Tại Hội thảo Khu vực về Hợp tác Phát triển Công nghệ Thông tin lần thứ VII do Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Thừa Thiên Huế đầu tháng 8 vừa qua, ông Lê Viết Xê, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban Điều hành Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, đã có báo cáo tham luận về tình hình và định hướng chiến lược phát triển CNTT của tỉnh Thừa Thiên Huế. Báo cáo đưa ra một phác thảo tổng thể về CNTT của Thừa Thiên Huế, những kỳ vọng của Tỉnh trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực kinh tế xã hội tại địa phương.
Khởi sắc từ sau Chỉ thị 58
CNTT Thừa Thiên Huế trước năm 2000 bắt đầu có nhận thức cơ bản về CNTT nhưng mới dừng ở mức mua sắm máy móc là chính, quy mô ứng dụng còn nhỏ và nhu cầu thấp, mới bước đầu quan tâm đến đào tạo người sử dụng. Chương trình CNTT của Tỉnh chỉ thực sự bắt đầu với sự ra đời của Chỉ thị 58-CT/TW về phát triển CNTT. Tỉnh đã có Nghị quyết 02 về phát triển ứng dụng CNTT và xây dựng công nghiệp CNTT, và coi Chương trình CNTT là một trong những chương trình kinh tế xã hội trọng điểm giai đoạn 2001-2005. Một số công trình hạ tầng CNTT trọng điểm của Tỉnh đã liên tiếp được xây dựng, bao gồm Trung tâm Công nghệ phần mềm trực thuộc Sở KHCNMT, Trung tâm Phát triển Phần mềm thuộc Công ty Điện tử Huế, Công viên Phần mềm Huế trực thuộc Công ty Tư vấn Xây dựng Công trình Giao thông Thừa Thiên Huế�
Theo ông Lê Viết Xê, ngoài những ứng dụng phổ biến trong các ngành ngân hàng, kho bạc, bưu điện,... nhiều cơ quan, doanh nghiệp khác của Huế cũng đã bước đầu đưa CNTT vào phục vụ sản xuất, kinh doanh. Các cơ quan quản lý như: VP Thành uỷ, VP HĐND và UBND, các sở GD-ĐT, KHCN, TNMT,... đều đã có trang bị máy tính phục vụ tác nghiệp. Mạng LAN của Sở KHCN đã chuyển từ chức năng chia sẻ thông tin sang tác nghiệp; Sở GD-ĐT thực hiện quản lý mạng lưới các trường và hoạt động chuyên môn, tiến tới sẽ tổ chức hội thảo CNTT trong giáo dục tại Huế vào khoảng tháng 9/2003.
Từ việc đưa vào ứng dụng CNTT, Bệnh viện trung ương Huế tăng thu viện phí 400 triệu đồng trong 9 tháng; Công ty Tư vấn Xây dựng Công trình Giao thông: rút ngắn thời gian thiết kế, tăng chất lượng thiết kế và hiệu quả kinh tế; Nhà máy Frit Huế thực hiện giải pháp toàn diện điều hành sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, nhiều khách sạn, nhà hàng, tiệm may, cơ sở sản xuất mè xửng, tôm chua lên mạng,... Đặc biệt giới y học cổ truyền và các chuyên gia Hán Nôm đã sử dụng CNTT để nghiên cứu đông y, biên soạn tài liệu, từ điển,... Đã có một vài cuộc tọa đàm về CNTT và Hán Nôm tại Huế với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu.
Về sản xuất phần cứng, năm 2002, Huế lắp ráp 1000 máy tính, trong đó có cả máy chủ, đạt doanh số 3,5 tỷ đồng. Về sản xuất phần mềm, hiện có 3 đơn vị sản xuất phần mềm chính với 20 phần mềm đã được sản xuất và ứng dụng.
Thời gian qua, Huế cũng tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho phát triển CNTT. Công viên Phần mềm Huế được xây dựng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phần mềm non trẻ của Huế một địa điểm kinh doanh với nhiều ưu đãi. Hiện tại, 7/9 huyện, thành phố đã trang bị đủ máy tính cho các xã, thành phố Huế và huyện Phong Điền đã có mạng cục bộ. Trên địa bàn Thành phố có 5 khoa đào tạo bậc đại học và cao đẳng. Ngoài ra có 2 cơ sở hợp tác với APTECH và NIIT (Ấn Độ) trong đào tạo các lập trình viên và kỹ thuật viên CNTT chuyên nghiệp.
CNTT - động lực phát triển của Thừa Thiên Huế
Ông Lê Viết Xê cho biết, mục tiêu phát triển CNTT của Thừa Thiên Huế trong thời gian tới là: Thứ nhất: CNTT được ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả, trở thành động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Thứ hai: Công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế mới của Tỉnh, có giá trị gia tăng cao, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, góp phần khẳng định vị trí trung tâm KHCN của Huế đối với cả nước và khu vực.
Trong thời gian tới, Tỉnh sẽ thực hiện bốn chương trình trọng tâm nhằm thúc đẩy sự phát triển của CNTT trên địa bàn thành phố. Chương trình một: Ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, với mục tiêu đưa CNTT vào ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả trong mọi lĩnh vực như: quản lý hành chính Nhà nước, trong các cơ quan Đảng và Đoàn thể, phục vụ đảm bảo an ninh - quốc phòng, giáo dục � đào tạo, ứng dụng trong các doanh nghiệp, phục vụ hiện đại hoá các hoạt động văn hoá, xã hội. Chương trình hai: Phát triển nguồn nhân lực CNTT cho ứng dụng CNTT, trong đó có đào tạo cho cán bộ lãnh đạo, quản lý (bao gồm cả các CIO các cấp) để vạch kế hoạch, chỉ đạo và điều hành chương trình ứng dụng; đào tạo cho cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện các chương trình ứng dụng; và đào tạo lực lượng làm CNTT chuyên nghiệp - những nhà cung cấp các sản phẩm, dịch vụ và tư vấn kỹ thuật CNTT. Chương trình ba: Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT, trong đó có nội dung xây dựng mạng trục của Tỉnh; các mạng cục bộ tại các công sở, trường học, doanh nghiệp; các mạng intranet của các ngành hoặc lĩnh vực hoạt động. Chương trình bốn: Xây dựng và phát triển Công nghiệp CNTT, nhằm mục tiêu đưa công nghiệp CNTT trở thành một nền kinh tế mới, có tốc độ tăng trưởng cao, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Tỉnh, có sản phẩm xuất khẩu. Hoạt động chủ yếu của chương trình 4 là đầy mạnh lắp ráp phần cứng, sản xuất và gia công các phần mềm, cung ứng các dịch vụ CNTT�
Ông Lê Viết Xê cũng cho biết, Huế đang đặt mục tiêu đưa văn hoá Huế giới thiệu với cả nước, với bạn bè thế giới không chỉ thông qua các kỳ Festival thực mà còn qua e.Festival và các sản phẩm CNTT khác. Huế sẽ xây dựng một công viên phần mềm với đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các cơ sở làm phần mềm chuyên nghiệp, đủ sức thắng thầu những hợp đồng lớn; phấn đấu có máy tính thương hiệu Huế... Sắp tới, các cơ sở đào tạo CNTT trên địa bàn sẽ được nâng cấp và liên kết lại để Huế trở thành một trung tâm phát triển nguồn nhân lực CNTT mạnh của cả nước và đào tạo nguồn nhân lực CNTT sẽ trở thành một ngành công nghiệp mới.
Huyền Thanh