Sáng nay 10-6, Quốc hội (QH) tiếp tục buổi chất vấn thứ hai với các câu hỏi của các đại biểu QH dành cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đào Đình Bình. Các vấn đề về nguyên nhân gây tai nạn giao thông (TNGT), trách nhiệm của Bộ trưởng Đào Đình Bình đến đâu? Hiệu quả đầu tư xây dựng trong các công trình giao thông đường bộ ra sao?... được nhiều đại biểu chất vấn sáng nay.
Giải trình của Bộ trưởng Đào Đình Bình cho biết: Bộ GTVT đã nhận được 15 ý kiến chất vấn của các đại biểu, tập trung vào hai nhóm vấn đề lớn là đảm bảo trật tự an toàn giao thông và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng GTVT. Bộ chủ quản đã có văn bản trả lời trực tiếp tới các đại biểu và sẽ trả lời thêm ngay tại diễn đàn QH.
Mở đầu phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Trần Văn Kiệt (tỉnh Vĩnh Long) đề nghị Bộ trưởng GTVT làm rõ thêm 3 vấn đề: Chất lượng đào tạo cấp bằng lái cho người điều khiển mô tô, gắn máy ra sao, trong khi số vụ tai nạn giao thông không hề giảm? Hai là vấn đề cầu bắc qua sông Hậu (Cần Thơ) đang bị thi công kéo dài, đất bỏ hoang quá lâu, ai chịu trách nhiệm? Ba là đoạn QL 54 qua tỉnh Vĩnh Long hiện có nhiều cầu hỏng không ai sửa?
Về ba câu hỏi này, ông Bình trả lời như sau: hiện văn bản quy định đào tạo sát hạch người lái xe mô tô đã được thông qua và ban hành rộng rãi, các trường đào tạo được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chủ quản, vì thế tỷ lệ người lái xe có bằng càng nhiều lên. Ông cũng thừa nhận chất lượng đào tạo tại đây còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh qua một số vụ án đã được khởi tố. Khi xảy ra tai nạn, do người lái không được đào tạo hoặc đào tạo kém thì Bộ chủ quản đều yêu cầu kiểm tra và có biện pháp xử lý. Về vấn đề cầu qua sông Hậu đã được giải phóng mặt bằng rất tốt, được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình, tuy nhiên do đối tác Nhật còn phải trải qua nhiều quy trình (như đấu thầu) nên việc thi công bị chậm trễ. Vê câu hỏi thứ 3, trước đây do nguồn lực bị hạn chế nên nhiều cầu chưa được sửa, mặc dù các cây cầu này không phải đã mất an toàn, tải trọng thấp. Hiện do chưa có nguồn kinh phí nên chưa làm mới được ông cũng "kính trình QH xem xét" về vấn đề thiếu kinh phí này (!).
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Nguyệt Hân, Tỉnh Cà Mau, Bộ trưởng Đào Đình Bình đã thừa nhận rằng, ngoài những nguyên nhân đã được nêu trong bản báo cáo giải trình, bản thân Bộ trưởng cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Tuy nhiên, nếu ý thức của người tham gia giao thông càng kém thì số vụ TNGT càng tăng và như vậy Bộ trưởng lại sẽ càng có lỗi… Giải đáp cho thắc mắc của đại biểu Nguyễn Minh Hà (Nam Định) trong việc chưa tin tưởng số liệu của bản báo cáo giải trình về ATGT, Bộ trưởng Đào Đình Bình khẳng định đây là số liệu quốc gia đã được thống kê bài bản từ cơ sở lên, được lực lượng SCGT thực hiện theo đúng quy định của Pháp luật nên hoàn toàn tin tưởng được.
Thống nhất với phát biểu của ông Mạc Kim Tôn (Thái Bình) Bộ trưởng Đào Đình Bình đã đánh giá cao vai trò của lực lượng CSGT trong việc giữ gìn TTATGT, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông hiện nay. Riêng về sự chồng chéo của các trạm thu phí cầu đường, Bộ trưởng cho rằng hiện đang tồn tại 2 hệ thống thu phí cầu đường: Hệ thống Quốc gia và hệ thống của các nhà đầu tư xây dựng thu phí. Trong thời gian tới Nhà nước sẽ tìm cách điều phối hài hoà giữa 2 hệ thống nay, tránh gây thiệt hại cho các phương tiện tham gia giao thông.
Đại biểu Phan Anh Minh (TP HCM) lại quan tâm đến vấn đề vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các công trình giao thông đường bộ (GTĐB) có hiệu quả hay không? Bên cạnh đó, ông cũng quan tâm đến việc đưa các công trình giao thông vào sử dụng không đồng bộ (cầu không đồng bộ với đường, vừa thi công vừa thông xe...), do đó làm gia tăng tai nạn? Vấn đề xe tải đi vào đường cấm, phải chạy vào ban đêm do hệ thống đường sắt còn nhiều bất cập phải chăng cũng là nguyên nhân góp thêm tai nạn giao thông? Về nguyên nhân gây tai nạn giao thông (như báo cáo của Bộ trưởng GTVT) chưa gắn với trách nhiệm của chính Bộ trưởng cũng được một đại biểu nêu lên sau đó...
Về vấn đề vốn đầu tư xây dựng, ông Bình cho biết: hầu như cho đến nay, các dự án cải tạo các tuyến lộ cũ là chính, không xây mới nên hiệu quả đầu tư chưa được mong muốn như ý kiến của các đại biểu QH. Về nguyên nhân gây tai nạn GTĐB, từ năm 1996, chúng ta mới có điều kiện phát triển mạnh mạng lưới giao thông này. Tuy nhiên, đúng như ý kiến đại biểu QH nêu ra, mạng lưới này vẫn chưa đồng bộ do năng lực của chúng ta còn nhiều hạn chế. Về hạn chế của một số tuyến đường sắt, theo ông Bình là do "những quyết định mang tính lịch sử, trong một thời điểm lịch sử", nhưng tình hình đang ít nhiều có những cải thiện. Về nguyên nhân gây TNGT, ông Bình cũng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về mình, mặc dù bên cạnh đó còn có "trách nhiệm công dân" của người tham gia giao thông, nếu không "Bộ trưởng GTVT sẽ luôn phải chịu trách nhiệm trước QH" về các tai nạn này nếu vẫn xảy ra.
Tiếp sau phần chất vấn của ông Đào Đình Bình là phần báo cáo giải trình chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Mai Ái Trực. Có 6 đại biểu chất vấn về các vấn đề chung và 2 đại biểu chất vấn về các vấn đề cụ thể. Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có 5 đại biểu chất vấn về vấn đề này. Đại biểu Phan Trung Lý cho rằng, những năm qua, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được tiến hành rất chậm, vì sao? Trong đó trách nhiệm của Bộ chủ quản đến đâu? Biện pháp khắc phục đến đâu?
Đại biểu Đỗ Tiến Dũng (tỉnh Quảng Ngãi) hỏi: Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp cho nhân dân làm quá chậm, ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh của các hộ nông dân và người trồng rừng. Ai chịu trách nhiệm chính? Bộ trưởng có giải pháp gì để sớm chấn chỉnh vấn đề này và bao giờ thực hiện xong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân?
Đại biểu Nguyễn Xuân Thiết (tỉnh Vĩnh Phúc) hỏi: Việc chậm trễ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người được giao đất đã và đang gây tâm lý không yên tâm cho người được giao và sử dụng đất, đặc biệt là tạo kẽ hở lớn cho việc đầu cơ buôn bán làm giàu bất chính từ đất, trong đó có cán bộ nhà nước làm cho dân bất bình. Đề nghị Bộ trưởng cho biết tại sao lại có sự chậm chễ kéo dài như vậy, khó khăn vướng mắc ở đâu, khâu nào, trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu? Đến bao giờ thì hoàn thành một thủ tục đơn giản cần thiết này cho dân?
Đại biểu Lương Phan Cừ (tỉnh Đăk Nông) bức xúc trước việc cấp sổ đỏ vẫn còn chậm, nạn nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ địa chính, cán bộ có liên quan đến việc cấp sổ đỏ được cử tri phản ánh, kêu ca, phàn nàn. Là cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về đất đai, đề nghị Bộ trưởng cho biết tại sao có sự trì trệ này, trách nhiệm của Bộ đến đâu, bao giờ có thể cấp xong sổ đỏ cho người sử dụng đất?
Về giá đất tại đô thị, Đại biểu Phạm Ngọc Thiện (tỉnh Bạc Liêu) hỏi: "Giá đất ở đô thị hiện nay vẫn rất cao, có người nói đó là giá thật của thị trường, lại có người nói đó là giá ảo. Vậy ý kiến của Bộ trưởng thế nào? Bộ TN &MT đã và sẽ có những biện pháp gì để hạn chế tình hình đầu cơ đất đai và liệu có hạ giá đất chuyển nhượng trên thị trường ở các đô thị xuống được không?
Các vấn đề này đang và sẽ được Bộ trưởng Mai Ái Trực trả lời bằng văn bản hoặc trực tiếp tại Hội trường. HNM ĐT sẽ tiếp tục cập nhật trong các bản tin tiếp theo.
Hồng Hải - Trọng Quang
VietBao.vn