![]() |
''Cái khó của ngành điện tử tin học là do sinh sau đẻ muộn, không được đầu tư lớn nên hiện nay toàn bộ linh kiện phụ tùng đều phải đi mua và điều này hạn chế sáng tạo những sản phẩm mới'', ý kiến của ông Trần Quang Hùng, Phó TGĐ Tổng công ty Điện tử Tin học Việt Nam.
Ông Trần Quang Hùng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện tử Tin học Việt Nam cho biết, cách đây vài năm Tổng công ty đã có sự chuẩn bị trước việc phải cắt giảm thuế cho việc Việt Nam tham gia AFTA vào năm 2006. Năm 1998, Tổng công ty đã rút nhân viên làm việc ở các liên doanh về và thành lập các bộ phận thiết kế, chế tạo các sản phẩm thương hiệu Việt Nam và kết quả năm 2000 đã đưa ra các sản phẩm như BELCO của Công ty Điện tử Biên Hoà, Vitek VTB của Công ty Điện tử Tân Bình với giá cả cạnh tranh và được bảo hành lâu hơn các sản phẩn điện tử mang thương hiệu nước ngoài.
Ông Hùng còn cho biết, sản phẩm máy tính thương hiệu Việt Nam đã được tiến hành đến gần thời kỳ cuối và chuẩn bị đưa ra thị trường với hệ điều hành mang thương hiệu Việt Nam với giá thành chỉ 200.000 đồng/bản (1/5 giá thành so với Windows).
Về những khó khăn của ngành điện tử - tin học, ông Trần Quang Hùng cho biết, cái khó là do sinh sau đẻ muộn, không được đầu tư lớn nên hiện nay toàn bộ linh kiện phụ tùng đều phải đi mua và điều này hạn chế sáng tạo những sản phẩm mới. Việc nội địa hoá chỉ làm được những phần đơn giản nhưng cũng rất khó khăn. ''Chúng tôi đang nghiên cứu con đường nội địa hoá bằng cách mua nguyên vật liệu và phụ tùng linh kiện chính của nước ngoài nhưng dùng chất xám của Việt Nam để thiết kế, chế tạo những thiết bị mang thương hiệu Việt Nam''. Ông Hùng cũng cho biết đã thí nghiệm thành công với các sản phẩm BELCO và Vitek VTB.
Được biết, Tổng công ty Điện tử Tin học Việt Nam đang nghiên cứu thực hiện một số sản phẩn như trang thiết bị điện tử y tế và đã trúng thầu các dự án WB.
Theo Thời báo Ngân hàng