lên trên để tạo ra một cái miệng theo kiểu họ nhà mèo; rồi cấy 20 móc kim loại nhỏ lên mép và 10 cái móc nữa lên trán để gắn những cọng dây cước giả làm ria, lông mày kiểu chúa sơn lâm. Từ khi Avner chi nhiều tiền để chăm sóc diện mạo, khách hàng ngày càng ít đi vì sợ nhìn thấy một bộ mặt người giống hổ.
15 tuổi, Beki Bueow là một cô gái xinh đẹp với làn da rắng hồng và đôi mắt sắc sảo. Cô đặc biệt yêu thích loài báo tuyết. Thay vì nâng niu, chăm sóc làn da như các bạn cùng trang lứa, Beki nhiều lần đi xăm lên da những mảng đốm tròn giống như lông loài thú mình yêu thích. Giờ đây cô đã sở hữu hàng trăm cái đốm phân bố có tổ chức trên 16 khu vực khác nhau như hai bên thái dương, khắp lưng, vai, ngực, cánh tay, hông, đùi, chân cổ tay. Người đẹp còn cạo phăng đôi lông mày đi cho giống hơn nữa một nàng báo tuyết xinh đẹp.
Beki còn dự định đi phẫu thuật chỉnh hình để có một đôi tai nhọn, nhưng bác sĩ phẫu thuật không muốn biến người bình thường thành dị dạng nên cô chỉ có thể trông chờ vào Steve Hawortth, một người được đào tạo ngành chế tạo thiết bị y khoa nhưng lại nổi tiếng với các ca phẫu thuật tạo hình theo khuynh hướng quái dị. Không phải là bác sĩ nên theo luật của Mỹ, Hawortth không được sử dụng thuốc tê và sẽ chỉnh tai cho Beki mà không có biện pháp giảm đau nào. Nhưng ông tin rằng cô có thể vượt qua vì người chuyển loài thường có sức chịu đựng phi thường. Trước đây, một khách hàng của Hawortth là Erick Sprague để được làm rắn đã cắn răng chịu đau trong nhiều năm trời cho ông ta chẻ đầu lưỡi và cấy lần lượt 10 viên bi tròn vào ngay phía trên hốc mắt nhằm nâng cao gờ lông mày lên cho giống họ nhà rắn.
Dennis và Beki là hai trong số những người có sở thích kỳ lạ là muốn trở thành động vật hơn làm con người. Trong giới khoa học, người ta gọi đó là hiện tượng chuyển loài.
Đa số người chuyển loài thích thay đổi hình dạng thành loài vật, nhưng cũng có người chỉ thể hiện trong cách hành xử, chẳng hạn như kêu meo meo thay vì alô khi nghe điện thoại, đứng dưới trăng tru lên như sói hay thích thè lưỡi thụt ra thụt vào như rắn.
Một trường hợp chuyển loài thể ẩn nổi tiếng ở Mỹ là Coyote Osborne. Anh này thích trở thành một chó sói đồng cỏ (coyote) đến mức đổi tên cha mẹ đặt cho. Coyote không ưa giả trang thành sói mà chỉ thích vào rừng tru lên giữa đêm trăng.
Trên Internet đã xuất hiện khá nhiều diễn đàn hay chatroom dành riêng cho những người chuyển loài để giúp họ đến với nhau. Từ đó, họ hình thành cộng đồng người chuyển loài và tổ chức các cuộc gặp mặt, lễ hội. Có hàng chục cuộc họp mặt dành cho người chuyển loài hằng năm, chủ yếu tổ chức ở Mỹ. Quy mô nhất là ConFurence. Giới chuyển loài ở Mỹ còn tổ chức nhiều chương trình giao lưu trại hè nổi tiếng khác như Further Confusion, Alnny Anthrocon hay Feral. Ở châu Âu, các tổ chức của người chuyển loài như EuroFurence họp mặt mỗi năm ở Đức và Hà Lan. Tại Anh có chương trình giao lưu Housecons và Londonfurs.
Các nhà khoa học đưa ra nhiều lý giải khác nhau cho hiện tượng này. Một số bác sĩ tâm thần cho rằng họ bị hoang tưởng nhẹ. Cũng có ý kiến cho đây là dạng rối loạn đa nhân cách khiến bệnh nhân cảm thấy trong họ tồn tại 2 hay nhiều cá thể khác nhau, có điều thay cho một nhân cách khác, họ lại thấy một con vật đang ngự trị trong mình.
Các nhà tâm lý học cho rằng hiện tượng chuyển loài là do một số người quá yêu thích con vật nào đó nên cố gắng làm cho bản thân giống với con vật đó, tương tự một số người quá hâm mộ ca sĩ hay diễn viên điện ảnh và cố học theo những gì thần tượng làm. Hầu hết những người từ chối làm người thừa nhận không biết vì sao họ lại thích trở thành hổ, gấu hay sói. Tất cả những gì họ cảm nhận được là một sự thoải mái khác thường khi được làm con vật đó hơn là làm con người. Họ chấp nhận sự đau đớn khủng khiếp của hàng chục cuộc phẫu thuật tạo hình, sự né tránh và ánh mắt chế giễu của người đời, miễn là được làm con vật mình yêu thích.
Nhưng liệu sự quái dị trong tâm hồn và cách sống của những người như Dennis, Beki có đáng sợ không? Các nhà tâm lý cho rằng một người thích làm sói, làm hổ dù có những hành vi như tru lên giữa đêm trăng hay đánh hơi khi đi săn thì không có nghĩa một ngày nào đó, anh ta sẽ nhảy xổ vào người khác cắn xé như sói hổ thật sự.
Thực tế người chuyển loài rất đa cảm và nhút nhát. Khi không là người, tính cách của họ thường vui nhộn đến mức ngớ ngẩn và ngây ngô nên không thể gây ra các vụ bạo lực hay tấn công đe dọa tính mạng người khác. Ngay cả Dennis, một người chuyển loài "hạng nặng" cũng thú nhận cho dù cảm thấy trong mình có những bản năng của hổ như đánh hơi, thích đi săn và thích gầm rống thì không phải lúc nào anh cũng hành xử như hổ. Bởi vì phần trí não của anh có thể điều khiển được dễ dàng như khi bật tắt một cái công tắc. Bình thường anh sống rất hiền lành và thân thiện với những người xung quanh.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống, BBC)