Xã miền núi, biên giới đầu tiên có website
Thanh Nưa (Điện Biên, Lai Châu) đã trở thành xã miền núi, biên giới đầu tiên ở Việt Nam có trang web trên mạng Internet sau khi Trung tâm Thông tin khoa học công nghệ quốc gia chuyển giao mô hình này cho xã. Đây là mô hình cung cấp thông tin khoa học, công nghệ phát triển kinh tế, xã hội nhằm nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn miền núi. Khi truy cập địa chỉ http://www.vista.gov.vn/web-nongthon/thanhnua/xathanhnua/trang%20chu.htm
Gia Lai: Sáng tạo phần mềm phông chữ Jrai, Ba Na
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, anh em kỹ sư Nguyễn Hữu Ân và kỹ sư Nguyễn Hữu Lân (công tác ở DNTN Lân Ân và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Gia Lai) đã cho ra đời phần mềm phông (font) chữ Jrai, Ba Na ứng dụng trên vi tính. Phần mềm này đã được Bộ Văn hoá - thông tin cấp chứng nhận bản quyền. Phông chữ dựa trên bộ font ABC, bộ UNICODE và chương trình kết hợp C+ có giá trị ứng dụng rộng rãi trong việc chế bản in ấn các tài liệu bằng tiếng Jrai, Ba Na. Xí nghiệp In và Sở GD-ĐT Gia Lai là hai đơn vị đầu tiên được cài đặt phần mềm ứng dụng này. (Theo Tuổi Trẻ)
Mở rộng chương trình Kidsmart
Ngày 11/9, Công ty IBM VN và Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tiếp tục công bố Chương trình Giáo dục sớm Kidsmart tại VN. Thêm 30 hệ thống nhà khám phá trẻ sẽ được trao tặng cho các trường mầm non tại các tỉnh trên toàn quốc như Hà Nội, Huế, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hoá, Bình Dương, Tiền Giang, Cần Thơ... Mục tiêu của chương trình Kidsmart là hỗ trợ các thầy cô giáo trong việc thử nghiệm sử dụng công nghệ mới cải tiến việc dậy và học tại các trung tâm thiếu nhi và các trường mầm non. Đây là bước cần thiết trong việc củng cố kiến thức sớm giúp trẻ đạt được kết quả tốt nhất trên con đường học vấn sau này. Chương trình Kidsmart được bắt đầu tại VN từ tháng 5/2000 và đây là lần thứ bảy IBM trao tặng các Nhà thám hiểm trẻ công cụ đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục mầm non cho các trường. Đến nay đã có 118 hệ thống được trao tặng cho 56 trường mẫu giáo và trung tâm nhi đồng trên cả nước. Một khoá đào tạo cũng sẽ được tổ chức tại Hải Phòng và Bình Dương cho các thầy cô mới tham gia chương trình tập trung vào các thao tác cơ bản về máy tính, sử dụng phần mềm giáo dục EdMart. (Theo Tin Tức)
Bưu điện Khánh Hòa: sớm hoàn thành kế hoạch đưa Internet đến trường học
Sau hơn 2 tháng triển khai, đến ngày 4/9, Bưu điện Khánh Hoà đã kết nối Internet đến 35/35 đơn vị thuộc ngành GD-ĐT trên địa bàn tỉnh gồm Sở GD-ĐT, 2 trường Đại học, 2 trường Cao đẳng, 2 trường Trung học Chuyên nghiệp - Dạy nghề và 28 trường THPT trong toàn tỉnh, trong đó có 2 trường miền núi và 1 trường dân tộc nội trú. Bưu điện Khánh Hoà cũng đã hỗ trợ các điểm Internet này 01 modem/ điểm, miễn phí toàn bộ cước lắp đặt điện thoại và cước cài đặt Internet với tổng chi phí trên 40 triệu đồng. (Theo VNPT)
Lên mạng tự thiết kế tour miền Tây
Du khách hoàn toàn có thể tự thiết kế tour cho mình khi truy cập vào web www.canthotourism.com (Sở Du lịch tỉnh Cần Thơ) vừa ra mắt vào tháng 9 này. Du khách sẽ tìm thấy nhiều thông tin từ Làng cổ Long Tuyền, làng hoa Thới Nhựt, làng lưới Thơm Rơm, làng lợp tép Thới Long... đờn ca tài tử, hò Cần Thơ đến văn hoá ẩm thực đất phương Nam... Truy cập tiếp vào các chuyên mục: chương trình tour, dịch vụ ăn nghỉ, bản đồ thành phố Cần Thơ... du khách sẽ có đủ thông tin để thu xếp một tour vui vẻ cho cả nhà. (Theo Thanh Niên)
Thương mại điện tử không còn ''xa'' với DN
''Thương mại điện tử'' (TMĐT) - khái niệm một thời được nhắc đến như một thứ ''mốt'' nhằm ''trang sức'' cho các DN khi quảng bá về sự hiện đại hoá trong sản xuất, kinh doanh của mình. Tuy nhiên, theo một điều tra mới đây của Bộ Thương mại thì TMĐT hiện đã được các DN để mắt tới một cách nghiêm túc hơn, thiết thực hơn và đang dần trở thành công cụ hữu dụng trong công cuộc làm ăn của họ. Trả lời phỏng vấn của báo Lao Động về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thương mại Lê Danh Vĩnh cho biết, theo kết quả do Bộ Thương mại tiến hành mới đây: Gần 100% số DN đã nhận thức rõ vai trò quan trọng của TMĐT với quá trình kinh doanh của DN. Trong số này có 79 DN cho rằng TMĐT mang lại các lợi ích: Mở rộng kênh tiếp xúc với khách hàng hiện có; lôi kéo khách hàng mới; cải thiện sự hài lòng của khách hàng; làm tăng doanh số, lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh. Khoảng 96% DN cho rằng TMĐT giúp họ tăng kênh bán hàng; 85% cho rằng TMĐT giúp họ xây dựng được hình ảnh của mình. Như vậy, hầu hết DN đều có mục đích rõ ràng khi tham gia TMĐT. Số DN tham gia theo kiểu ''phong trào'' chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ - điều này khác hẳn với điều tra cách đây 3 - 4 năm khi số DN nhận thức đúng về TMĐT chỉ chiếm chưa đầy 10%. Hiện việc triển khai và ứng dụng TMĐT còn một số khó khăn, một số vấn đề về kỹ thuật, công nghệ. Mặt khác, việc ứng dụng và triển khai TMĐT đòi hỏi DN phải đầu tư kinh phí và nguồn lực, trong khi người ra quyết định chưa hẳn đã am hiểu về CNTT và đặc biệt là TMĐT. Đó là chưa kể các sản phẩm phần mềm ứng dụng trong TMĐT như quản lý hàng tồn kho, theo dõi khách hàng, quản lý nhân sự còn quá đắt so với khả năng của DN. Theo ông Vĩnh, để việc ứng dụng TMĐT của DN vừa hiệu quả vừa tiết kiệm nên tập trung vào những trọng điểm: Thứ nhất, DN nên trao đổi thông tin dưới dạng: Trao đổi dữ liệu điện tử (EDI); ngôn ngữ đánh dấu mở rộng (XML); sử dụng trang chủ (website) riêng để trao đổi thông tin với các đối tác. Thứ hai, giới thiệu sản phẩm, khach hàng qua mạng, còn khâu ký kết hợp đồng và thanh toán vẫn phải thực hiện bằng phương pháp truyền thông. (Theo Lao Động)
Bộ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông Đỗ Trung Tá: Sẽ mở dần dần để không mất nguồn thu!
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí vào tháng 5/2003, Bộ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông Đỗ Trung Tá đã cho biết quan điểm về vấn đề phát triển dịch vụ điện thoại Internet ở VN. Theo ông Đỗ Trung Tá, cho đến thời điểm này, những loại điện thoại sử dụng công nghệ Internet Protocol (VoIP) đều có chất lượng thấp. Tại các nước phát triển, đời sống nhân dân cao nên họ không sử dụng VoIP, mà thường dùng điện thoại chất lượng cao (IDD). Vì vậy, cấm hay không cấm họ cũng ít sử dụng. Với các nước nghèo thì chấp nhận được vì chất lượng kém nhưng giá rất rẻ. Tuy nhiên, việc ta mở ra các dịch vụ điện thoại này đã nảy sinh vấn đề là các DN nước ngoài ký kết với ta là điện thoại IDD nhưng khi thực hiện lại là VoIP, do đó chất lượng không cao, làm ảnh hưởng đến uy tín của viễn thông VN. Một vấn đề khác là nguồn thu của ngành sẽ bị giảm. Hiện nay, điện thoại IDD ở VN vẫn chiếm được khoảng 60%, còn lại là điện thoại VoIP. Nhưng khi thanh toán theo VoIP chỉ khoảng 25 cent/phút, tức là giảm khoảng 40%. Ngoài ra, VN đã xây dựng được một mạng lưới điện thoại cố định với 6 triệu máy. Nếu mở không đúng thời điểm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống hạ tầng này. Chiến lược của VN là mở cửa, hòa nhập với cộng đồng thế giới. Nhưng phải hết sức lưu ý lợi ích của Nhà nước, DN và người dân. Đó là cái khó nhất đối với cơ quan quản lý Nhà nước. Còn nếu đứng từ phía khách hàng thì càng mở ra nhiều dịch vụ càng tốt. (Theo Người Lao Động)