Đó là một trong những hạn chế cần được rút kinh nghiệm trong công tác điều hành của Chính phủ, vừa được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ông Đoàn Mạnh Giao nêu ra trong cuộc họp báo cuối tuần qua tại Hà Nội. Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, trung bình Thủ tướng và mỗi Phó Thủ tướng phải ký 14 văn bản/ngày, trong đó rất nhiều văn bản mang tính sự vụ. Thủ tướng và mỗi Phó Thủ tướng cũng phải chủ trì hoặc tham dự 1,5 cuộc họp/ngày, chưa kể phải tham gia các kỳ họp của Quốc hội (ít nhất là 60 ngày/năm) và các chuyến công tác ở nước ngoài.
Theo ông Đoàn Mạnh Giao, Chính phủ đang quyết tâm thực hiện mạnh mẽ chủ trương phân công, phân cấp giải quyết công việc, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng cần dành thời gian nhiều hơn cho công tác nghiên cứu, xây dựng và quyết định chính sách vĩ mô. Đồng thời, các thành viên Chính phủ cần dành thời gian nhiều hơn tham gia giải quyết các công việc chung của Chính phủ, quyết định và chịu trách nhiệm về các vấn đề thuộc thẩm quyền trong lĩnh vực mình phụ trách hoặc được ủy quyền.
Các cuộc họp, hội nghị của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm nay, theo ông Giao đã được đổi mới và có nhiều tiến bộ. Các phiên họp đều xử lý hết nội dung theo chương trình nghị sự. Tuy nhiên, ông Giao cho rằng hiện nay còn có Bộ trưởng chưa hoàn thành tốt vai trò và trách nhiệm là một thành viên Chính phủ của mình, thể hiện qua việc chưa tham gia đầy đủ và đóng góp ý kiến trong các phiên họp thường kỳ của Chính phủ.
Hiện nay nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ký ban hành nhưng chưa có hiệu lực thi hành vì không được đăng tải kịp thời trên Công báo. Nguyên nhân là do số văn bản phải đăng nhiều, Công báo đã liên tục tăng kỳ phát hành nhưng vẫn không đăng tải kịp. Văn phòng Chính phủ cho biết, để giải quyết tình trạng này, từ tháng 7 Công báo sẽ ra hàng ngày.
- Kim Trung