Tháng 4/2004, tại một bệnh viện ở miền Tây nước Đức, khi người bạn Việt Nam vào thăm một người phụ nữ Đức 79 tuổi đang nằm trên giường bệnh, nguyện vọng lớn nhất mà người phụ nữ gửi gắm đến người bạn Việt Nam: "Tôi muốn có một tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh!".
Người phụ nữ ấy tên là Sybille Weber, một kỹ sư hóa học người Đức đã dành cả đời mình cho phong trào ủng hộ Việt Nam.
![]() |
Bà Weber và tấm ảnh Bác Hồ. |
Chuyện bắt đầu từ những năm 60. Khi đó, Việt Nam còn đang trong thời kỳ gian khổ chống Mỹ, đấu tranh thống nhất đất nước. Thời đó là thời khắp thế giới cả một thế hệ sinh viên đã đứng dậy, xuống đường giương cao những khẩu hiệu ủng hộ Việt Nam, hô vang "Ho, Ho, Ho Chi Minh!". Thế hệ tự hào đã đi vào lịch sử với tên gọi thế hệ 68. Trong thời kỳ thế hệ 68, tại Đức, đã xuất hiện nhiều nhóm sinh viên hoạt động rất tích cực. Nữ kỹ sư hóa học Sybille Weber có mặt trong những phong trào này của sinh viên.
Năm 1965, tổ chức phi chính phủ ủng hộ Việt Nam đầu tiên đã ra đời giữa lòng CHLB Đức, Tổ chức hành động giúp đỡ Việt Nam (HAV). Kỹ sư Sybille Weber với tình yêu Việt Nam đã trở thành Tổng thư ký của Tổ chức HAV.
HAV đến với Việt Nam từ những tháng năm chống Mỹ đầy gian khó. Những cơn sốt rét rừng đã cướp đi màu hồng trên má của những người con gái, con trai trên con đường mòn Hồ Chí Minh làm bà vô cùng xúc động. Vì vậy, trong chiến tranh chống Mỹ, HAV đã xung phong giúp hầu như toàn bộ nhu cầu về ký ninh cho chiến trường miền Nam.
Liên tục trong suốt hơn 30 năm hoạt động, Tổ chức HAV đã quyên góp giúp cho Việt Nam đến 200 triệu DM làm việc đến vài chục dự án trải khắp các miền Bắc Trung Nam. Từ bệnh viện Nhi Hải Phòng, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Lao Thái Bình, các trung tâm, trường dạy nghề ở Nghệ An, Hà Tây, trường học, trạm y tế ở các tỉnh miền núi, Đại học Bách Khoa… đến các dự án ở Quảng Ninh, Củ Chi…Các dự án giúp đỡ Việt Nam của HAV, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và môi trường có hiệu quả cao. Điển hình là dự án giúp đỡ Khoa Y trường Đại học Huế. Các kiện hàng mà HAV gửi sang giúp Việt Nam đều là hàng viện trợ không hoàn lại, có chất lượng cao, được giám định kỹ càng trước khi gửi đi.
Khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, Sybille Weber mới chỉ 20 tuổi. Cô đã nếm trải và hiểu thế nào là mất mát của một cuộc chiến tranh. Hơn ai hết Sybille Weber hiểu được nỗi đau của chiến tranh và cảm thông sâu sắc với cả một thế hệ thanh niên Việt Nam những năm kháng chiến chống Mỹ. Chính những tình cảm ấy đã dẫn bà đến với những hành động cụ thể, giúp đỡ Việt Nam.
Những ai dù chỉ một lần được tiếp xúc với bà Weber, cũng có thể cảm nhận được sức thuyết phục mạnh mẽ của người phụ nữ này. Bà thuyết phục được lòng người vì sự tận tâm lo lắng của mình đối với Việt Nam, với tấm lòng yêu Việt Nam thiết tha không che dấu. Bà luôn biết được những thông tin cụ thể về Việt Nam và nắm bắt được những khó khăn của Việt Nam để có sự giúp đỡ kịp thời.
Bằng sức thuyết phục của mình, bà đã vận động được rất nhiều trí thức, nhiều nhà tài trợ lớn cho Việt Nam. Năm 1972, bà còn thuyết phục được con gái của Tổng thống CHLB Đức đương thời Heinemann sang thăm Việt Nam. Lúc đó các chính phủ phương Tây còn đứng về phía Mỹ. Việc làm của bà Weber là một bước đột phá tranh thủ được tình cảm đối với Việt Nam từ tận trong gia đình của Nguyên thủ một nước phương Tây. Tấm lòng chân thành và lòng dũng cảm của bà đã thuyết phục được những người Đức khác đứng dậy chống lại chiến tranh.
Biết ơn bà và những người bạn của bà, năm 1980, Chính phủ Việt Nam đã tặng HAV và một số thành viên sáng lập HAV Huân, Huy chương Hữu nghị. Bà đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm trao tặng Huân chương Hữu nghị, đồng thời nhiều lần được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm tiếp.
Trong số các thành viên sáng lập ra HAV ngày ấy, nay chỉ còn bà Weber còn sống. Năm 2003, Liên Hiệp các Tổ chức Hữu nghị cũng đã tặng bà "Huy chương vì sự nghiệp hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc" vì đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đoàn kết giữa nhân dân Đức và nhân dân Việt Nam.
Có một điều không mấy người biết: bà đã dành toàn bộ số tiền thừa kế của chồng (trên 100.000 DM) cho tổ chức HAV. Hơn nữa, khi làm việc cho HAV bà Weber chỉ nhận một số lương tượng trưng rất thấp. Hiện nay, bà chỉ sống bằng số tiền hưu trí ít ỏi của mình.
Sau khi HAV giải thể năm 1996, bà Weber đã chuyển toàn bộ hồ sơ lưu trữ của HAV về nhà mình và lấy nhà ở làm văn phòng giao tiếp. Những công việc với các đối tác Việt Nam đến năm 2002 vẫn thông qua bà và ông Frank Jacobs.
Đấy là câu chuyện về một người phụ nữ đã muốn thay đổi cách nhìn của đất nước mình, của thế giới đối với Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã đến thăm, biếu bà tấm ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh (cỡ lớn) và bà luôn trân trọng đặt tại đầu giường cùng với nhiều cuốn sách viết về Bác Hồ kính yêu.
Bà hiện đã rất yếu, nhưng tình yêu Việt Nam thì chưa bao giờ cạn trong người phụ nữ này. Bà cười khi trả lời mọi người về tình trạng sức khoẻ của mình: "Tôi chưa thể chết được vì ở Việt Nam có rất nhiều việc tôi còn muốn làm...".
-
Như Liên