Cước truy cập Internet trong trường học: 40 đồng/phút
Ngày 21/7, Công ty Điện toán và truyền số liệu (VDC) cho biết vừa xây dựng xong đề án đưa Internet đến trường học nhằm đảm bảo mọi đối tượng trong trường học đều được sử dụng Internet với giá ưu đãi. VDC sẽ hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề, phổ thông trung học trên cả nước về giá cước, e-mail riêng, thậm chí cho mượn cả thiết bị đầu cuối. Cụ thể, với dịch vụ VNN 1260, không tính cước cài đặt, áp dụng giá cước 40 đồng/phút không hạn chế thời điểm, thời lượng truy cập và đặc biệt cho mượn miễn phí modem trên mỗi account. Với dịch vụ Internet trực tiếp (leased line), áp dụng mức cước thuê cổng tối đa 3 triệu đồng/kênh 64K gồm cả cước thông tin; trong trường hợp trường học chỉ có nhu cầu sử dụng truy cập Internet, không dùng các ứng dụng trên mạng, VDC sẽ lập phương án giá cước 1 triệu đồng/tháng. Mỗi sinh viên, học sinh sẽ được cấp địa chỉ e-mail riêng dưới dạng user@têntrường.edu.vn
TP.HCM chiếm 70% doanh nghiệp lắp ráp máy tính thương hiệu VN
Trong số 20 doanh nghiệp lắp ráp máy tính có thương hiệu VN hiện nay, TP.HCM chiếm trên 70% với nhiều doanh nghiệp lớn có doanh số từ 2 đến 5 triệu USD/năm và 4/5 doanh nghiệp phần cứng cả nước có chứng nhận chất lượng ISO 9000 (FPT E-lead, Mekong Xanh, VTB và T&H). Để nâng cao khả năng cạnh tranh khi tham gia AFTA, nhiều doanh nghiệp TP.HCM đã đầu tư dây chuyền hiện đại lắp ráp máy tính công suất lớn và bước đầu sản xuất những linh kiện máy tính. Hiện tại, Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư công nghệ (FPT) dẫn dầu với dây chuyền lắp ráp máy tính THVN E-lead với công suất 14.000 máy/tháng tại khu công nghiệp Tân Bình; Vietronics Tân Bình đầu tư cho dây chuyền tổng công suất thiết kế 60.000 sản phẩm/năm; Samsung Vina đưa ra thị trường 130.000 màn hình/năm, trong đó có 40.000 màn hình xuất khẩu; Vietronics Thủ Đức bắt đầu đầu tư sản xuất các thiết bị CNTT trong nước... Các nhà sản xuất phần cứng máy tính TP.HCM đang có kế hoạch hợp tác để tăng thị phần máy tính thương hiệu VN từ 17% hiện nay lên 50% vào năm 2005.
Thanh Hoá: Mật độ điện thoại đạt 2,4 máy/100 dân
Tính đến hết tháng 6/2003, Bưu điện Thanh Hoá đã phát triển mới 11.161 máy điện thoại, nâng tổng số máy trên toàn mạng lên 90.372 máy. Mật độ điện thoại đạt 2,4 máy/100 dân. Hiện, Thanh Hoá cũng đã có 85 bưu cục và 435 điểm bưu điện văn hoá xã. 6 tháng qua, phát hành báo chí của Bưu điện Thanh Hoá cũng đã đạt 6.187.961 tờ/cuốn, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2003. Bưu điện Thanh Hoá cũng vừa khai thác thử nghiệm dịch vụ Hộp thư Thông tin tự động 801108. Hộp thư thông tin tự động 801108 bao gồm 14 chuyên mục trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, thể thao... với lượng thông tin đa dạng, hấp dẫn, được cập nhật thường xuyên. Sau 2 tuần thử nghiệm, đến nay trung bình mỗi ngày có gần 1 vạn cuộc điện thoại kết nối với hộp thư thông tin tự động. Đây là một dịch vụ mới vừa nâng cao hiệu quả sản xuất sử dụng mạng lưới đồng thời đáp ứng được nhu cầu thông tin, giải trí đa dạng của đông đảo khách hàng. (Theo VNPT)
SaigonNet cung cấp dịch vụ SGN12710
Trung tâm Internet Sài Gòn (SaigonNet) đã chính thức cung cấp dịch vụ kết nối nhanh Internet qua dịch vụ SGN12710 dành cho các thuê bao điện thoại tại TP.HCM. Ưu điểm của dịch vụ này là người sử dụng không cần phải đăng ký trước tài khoản, không cước hòa mạng, không cước thuê bao và đặc biệt là không sợ lộ mật khẩu. Người sử dụng chỉ cần kết nối qua số điện thoại 12710 với tên truy nhập là SGN12710 và mật khẩu SGN12710. Cước phí truy nhập Internet sẽ được tính chung hóa đơn điện thoại hàng tháng. Mức cước truy nhập Internet được tính căn cứ theo tổng thời lượng sử dụng nhiều hay ít. Mức cước dịch vụ SGN12710 như sau: Truy cập dưới 5 giờ/tháng mức cước 150 đồng/phút, từ 5 giờ đến 15 giờ là 130 đồng/phút, từ 30 giờ đến 50 giờ là 70 đồng/phút và từ 50 giờ trở lên là 40 đồng/phút. (Theo Người Lao Động)
Tài trợ 80 bộ máy vi tính cho trường học có học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Vừa qua, Trường Vừa học vừa làm 15-5 (245 Nguyễn Trãi, quận 1) đã tiếp nhận 10 bộ máy vi tính do Ngân hàng ANZ tặng nhằm giúp học sinh của trường có điều kiện tiếp cận, nâng cao kỹ năng vi tính và đạt kết quả tốt hơn trong học tập. Trường 15-5 hiện có gần 250 em đang theo học cấp 1 và 2 miễn phí. Trường 15-5 là trường đầu tiên nhận quà tặng trong chương trình tài trợ 80 bộ máy vi tính cho các trường học có học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Ngân hàng ANZ, ngân hàng nước ngoài có sử dụng tiếng Anh đầu tiên và có mạng lưới đại diện rộng khắp tại VN. (Theo Sài Gòn Giải Phóng)
Trung tâm Tin học - đại học KHTN TPHCM: Hai năm liền đoạt huy chương vàng đơn vị đào tạo doanh số cao 2003
Tại Diễn đàn CNTT Việt Nam 2003, Trung tâm Tin học - Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM tiếp tục được công bố đoạt Huy chương vàng đơn vị đào tạo CNTT doanh số cao năm 2003. Năm ngoái, trung tâm cũng đã đoạt Cúp vàng đơn vị đào tạo hàng đầu. Trong lĩnh vực phát triển phần mềm, trung tâm cũng đã giành được nhiều thành tựu đáng kể: năm 1998, phần mềm kế toán IAS của trung tâm đã nhận được 2 huy chương vàng về doanh số cao và số lượng tiêu thụ; năm 2002, Giải pháp hệ thống thông tin chỉ đạo (HT3CD) của trung tâm đã đồng thời nhận được giải 3 Vifotec của Bộ Khoa học - Công nghệ và giải 3 Hội thi sáng tạo Khoa học - Công nghệ của TP.HCM. (Theo Sài Gòn Giải Phóng)
Khai trương câu lạc bộ game ''SSP-Cyber Club''
Trung tâm Công nghệ phần mềm Sài Gòn (SSP - 123 Trương Định, quận 3) vừa khai trương hoạt động câu lạc bộ game ''SSP-Cyber Club''. Câu lạc bộ game này được trang bị 65 máy Pentium IV 1.8 GHz, màn hình LCD 15 inch BenQ, cài đặt sẵn 15 trò chơi mới nhất hiện nay như: Fifa Soccer 2003, Warcraft 3, Unreal Tournament 2003, Tiger Wooods Pga Tour 2004� Dịp này, SSP cũng tung ra thẻ hội viên ưu đãi dành cho thành viên câu lạc bộ và thẻ chơi game trả trước cho khách vãng lai. (Theo Sài Gòn Giải Phóng)
Hội thảo ''Đào tạo và nâng cao nhận thức về CNTT cho công chức VN'' do Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức với sự tài trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại VN (UNDP), vừa kết thúc tại Hà Nội, đã phản ánh rõ nhu cầu bức xúc trong đào tạo CNTT cho cán bộ, công chức nước ta trong giai đoạn hiện nay. Tại hội thảo, GS Ma Yan, giảng viên Trường ĐH Bắc Kinh, Trung Quốc, đã giới thiệu về kinh nghiệm triển khai Chính phủ điện tử tại Trung Quốc, trong đó chú trọng nhất khâu đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Một số báo cáo khác cũng giới thiệu về các chương trình đào tạo trực tuyến của Hàn Quốc, Australia. Tuy nhiên, hầu hết các mô hình đào tạo nước ngoài chỉ áp dụng cho các đối tượng đã được trang bị những kiến thức tin học cơ bản với một chương trình linh hoạt, chuyên môn hóa cao nên khó có thể áp dụng ngay tại nước ta. Ở VN, các mô hình đào tạo CNTT cho công chức còn rất hạn chế. Theo báo cáo của ông Lương Cao Sơn, Thư ký Ban điều hành Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước� (đề án 112), thì phần lớn các dự án CNTT triển khai trong các đơn vị hành chánh sự nghiệp đều không thành công, không đạt được mục tiêu đề ra là do trình độ ứng dụng CNTT ở mức... thấp kém, phần lớn công chức đều ''mù tin học''. Các ý kiến tại hội thảo phân tích và nêu ra 4 nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng ứng dụng CNTT không đạt hiệu quả tại các đơn vị hành chính sự nghiệp trong những năm qua. Đó là: Các chương trình đào tạo tin học thuộc các dự án của Chính phủ từ trước đến nay đều chưa được tổ chức một các quy mô và hệ thống; Nội dung đào tạo CNTT cho cán bộ còn dàn trải mang đậm màu sắc tin học phổ thông, nội dung chưa hướng tới cho từng đối tượng học cụ thể; Thiếu các khóa học về kỹ năng, phương pháp luận thiết lập và quản lý các dự án CNTT cho các cán bộ lãnh đạo, quản lý các dự án; Các chương trình giảng dạy của các trường đại học chưa chú trọng vào việc cung cấp các phương pháp luận, các kỹ năng cần thiết cho lĩnh vực quản lý và phát triển các hệ thống điện tử. Nguyên nhân đã thấy rõ, nhưng giải pháp nào để ''xóa mù'' tin học cho công chức và làm thế nào để cán bộ, công chức vận dụng CNTT nâng cao hiệu suất làm việc thì hội thảo trên vẫn chưa đưa ra được.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)