Ngay sau khi T.S Vũ Ngọc Kỳ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, nhận trách nhiệm Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, PV TS đã có cuộc trao đổi với ông về vai trò của Hội xung quanh những vấn đề nóng hiện nay, như thực hiện liên kết bốn nhà, chuyển giao KHKT, đất sản xuất.
 |
T.S Vũ Ngọc Kỳ |
Từ thực tiễn hoạt động của Hà Giang, ông có thể cho biết, thời gian tới, Hội Nông dân sẽ hướng hội viên tham gia thực hiện chủ trương liên kết bốn nhà như thế nào?
Nói đến chủ trương liên kết bốn nhà thì vai trò quyết định nhất thuộc về nhà nông. Đất đai đã giao cho anh, tiền vốn thì anh vay, bây giờ anh phải tự quyết định sản xuất của mình. Song, muốn để nông dân làm được, phải có vai trò của Nhà nước, đó là cho vay vốn, hỗ trợ người nghèo; tạo môi trường để tiêu thụ sản phẩm; hay có chính sách xã hội, chính sách bảo hiểm... DN thì chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Cuối cùng là gắn kết với các nhà khoa học.
Chúng ta hiện không làm theo phong trào, mà phải có tính chất khoa học, đưa hàm lượng khoa học vào sản phẩm. Sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt thì mới hạ được giá thành, tạo sức cạnh tranh tốt.
Thưa ông, vai trò cụ thể của Hội Nông dân trong việc giúp nông dân tham gia chủ trương liên kết bốn nhà như thế nào?
Để liên kết bốn nhà tốt, tổ chức Hội phải đứng ra thực hiện. Nếu nông dân tự làm thì họ phải có trình độ cao, phải khá giỏi, chứ nông dân trình độ trung bình, vùng sâu vùng xa thì khó. Do đó, từng cấp Hội Nông dân tại tỉnh, huyện, xã phải là nòng cốt giúp dân.
Ông có thể nói rõ hơn về chủ trương của Hội trong chuyển giao KHKT tới nông dân?
Tôi nghĩ bây giờ rất cần làm mạnh việc này. Mặc dù thông tin KHKT đã được chuyển giao qua các phương tiện truyền thông, qua đội ngũ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, nhưng phải có thêm sách, phải có mô hình trình diễn cho nông dân. Nông dân rất ham học hỏi và sẵn sàng bỏ vốn ra để làm cái mới. Hội Nông dân phải phối hợp với các viện nghiên cứu để làm cầu nối chuyển giao khoa học đến nông dân.
Ông có nói là trong chủ trương liên kết 4 nhà, Hội Nông dân đóng vai trò nòng cốt. Song, trên thực tế, chất lượng của đội ngũ cán bộ Hội chưa đáp ứng được. Trên cương vị mới, ông sẽ khắc phục tình trạng đó như thế nào?
Theo tôi cần nhìn nhận Hội Nông dân có vị trí quan trọng như thế nào đối với nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, không phải tất cả các cấp ủy đảng và mọi người đã thấy được điều đó. Có ý kiến cho rằng, Hội Nông dân chỉ làm được việc tuyên truyền, gom lại, tức là cho rằng Hội không có hoạt động gì mạnh mẽ cả. Do vậy, tôi cho rằng, cần phải nâng cao vị thế của Hội. Việc này thì bản thân Hội phải làm, bản thân Hội phải quyết định vị thế của mình.
Vấn đề thứ hai, muốn có vị thế thì anh phải có đội ngũ cán bộ tốt, gần dân, sát dân và có trình độ. Cán bộ Hội Nông dân hiện nay, nhất là ở cơ sở, nói chung còn thấp, thường là những anh còn yếu thì sang làm Hội. Lâu nay, có cơ sở nào đào tạo cán bộ để làm cho Hội Nông dân? Trên này không có trường, địa phương không có trường, tôi thì học mót kinh nghiệm, biết đến đâu làm thế đấy. Ngay lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh nhiều khi cũng không biết đến chủ trương này, rồi cách thực hiện thế nào. Có lẽ, "liên kết bốn nhà" thành câu châm ngôn, câu cửa miệng của một số người nhưng thực chất họ lại chẳng hiểu gì.
Ngành nông nghiệp đang có phong trào tạo giá trị thu nhập cao trên một hecta đất, nhưng để thực hiện chủ trương này phải dồn điền đổi thửa. Cùng với tốc độ đô thị hóa, đất sản xuất cũng đang bị thu hẹp dần. Hội Nông dân sẽ làm gì để giúp nông dân có đất sản xuất và có việc làm?
Đây là một câu hỏi khó, phải nhiều ngành, nhiều cấp kết hợp mới làm được. Một là, người nông dân cần có đất để sản xuất, nhưng hiện nay, bình quân đất trên đầu người ở các vùng, miền nói chung là thấp. Mà đã là sản xuất nông nghiệp, giá trị thu được cũng thường thấp. Tại các vùng đồng bằng ít đất, phần lớn hộ nông dân có người đi làm xa, làm thợ mộc, thợ nề, buôn bán... Hai là, phát triển đô thị thì mất đất và thứ ba là có đất nhưng không biết cách làm ăn. Phải giải quyết cho cả ba đối tượng này.
Bây giờ, thực hiện dồn điền đổi thửa, tôi thấy cũng không được là bao, ví như dồn 10 hộ, nhưng mỗi hộ một mẫu thì cũng chẳng nhiều hơn là mấy. Theo tôi, quan trọng nhất là phải chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Có cây truyền thống, như lúa chỉ đạt 2 triệu đồng/tấn/ha, nếu làm 20ha cũng chỉ được 20 triệu đồng song cực kỳ vất vả. Nếu chuyển sang trồng rau, trồng cây ăn quả có thị trường, trồng hoa xuất khẩu... thì đạt tới vài trăm triệu đồng/ha, chẳng hạn như trồng hoa ở Tây Tựu, Từ Liêm (Hà Nội).
Để chuyển dịch cơ cấu trong từng ngành sản xuất cũng như cây trồng, vật nuôi, Nhà nước và cấp Hội cần đứng ra bảo lãnh về tiêu thụ cho bà con. Giờ chúng ta còn quanh quẩn với cây lúa, cây ngô, thì an ninh lương thực phải đảm bảo. Tôi nghĩ, giàu có trên miếng đất nhỏ như thế, mà mình không chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi là rất khó.
|