 |
Nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp - Nguyễn Đình Lộc |
TTCN - 1.000 trang kiến nghị của cử tri lần đầu tiên được công bố tại kỳ họp Quốc hội (QH) lần này đã tập trung vào một điều: tham nhũng và đấu tranh chống “quốc nạn” này.
Trao đổi với TTCN, đại biểu QH Nguyễn Đình Lộc - nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp - ghi nhận: “Là đại biểu bốn khóa QH với hàng chục lần tiếp xúc cử tri, dù ở đâu và lúc nào tôi cũng nghe dân phản ảnh về nạn tham nhũng. Càng về sau mức độ bức xúc của cử tri, nhất là các vị lão thành cách mạng, trước nạn tham nhũng càng tăng. Điều đó cũng dễ hiểu. Kinh tế càng phát triển, tham nhũng càng dễ sinh sôi. Và sự quan tâm của người dân đối với thái độ phục vụ của người cầm quyền ngày càng sâu sắc”.
* “Càng về sau mức độ bức xúc càng tăng”, có nghĩa là tình hình tham nhũng ngày càng tăng và bất trị?
- Tôi chưa đủ điều kiện để khẳng định tình hình tham nhũng hiện trầm trọng như thế nào, chỉ biết một điều là người dân cho rằng chúng ta nói nhiều đến nguy cơ của “quốc nạn” tham nhũng, nhưng chưa làm gì nhiều để chống “quốc nạn” đó. Chính điều ấy tạo ra bức xúc.
Có một cử tri lão thành bảo tôi: “Mỗi ngày giở xem năm, sáu tờ báo, càng đọc càng thấy nóng ruột vì hết vụ tham nhũng này lại đến vụ tham nhũng kia bị phanh phui”. Người dân đang chờ đợi một thái độ rõ ràng, mạnh mẽ, quyết liệt hơn của nhà cầm quyền trong cuộc chiến chông tham nhũng chứ không phải như hiện nay.
* Ông đã nói trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp QH rằng công tác chống tham nhũng ở ta không bằng các nước xung quanh?
- Tôi nói ý đó vì nhìn sang Trung Quốc chẳng hạn, thấy họ chống tham nhũng rất quyết liệt với thái độ sòng phẳng. Ta chưa được như thế.
Ở Malaysia cũng vậy. Ngay từ những năm 1990, nước này đã có cơ chế chống tham nhũng rất rõ ràng, có một bộ máy chuyên trách (chống tham nhũng) với thẩm quyền rộng rãi. Dưới thời ông Mahathir (cựu thủ tướng Malaysia), công tác chống tham nhũng rất hiệu quả. Đến thời ông Badawi, một trong những điều mà người dân khen ngợi chính là thái độ quyết liệt của ông trong cuộc chiến chống tham nhũng.
* “Quyền lực và sở hữu gắn bó chặt chẽ với nhau: một mặt quyền lực mang lại sở hữu, mặt khác sở hữu tạo điều kiện để có quyền lực. Nạn tham nhũng sẽ không thể nào thanh toán được nếu không có một cơ chế vận hành luật pháp để có thể kiểm soát các mối liên hệ trên bằng luật pháp”. Ông có chia sẻ ý kiến này của một giáo sư?
- Chúng ta phải thấy rằng tham nhũng là mặt trái của quyền lực. Quyền lực đem lại cho một người khả năng chi phối người khác và khả năng... tham nhũng. Cho nên cuộc đấu tranh chống tham nhũng không bao giờ được ngưng nghỉ bởi tham nhũng luôn có mặt và chờ sơ hở để hoành hành.
Tất nhiên, đừng nghĩ rằng mình cứ chống thật mạnh thì tham nhũng sẽ hết. Tôi đã nhiều lần báo cáo với cử tri: tham nhũng chỉ có thể giảm chứ không bao giờ hết. Khi tà thắng không phải là không có chính và khi chính thắng không có nghĩa là hết tà. Nhưng nếu chính thắng tà, xã hội sẽ có một “không khí” thay đổi hoàn toàn.
* Những vụ việc gần đây ở ngành dầu khí, ngành bưu chính viễn thông đã âm ỉ lâu ngày mới bị “bục” ra. Phải chăng một số ngành trọng điểm của quốc gia vẫn được xem là những “vùng cấm” trong công tác phát hiện, xử lý tiêu cực, tham nhũng?
- Đúng là có những lĩnh vực bưng bít thông tin, do tính đặc thù của nó hoặc vì lý do này lý do khác, người ngoài không “xen” vào được.
* Một đại biểu từng lên tiếng trước diễn đàn QH rằng: Nhà nước chúng ta đánh tham nhũng mới chỉ từ cổ, từ vai trở xuống?
- Lại phải nhìn sang Trung Quốc, phó chủ tịch QH, bí thư thành ủy cũng phải nhận mức hình phạt cao nhất. Đụng thế là mạnh lắm đấy chứ. Dư luận vẫn công nhận rằng Trung Quốc chống tham nhũng không khoan nhượng.
* Cử tri đã thiết tha đề nghị: nâng cấp pháp lệnh chống tham nhũng lên thành luật ngay trong năm 2005; và thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng!
- Tất nhiên có luật vẫn tốt hơn pháp lệnh và nếu có cơ quan chuyên trách chống tham nhũng thì càng tốt. Một số nước trong khu vực đã lập cơ quan chuyên trách như vậy và nó giúp họ có thể tập trung đánh mạnh vào nạn tham nhũng.
* VN cũng đã từng nghiên cứu mô hình ấy?
- Lúc còn là bộ trưởng Bộ Tư pháp, tôi được Chính phủ giao (cùng với một số cơ quan khác) xây dựng đề án chống tham nhũng. Nhưng có một chuyện: hiến pháp của ta đã qui định rõ những cơ quan bảo vệ pháp luật gồm kiểm sát, tòa án, công an. Những đạo luật liên quan đã giao thẩm quyền, nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan này. Do đó không thể đẻ thêm một cơ quan có chức năng truy tố, xét xử.
Ở các nước, cơ quan công tố thuộc chính phủ, còn ở ta nó thuộc viện kiểm sát. Nếu thành lập cơ quan chống tham nhũng thuộc Thủ tướng với những quyền hạn tố tụng rộng lớn thì không phù hợp hiến pháp.
 |
Hâm chui câu Văn Thánh 2 trên đường Nguyên Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM vừa được khôi phục sau nhiêu sự cô lún sụt. Đây là công trình bị dư luận đặt nhiêu nghi vân vê thât thoát và tham nhũng |
* Vậy tại sao không đặt cơ quan này ở viện kiểm sát?
- Cũng có nghĩ thế, như cách làm ở Trung Quốc. Nhưng ở ta lại vẫn thấy chưa phù hợp.
* Chưa hợp chỗ nào, thưa ông?
- Quyền hạn của viện kiểm sát cũng đã được qui định trong hiến pháp và trong luật. Muốn chuyên trách cái này thì phải có luật riêng nữa.
* Nếu quyết tâm thì vẫn có thể sửa luật hoặc ban hành luật mới. Trung Quốc vẫn làm được đấy thôi?
- Mỗi nước có cách làm riêng. Ở ta đã đến lúc làm chưa cũng chưa rõ.
* Nhưng theo quan điểm của ông, đã đến lúc VN làm chưa?
- Để xử lý một vấn đề nào đó dù nhỏ hay lớn đều phải có điều kiện thích hợp mới đảm bảo mục tiêu đặt ra. Trong đấu tranh chống tham nhũng, nếu có một cơ chế đàng hoàng thì tốt. Thế nhưng vấn đề là chúng ta đã khai thác hết khả năng của các cơ quan hiện có hay chưa. Với cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án như hiện nay tôi nghĩ nếu làm quyết liệt vẫn có hiệu quả, nhưng chúng ta làm chưa đến nơi.
* Bên cạnh đó, có một chuyện cứ nói mãi là các cơ quan nhà nước gần như không bao giờ phát hiện được tham nhũng trong đơn vị mình?
- Điều đó dễ hiểu thôi. Dù ở vị trí nào, làm công việc gì anh cũng vẫn tồn tại một tâm lý: không muốn tự giám sát mình và ngại đụng chạm. Nhất là đối với người có quyền, tâm lý đó càng rõ. Cho nên cần phải có cơ chế “từ ngoài”, chứ không thể trông chờ vào cơ chế “từ trong”.
* Chính phủ đang chuẩn bị ban hành nghị định về việc xử lý trách nhiệm liên đới của người đứng đầu tổ chức, cơ quan đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ dưới quyền khi thi hành công vụ. Theo ông, chế định này liệu có khắc phục được trạng thái tâm lý vừa nêu?
- Thủ tướng đã nói: bây giờ ông bộ trưởng muốn cách chức ông vụ trưởng, cục trưởng không phải dễ bởi bị nhiều cơ chế “giằng” lại như cấp ủy, công đoàn hoặc sự can thiệp của cấp trên. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu cũng phải có những điều kiện đi theo...
* Điều kiện đi theo đó có phải như lời Thủ tướng: “gắn kết nắm việc với nắm người và nắm tiền”, thưa ông?
- Đấy đấy. Ngay cả bây giờ ông thủ trưởng muốn tăng lương cho một người làm tốt cũng không đơn giản. Thế là anh làm tốt hay xấu cũng cứ đến hẹn ba năm lại lên (lương). Ngược lại, nếu muốn thi hành kỷ luật thì giỏi lắm cũng chỉ cảnh cáo, còn cách chức thì phải trải qua một qui trình khá rắc rối.
Tôi tin tưởng: nếu quyết tâm, chúng ta sẽ chông tham nhũng hiệu quả để tạo bước chuyển biến mới. Thường ở ta khi tình hình đã đến mức nguy kịch, thái độ của dư luận xã hội bắt đầu “nóng máy” thì người có trách nhiệm mới kiên quyết, đồng lòng, mới đi đến thành công.
ĐÀ TRANG thực hiện