Lực lượng cảnh sát giao thông phân luồng giao thông đảm bảo an ninh trật tự
Từ giữa những năm 1990 đến năm 2002, số người chết do TNGT đường bộ ở nước ta luôn ở vào mức cao: Trung bình mỗi năm tăng 194,3%. Con số đó đã thực sự khiến những người có trách nhiệm phải suy nghĩ. Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng, các tỉnh, thành đã có nhiều biện pháp quyết tâm ngăn chặn sự gia tăng, không để TNGT ảnh hưởng tới sự phát triển chung của toàn xã hội. Với sự quyết tâm cao độ, năm 2003 lần đầu tiên sau nhiều năm TNGT đường bộ được kiềm chế và giảm trên cả ba mặt: đã giảm được 7.802 vụ (bằng 28,2%), 1.178 người chết (9,4%) và giảm 11.126 người bị thương (35,2%) so với năm 2002. Đó thực sự là những con số đáng mừng !
Tuy nhiên, bước vào năm 2004, tình hình TNGT lại có những diễn biến hết sức phức tạp. Trong 2 tháng đầu năm (từ 21/12/2003 đến 20/2/2004), trên địa bàn toàn quốc số vụ TNGT đã giảm 1485 vụ, 2383 người bị thương so với cùng kỳ năm 2003. Song số người chết lại tăng 7 người. Điều đó cho thấy tình trạng TNGT nghiêm trọng đang là vấn đề hết sức bức xúc, gây lo ngại cho toàn xã hội (trung bình mỗi vụ TNGT đều khiến 1,7 người bị thiệt mạng). Theo thống kê, trong số 3.433 vụ TNGT xảy ra đầu năm nay đã có 47 vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm chết 133 người, bị thương 136 người, bằng 51,5% số vụ TNGT nghiêm trọng, 49,6% số người chết, 48,9% số người bị thương của cả năm 2003...
Cũng trong 3 tháng đầu năm 2004, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra phát hiện 530.624 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ (tăng 181.513 trường hợp so cùng kỳ 2003) xử phạt đến mức kỷ lục là 59,5 tỷ đồng (tăng 15,3 tỷ đồng) tạm giữ có thời hạn 4.765 giấy phép lái xe, bấm lỗ đánh dấu vi phạm trên giấy phép lái xe 22.571 trường hợp, tạm giữ 2.461 xe ôtô, 71.944 xe môtô và hàng nghìn các phương tiện giao thông khác.
Những con số trên cho thấy tình trạng vi phạm LLGT ngày càng tăng, tỷ lệ thuận với số vụ TNGT, mà một nguyên nhân quan trọng khiến TNGT có những diễn biến phức tạp trên là sau Tết Nguyên đán, hầu hết ở các địa phương trong cả nước đều tổ chức lễ hội, do đó lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến, gây ảnh hưởng lớn đến tình hình TTATGT. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông tuy đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa và làm mới nhưng hầu như vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi đó, nhiều phương tiện vận tải cũ nát vẫn được lưu hành cũng là một nguyên nhân hết sức quan trọng gây nên những vụ TNGT thảm khốc. Một bộ phận người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vẫn còn thiếu ý thức trong việc tuân thủ các quy định về Luật Giao thông đường bộ, vi phạm Luật giao thông và gây tai nạn. Phân tích của ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy 71,77% số vụ TNGT là do lỗi của người tham gia giao thông như: chạy quá tốc độ quy định (21,4%), tránh vượt sai quy định chiếm (15,7%), người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia quá nồng độ cho phép hoặc chất kích thích khác mà pháp luật cấm (4,8%), thiếu chú ý quan sát (15,2%) và đi không đúng phần đường (12,4%)...
Đơn cử như vụ TNGT xảy ra vào đầu tháng 2-2004 tại km 1528 + 200 QL1A thuộc địa phận huyện Tuy Phong, Bình Thuận, xe ôtô tải BKS: 66S-0610 chạy hướng Phan Thiết - Phan Rang do Nguyễn Văn Tuấn (SN 1963) trú tại khu phố 5, P. Đống Đa, TP Quy Nhơn, Bình Định điều khiển đã đâm vào xe ôtô khách 15 chỗ ngồi BKS 85N-0469 do Nguyễn Hoàng Tuấn (SN 1974) trú tại thị xã Phan Rang, Ninh Thuận điều khiển chạy ngược chiều. Hậu quả là 11 người chết và 9 người khác bị thương, 2 xe ôtô hỏng nặng. Nguyên nhân là do lái xe tải ép đường, chạy lấn phần đường của xe khách.
Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay cũng đã xảy ra hàng loạt những vụ TNGT nghiêm trọng. Đặc biệt trong tháng 3 vừa qua, mặc dù thực hiện nghiêm túc Nghị định 13/CP của Chính phủ, mệnh lệnh 04 và thông báo 09 của Giám đốc CATP, các lực lượng CATP đã tích cực phát hiện và xử phạt gần 50 ngàn trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ (tăng trên 3 ngàn trường hợp), phạt gần 2 tỷ đồng (tăng 29 triệu đồng so với tháng 2) nhưng TNGT vẫn tăng 25 vụ, số người chết cũng tăng 11 người. Như vậy ngay trên địa bàn thành phố, trung bình mỗi ngày cũng có 1,4 người chết và 3,6 người bị thương vì TNGT. Đặc biệt là với 120 vụ TNGT xảy ra trong tháng 3 thì có tới 38 vụ nghiêm trọng. Điển hình như ngày 7-3, trên đường Phạm Ngọc Thạch, xe ôtô do anh Phạm Đình Đức đã lao thẳng vào những người đi ngược chiều làm 2 người chết và 5 người khác bị thương. Tiếp đó ngày 21-3 tại km 29 + 500 Quốc lộ 3, xe môtô BKS 29M5-1257 chở 4 người đã va chạm với xe ôtô BKS 99K-2041 làm 2 người chết, 2 người khác bị thương...
Với hàng loạt những vụ TNGT nghiêm trọng vấn đề được đặt ra là: phải chăng ở mỗi gói thầu giao thông đã bị cắt xén quá nhiều khiến hầu hết các tuyến đường không đảm bảo ATGT. Việc cấp giấy phép lái xe ôtô trong thời gian qua cũng còn quá lỏng lẻo ? Nhất là hiện nay, phương tiện giao thông ôtô đang tăng ở tốc độ nhanh, nhu cầu học lái thi lấy bằng ở mức độ cao. Rồi các phương tiện cũ nát vẫn lưu hành cũng đang đe dọa sự an toàn của xã hội. Hàng loạt vấn đề đó đòi hỏi các cơ quan chức năng sớm xem xét, chấn chỉnh, đảm bảo an toàn cho những người tham gia giao thông.
Để góp phần hạn chế được TNGT, trách nhiệm không chỉ ở các cơ quan chức năng mà ở chính bản thân những người tham gia giao thông. Một khi ý thức tuân thủ các quy định về ATGT đường bộ của người tham gia giao thông chưa tốt thì dù các lực lượng chức năng có hoạt động mạnh mẽ đến mấy TNGT vẫn cứ xảy ra. Chỉ khi nào người tham gia giao thông tự ý thức được những mất mát khi TNGT xảy ra và tự chấp hành nghiêm chỉnh những quy định về TTATGT thì TNGT mới thực sự được kiềm chế một cách bền vững.
HNM
VietBao.vn