Vinaphone khai thông tài khoản của 4.200 thẻ cào
Đến 18 giờ 29/8, tài khoản của 4.200 thẻ cào Vinaphone bị ''mất cắp'' đã được khai thông. Trước đó trong buổi sáng cùng ngày, trung tá Võ Hoàng Nghĩa, thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Phú Nhuận (TP.HCM), đã có công văn xác định: không có thẻ cào nào bị mất cắp mà thực chất là do Nguyễn Bảo Thành, ngụ tại Phan Thiết, là nhân viên của Công ty TNHH V.A.E. Vtel (TP.HCM) sau khi phân phối đã chiếm đoạt tiền rồi bỏ trốn. Dựa trên cơ sở này, Vinaphone đã mở lại tài khoản, khôi phục các dữ liệu cho khách hàng.
Đổi miễn phí từ điện thoại vô tuyến sang hữu tuyến
Hiện nay, hệ thống vô tuyến cố định luôn trong tình trạng không ổn định. Khi xảy ra mất điện, điện thoại vô tuyến không hoạt động được. Thêm vào đó hiện có nhiều thuê bao ngoài nhu cầu về điện thoại còn cần sử dụng cả fax, Internet... trong khi hai hệ thống này chưa thể đáp ứng. CTĐT đã bước đầu đưa điện thoại vô tuyến sử dụng công nghệ CDMA vào lắp đặt mới cho các nơi. Công nghệ này sẽ cho chất lượng cuộc gọi cao hơn, có cả fax và Internet. Sau khi mạng CDMA hoàn chỉnh, CTĐT sẽ chuyển miễn phí từ hệ thống Hughes hoặc Nortel sang CDMA, bổ sung vào nguồn thuê bao khoảng 100.000 số. Ông Trần Văn Thanh Phó Giám đốc CTĐT - cho biết khi mạng cáp điện thoại ở khu vực này hoàn chỉnh trong tháng 9, 10, công ty sẽ giải quyết khoảng 1.500 máy cho khu vực Chợ Lớn, Tân Bình. Đến cuối năm 2002 sẽ chuyển đổi toàn bộ các máy vô tuyến khu vực phía này sang hữu tuyến. Việc chuyển đổi này hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, các thuê bao này phải chấp nhận đổi sang số điện thoại mới vì dãy số của Hughes không thích hợp với hữu tuyến. (Theo Tuổi Trẻ)
Dạy và học máy tính: Mô hình nâng cao chất lượng giáo dục
Ngày 16/8/2002, Trường cao đẳng sư phạm Hà Nội và Sở giáo dục và đào tạo Đà Nẵng kết thúc khoá huấn luyện dạy và học với máy tính TLC (IBM Teaching and Learning with Computer) đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng cho hơn 30 học viên là cán bộ giáo dục Đà Nẵng. Đây là khoá đào tạo cho giáo viên phương pháp dạy và học với máy tính của IBM được triển khai rất hiệu quả trong khuôn khổ của dự án ''Thực hành phát triển nghiệp vụ'' (PDL) ký kết giữa IBM và Bộ GD&ĐT. Tuy dự án đã kết thúc nhưng Bộ GD&ĐT quyết định hỗ trợ kinh phí để nhân rộng mô hình. Trường CĐSP Hà Nội giữ vai trò nòng cốt trong việc đào tạo giáo viên phương pháp TLC để triển khai và nhân rộng tại các trường phổ thông, góp phần thực hiện chủ trương ứng dụng CNTT để đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục. Sau buổi tổng kết của Dự án PDL vào cuối tháng 12 năm 2001, đây là khoá học thứ ba được triển khai thành công. (Theo Thời báo Kinh tế VN)
Cung cấp dịch vụ thử nghiệm VASC CA
Sau khi ra mắt cách đây 4 tháng, ngày 28/8/2002, Công ty phát triển phần mềm VASC đã chính thức công bố cung cấp dịch vụ thử nghiệm quản lý và cấp chứng chỉ số VASC CA cho khách hàng. Hệ thống đã được triển khai thử nghiệm trên mạng dịch vụ của công ty phục vụ một số đối tượng khách hàng theo lựa chọn nhằm mục đích thử nghiệm tính ổn định của hệ thống và giúp các khách hàng làm quen với dịch vụ và các kỹ thuật ứng dụng chứng chỉ số. Chứng chỉ số VASC CA là dịch vụ được dùng trong các giao dịch trên môi trường để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin và cung cấp bằng chứng pháp lý nếu xảy ra tranh chấp. Chứng chỉ số có thể xem như chứng minh thư điện tử, được sử dụng khi giao dịch trên mạng nhằm đảm bảo sự nhận diện đúng đối tượng giao dịch và đảm bảo an toàn, bảo mật cho các nội dung giao dịch. Các loại chứng chỉ số của VASC CA gồm chứng chỉ số cho cá nhân, chứng chỉ số cho máy chủ (server), chứng chỉ số cho phát triển phần mềm. Trong giai đoạn thử nghiệm, công ty áp dụng tạm thời giá cước dịch vụ như sau: với bảo hiểm mức 1, miễn phí hoàn toàn sử dụng 3 tháng. Với bảo hiểm mức 2, mức phí là 520.000 đồng cho chứng chỉ số cá nhân, chứng chỉ số phần mềm (1 năm) và 3.000.000 đồng cho chứng chỉ số cho server (1 năm). (Theo Thời báo Kinh tế VN)
Intel và bài toán phát triển CNTT: Tri thức + Cơ sở hạ tầng + Internet = Thành công
Ngày 28/8/2002, Chủ tịch tập đoàn Intel, ông Craig R.Barrett đã có chuyến thăm và làm việc lần thứ 2 tại Việt Nam. Trong chuyến thăm này, ông đã có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Phan Văn Khải, Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá. Đặc biệt, Chủ tịch Intel đã có bài thuyết trình quan trọng trước khoảng 450 quan chức Chính phủ và doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT về xu hướng phát triển CNTT của Việt Nam với chủ đề: Công nghệ chắp cánh rồng bay. Bài toán mà Intel chuyển tới cho ngành CNTT Việt Nam là: Tri thức + Cơ sở hạ tầng + Internet = Thành công. Trả lời báo chí về kế hoạch đầu tư của Intel vào thị trường Việt Nam, Chủ tịch Intel cho biết: có 3 cách thức thường được Intel áp dụng: cách thứ nhất hiện đang được sử dụng là đưa những công nghệ mới nhất vào thị trường Việt Nam. Thứ hai là thông qua vốn liên doanh hoặc thông qua việc đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ hay xem xét tới những khả năng đầu tư khác trong lĩnh vực đó. Thứ ba là Intel cũng dự định đầu tư vào lĩnh vực phần mềm của Việt Nam. Đây mới chỉ là ý định và chưa có quyết định hay thông báo chính thức gì về vấn đề này. Không tiết lộ chắc chắn về việc có đầu tư vào khu công nghệ cao Hoà Lạc hay không nhưng ông Chủ tịch Intel cũng đã ủng hộ nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng Khu công nghệ cao Hoà Lạc thành phố CNTT của Việt Nam. (Theo Thời báo Kinh tế VN)
Thúc đẩy thực hiện Đề án Tin học hoá công tác quản lý hành chính Nhà nước
Theo hướng dẫn mới đây của Ban điều hành Đề án Tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước (Đề án 112) thuộc Văn phòng Chính phủ, chậm nhất là đến ngày 30/8/2002, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải phê duyệt xong Đề án 112 của mình theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán Trung tâm Tích hợp dữ liệu cấp bộ, tỉnh, thành phố phải được phê duyệt trước ngày 15/9/2002 và lựa chọn các dự án ưu tiên thuộc Đề án 112 dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2003 để đưa vào danh sách dự án ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2003. Trong đó, ưu tiên dành kinh phí cho các dự án tin học hoá theo tinh thần Chỉ thị 58CT/TW. (Theo Đầu Tư)
Bạn đã bao giờ du lịch Việt Nam trên Internet?
Nếu chưa bạn hãy truy cập http://www.vietnamtourism.com , ''dạo'' một vòng khắp mọi miền của đất nước. Và nếu bạn có bạn bè là người nước ngoài, đừng ngại giới thiệu website với họ, vì bên cạnh tiện Việt, website còn được hiển thị bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Website là một sản phẩm của Trung tâm Công nghệ thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam) và xứng đáng được gọi là mọt hướng dẫn viên trực tuyến cho tất cả những ai muốn đến thăm Việt Nam. (Theo Lao Động)
Thương mại điện tử - việc làm cho tương lai
Việc ứng dụng CNTT vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống đã và đang tạo ra nhiều vị trí công việc cho người lao động. Đã có lập trình viên, kỹ thuật viên, quản trị mạng... và sắp tới sẽ là các chuyên viên thương mại điện tử. Khi Internet ngày càng được nhiều công ty trên thế giới sử dụng vào việc kinh doanh thì thương mại điện tử trở thành công cụ hữu hiệu cho nhiều doanh nghiệp để thực hiện giao dịch, quảng bá thông tin... qua mạng. Dự báo trong 5 năm tới, Hà Nội và TP.HCM cần không dưới 10.000 chuyên viên thương mại điện tử, đồng thời thương mại điện tử cũng là một trong những dự án trọng điểm của nhiều thành phố lớn trong cả nước giai đoạn 2001 - 2005. Theo đó, hàng nghìn doanh nghiệp sẽ tham gia tiếp thị và mua bán các sản phẩm, dịch vụ qua mạng. Vì vậy, sẽ rất cần nguồn nhân lực lớn có trình độ chuyên môn cao cho lĩnh vực này. (Theo Lao Động)