KCNC TP.HCM: Dành cho doanh nghiệp đầu tư mọi điều kiện thuận lợi
Sáng 1/4/2003, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải và Ban quản lý Khu công nghệ cao (KCNC) TP.HCM đã gặp gỡ Tập đoàn HP (Hoa Kỳ) và các công ty công nghệ cao nước ngoài nhằm giới thiệu các chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho các nhà đầu tư ở KCNC này. Chủ tịch Lê Thanh Hải khẳng định: ''TP.HCM luôn sẵn sàng dành cho KCNC và các doanh nghiệp đầu tư vào khu này mọi điều kiện thuận lợi để đạt hiệu quả cao nhất trong kinh doanh''. Trưởng Ban quản lý KCNC TP.HCM Phạm Chánh Trực cho biết nhà đầu tư tại KCNC sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi khá đặc biệt. (Theo Tuổi Trẻ)
Dự kiến doanh số công nghiệp phần mềm năm 2003 ở VN đạt khoảng 1.500 tỷ đồng; trong đó thị trường nội địa đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, phần còn lại phụ thuộc vào khu vực gia công, xuất khẩu phần mềm. Con số này đã được trình bày nhằm lấy ý kiến đóng góp tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Khoa học Công nghệ & môi trường của Quốc hội khoá 11 (tổ chức tại TP.HCM ngày 1/4/2003). (Theo Tuổi Trẻ)
Ngày 1/4, Bưu điện Lâm Đồng cho biết, ngành bưu điện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cáp quang vùng sâu Đinh Văn - Rô Men (Lâm Hà, giáp Đắc Lắc) với tổng chiều dài trên 75km và vốn đầu tư 15 tỷ đồng. Trong những năm gần đây, Bưu điện Lâm Đồng đã đầu tư thay thế đường dây hữu tuyến bằng cáp quang và vi ba ở vùng sâu, vùng xa nên đến nay, 100% số xã trong tỉnh đã có điện thoại.
Giới thiệu một số loại điện thoại di động Cityphone
Hiện trên thị trường đang có 4 loại máy di động Cityphone do UTStarcom (Mỹ) cung cấp, gồm: Máy model 700U có chức năng hiển thị bằng tiếng Anh, chế độ rung và chuông báo các cuộc gọi đến, nhận dạng người gọi, đồng hồ, báo thức... Máy có kích thước 44x118x27mm, trọng lượng 110g, giá 1,1 triệu đồng. Model 702-S331 cũng có các chức năng tương tự như trên, nhưng có ưu điểm là 5 loại chuông thường, 5 loại chuông nhạc, 5 loại chuông ghi âm. Máy còn có chức năng nghe bằng loa, có bộ nhớ gồm 150 tổ máy điện thoại, có thể chuyển danh bạ điện thoại, ghi âm cuộc đàm thoại, lịch trình thời khoá biểu, đồng hồ vui nhộn, giá bán là 2,4 triệu đồng. Model 708-J ngoài những chức năng như tin nhắn thoại, nhận dạng cuộc gọi... như các loại máy nói trên, còn có khả năng chuyển đổi khu vực không có tiếng ồn, sổ danh bạ có tới 250 tổ nhớ, máy tính, trò chơi, đàm thoại không dây... Model UTS718 là máy điện thoại màn hình màu, âm thanh nổi, có ghi âm giọng nói thay chuông gọi đến. Vỏ máy được làm từ titan, trọng lượng siêu nhẹ (90g) và kiểu dáng thời trang, máy có thể tự khoá cuộc gọi đường dài mà không cần đăng ký với nhà khai thác, có tốc độ truyền số liệu cao tới 64kb/giây. (Theo Lao Động)
Sách mới: Đề án tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước 2001 - 2005 trong hành động
Tổ Biên soạn tài liệu thuộc Ban điều hành Đề án 112 Chính phủ đã phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia biên soạn và xuất bản cuốn sách ''Đề án Tin học hoá quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2005 trong hành động''. Đây là một cuốn sách có ích và cần thiết, có thể coi là cuốn ''cẩm nang tra cứu'' về Đề án 112. Các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia cải cách hành chính, chuyên gia CNTT, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp xây dựng - triển khai - thực hiện Đề án 112 đều có thể tìm thấy điều mình quan tâm trong cuốn sách này. (Theo Khoa học và Đời sống)
Cuối tháng 3/2003, tại Hà Nội, Công ty IBM VN đã công bố phần mềm Tích hợp thông tin DB2, một phần mềm mới được thiết kế nhằm hỗ trợ khách hàng truy cập, tích hợp và phân tích tất cả các hình thức thông tin trong và ngoài doanh nghiệp. Phần mềm này sẽ giúp các công ty và tổ chức giảm bớt thời gian xây dựng các ứng dụng thế hệ mới, tăng cường hiệu quả và đáp ứng nhu cầu khách hàng nhanh chóng hơn rất nhiều. Phần mềm mới rất thích hợp cho các ứng dụng như quản lý quan hệ khách hàng, đáp ứng nhu cầu của những người trực điện thoại tại trung tâm cần thu thập thông tin về khách hàng trên nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau. Với phần mềm mới, các tổ chức dịch vụ tài chính cũng có thể kết hợp các hồ sơ về khách hàng với thông tin đầu tư trên mạng Internet. (Theo Khoa học và Đời sống)
VDC cung cấp dịch vụ truy nhập Internet trực tiếp theo thời gian
Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) vừa chính thức cung cấp dịch vụ truy nhập Internet trực tiếp theo thời gian (VNN Timing Leased lines) nhằm tiết kiệm chi phí cho khách hàng dùng mạng VNN/Internet. Khách hàng sử dụng VNN/Internet trên toàn quốc có thể kết nối trực tiếp với mạng VNN và sử dụng các dịch vụ trên mạng VNN theo thời gian biểu quy định giữa VDC và khách hàng. Giá cước sử dụng dịch vụ này được tính theo hai thời điểm khác nhau: từ 7 giờ đến 19 giờ, cước thông tin được tính theo Mb sử dụng, cước thuê bao cổng tính bằng 50% so với mức cước hiện hành, cước phần mềm 900 đ/Mb. Từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau cước được tính theo bảng cước Internet hiện hành. (Theo Econet)
TP.HCM: Thành lập website về thương mại Việt Mỹ
TP.HCM sẽ thành lập một website chuyên về Hiệp định Thương mại VN - Hoa Kỳ để phục vụ cho các đối tượng quan tâm. Doanh nghiệp trong nước có thể đặt trực tiếp các câu hỏi và sẽ được giải đáp về những vấn đề xung quanh Hiệp định. Sau một năm chính thức thực hiện Hiệp định Thương mại VN - Hoa Kỳ, quan hệ thương mại giữa hai nước đã có bước tăng vọt đáng kể. Nếu như năm 1996 VN mới đạt kim ngạch xuất khẩu 116 triệu USD vào thị trường Hoa Kỳ và kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này 319 triệu USD thì đến năm 2002 con số này đã tăng lên 580,2 triệu USD và 2.394 triệu USD. (Theo Econet)
Để đạt doanh số 500 triệu USD: Cần những chính sách mới cho ngành sản xuất máy tính trong nước
Một trong những mục tiêu đề ra đối với ngành công nghiệp sản xuất máy tính tại VN là trong vòng 5 năm tới phấn đấu đạt 50% thị phần trong số 500.000 máy được tiêu thụ mỗi năm, tương ứng với doanh số khoảng 500 triệu USD. Vậy mục tiêu này có khả thi hay không? Ông Nguyễn Trung Chính, Giám đốc điều hành Công ty máy tính truyền thông CMC, Hội tin học VN, khẳng định: đó là điều hoàn toàn có thể! Bởi vào thời điểm hiện nay mức tiêu thụ các loại máy tính trên thị trường VN ước đã lên tới khoảng 350.000 chiếc mỗi năm, trong đó máy lắp ráp trong nước chiếm 70% và máy tính thương hiệu VN chiếm 17%. Điều này cũng chứng tỏ máy tính sản xuất và lắp ráp trong nước đã được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay vẫn là những chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy tính. Những chính sách này tuy đã có, nhưng còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ và nhất quán. Đầu tiên là chính sách thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất máy tính. Tiếp theo là về chính sách áp dụng cách tính tỷ lệ nội địa hoá 15% đối với ngành sản phẩm máy tính như với cách tính của các mặt hàng điện tử dân dụng khác. Các chính sách về hỗ trợ thị trường, về bảo hộ thương hiệu máy tính VN cũng chưa có, hay đúng hơn mới ở trong giai đoạn bắt đầu xây dựng. Ông Nguyễn Trung Chính đã thay mặt Hội tin học VN kiến nghị với Thủ tướng và các bộ, ngành hữu quan một số điểm: Miễn thuế nhập khẩu đối với linh kiện phục vụ sản xuất trong nước. Giảm thuế VAT với tất cả các linh kiện máy tính ngang bằng với thuế máy tính nguyên chiếc là 5%. Miễn thuế thu nhập DN máy tính trong 5 năm đầu kể từ khi DN có lãi, và giảm 50% cho 5 năm tiếp theo đối với các công ty máy tính trong nước; Đặt yêu cầu tỷ lệ nội địa hoá cho 5 năm đầu khoảng 10% nhằm khuyến khích động viên DN. Chính sách ưu đãi đầu tư được áp dụng cho tất cả các DN không phân biệt thành phần kinh tế. Được tính giá trị thương hiệu và dịch vụ, phần mềm trong giá trị nội địa hoá; Đưa máy trạm làm việc vào ngay danh mục cấm mua sắm sản phẩm nước ngoài tương đương do Bộ Tài chính ban hành. (Theo Thời báo Kinh tế VN)
Doanh thu 4.900 tỷ đồng từ dịch vụ viễn thông
Từ đầu năm đến nay, mạng điện thoại đã có thêm 350.000 thuê bao, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2002, đưa tổng số máy điện thoại trong cả nước lên hơn 5,9 triệu máy. Số đăng ký thuê bao sử dụng Internet cũng tăng thêm 34.300 thuê bao, tăng 20%. Nhờ đó doanh thu từ dịch vụ viễn thông trong những tháng đầu năm đạt hơn 4.900 tỷ đồng, tăng 7%, tăng thấp đáng kể so với cùng năm trước, bởi cước điện thoại quốc tế giảm 15% và cước thuê kênh liên lạc cũng giảm 20%. (Theo Đầu Tư)
Vận động thành lập Công ty cổ phần Dịch vụ phần mềm
Ban vận động thành lập Công ty cổ phần Dịch vụ phần mềm của Công ty phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) vừa chính thức ra mắt nhân kỷ niệm 2 năm thành lập QTSC. Công ty này ra đời nhằm thu hút các dự án phần mềm lớn, điều phối hoạt động của các DN thành viên của QTSC và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại. Đến nay đã thu hút được 58 DN sản xuất kinh doanh phần mềm và đào tạo nhân lực CNTT, trong đó có 19 DN 100% vốn nước ngoài, với hơn 2100 người vào làm việc và học tập. (Theo Đầu Tư)
Giải pháp ngân hàng tổng thể
Công ty FPT vừa chính thức tung ra thị trường giải pháp ngân hàng tổng thể SmartBank, cho phép ngân hàng xử lý tập trung toàn bộ thông tin và giao dịch trực tuyến với khả năng số hoá, định hướng xử lý của khách hàng về đa tệ, nhiều chi nhánh với tính bảo mật cao. Được biết, FPT đã phát triển thành công một số sản phẩm phục vụ lĩnh vực tài chính-ngân hang, như PhoneBanking - Internet Bangking, phần mềm cho công ty kế toán BOSC, hệ thống thanh toán liên ngân hàng. (Theo Đầu Tư)
Bộ Bưu chính- Viễn thông có 10 đơn vị chức năng
Bộ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông (BC-VT) vừa ban hành các quyết định thành lập 10 đơn vị chức năng trực thuộc. Đó là Trung tâm Internet Việt Nam, có chức năng quản lý, phân bổ, giám sát và thúc đẩy việc sử dụng tài nguyên Internet ở VN; TT, hướng dẫn, thống kê Internet; tham gia các hoạt động quốc tế về Internet. Vụ VT có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực VT và Internet. Tạp chí BC-VT và CNTT có chức năng phổ biến TT khoa học, kỹ thuật nghiệp vụ về BC, VT và CNTT. Vụ Khoa học và Công nghệ có chức năng quản lý nhà nước lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường về BC-VT và CNTT, ứng dụng phục vụ quản lý nhà nước và phát triển kinh tế- xã hội. Vụ công nghiệp CNTT có chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp phần cứng, công nghiệp phần mềm trong lĩnh vực điện tử, BC, VT và CNTT. Trung tâm thông tin tổ chức quản lý thống nhất hoạt động TT và tư liệu BC-VT và CNTT; tổ chức quản lý mạng và thực hiện chương trình tin học hoá quản lý hành chính nhà nước của Bộ. Thanh tra bộ BC-VT thanh tra chuyên ngành về BC,VT,CNTT; thực hiện quyền thanh tra nhà nước đối với các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ. Cục quản lý chất lượng BC, VT và CNTT có chức năng quản lý nhà nước về kiểm tra, kiểm định, đánh giá và chứng nhận chất lượng mạng, công trình, sản phẩm và dịch vụ BC, VT, điện tử, CNTT và Internet. Vụ hợp tác quốc tế quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BC, VT và CNTT. Cục Tần số vô tuyến điện quản lý tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và truyền dẫn phát sóng. (Theo Đầu Tư)
Tập trung phục vụ nhu cầu nội địa: Làm gì để phát triển ngành phần mềm trong nước?
Tại hội thảo ''Một số vấn đề cơ bản nhằm phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam trong bối cảnh hội nhập'', các chuyên gia thuộc Dự án NEUJCA cho rằng, các DNPM VN nên định hướng tập trung phục vụ thị trường trong nước, trên cơ sở đó chuẩn bị điều kiện và tập hợp lực lượng để đẩy mạnh xuất khẩu. Nhiều chuyên gia khác tham gia Hội thảo nhận định rằng, mặc dù thị trường phần mềm VN mới hình thành, quy mô còn nhỏ bé, song lại có tiềm năng rất lớn, sự tăng trưởng của thị trường này sẽ giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm trong nước vì mục tiêu phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tất cả các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước các DNPM VN phải đầu tư nhiều hơn nữa để nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh, đồng thời phải tăng cường hợp tác, liên kết với nhau. Ý kiến này xuất phát từ thực tế năng lực kinh doanh của phần đông DNPM VN còn yếu, đa số DNPM mới thành lập, thiếu kinh nghiệm quản lý, ít vốn, chưa ổn định về tổ chức bộ máy và địa điểm hoạt động. Trong khi tính chuyên nghiệp thể hiện ở đội ngũ lập trình viên và cán bộ quản lý, nhất là đội ngũ chuyên viên quản lý dự án, ở khả năng quản lý DN theo định hướng thị trường... thì các yếu tố này vẫn thiếu ở nhiều DNPM. Để khắc phục những điểm yếu nêu trên, các chuyên gia cho rằng, DNPM phải xây dựng được chiến lược kinh doanh dài hạn. Cụ thể, cần phân đoạn thị trường phần mềm một cách chi tiết để lựa chọn hướng chuyên môn hoá, tránh tình trạng đổ xô vào làm một loại phần mềm, trong khi nhiều loại phần mềm khác thị trường cần lại không sản xuất. Mặt khác, cần phát triển mô hình liên kết, phân chia công việc một cách hiệu quả, cùng có lợi. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kiến nghị cần xúc tiến tạo dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DNPM. (Theo Đầu Tư)