Đại sứ Delfin Colome, Giám đốc Điều hành Quỹ Á - Âu (ASEF), cơ quan thường trực duy nhất của ASEM đã nhận định như vậy về sự kiện Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM5), một Hội nghị quy tụ nguyên thủ quốc gia của Châu Âu và Châu Á, lần đầu tiên sẽ được đăng cai tổ chức tại Hà Nội.
ASEM5 sẽ ưu tiên cho các vấn đề kinh tế
Chủ đề của ASEM5 là hướng tới quan hệ thực chất và sống động hơn giữa châu Âu và Châu Á. Ông có thể cho biết cụ thể chương trình nghị sự của Hội nghị lần này?
- Chương trình ASEM được khởi động đầu tiên vào năm 1996 và sau đó thì Quỹ Á - Âu được thành lập vào năm 1997, trở thành động cơ thúc đẩy toàn bộ tiến trình ASEM. Từ thời gian đó đến năm 2004 cũng là một khoảng thời gian đáng kể. Có rất nhiều sự thay đổi diễn ra. Ví dụ năm 1997, khủng hoảng kinh tế khu vực bùng nổ. Rồi sự kiện 11/9. Và chủ nghĩa cực đoan ngày càng lan rộng. Bên cạnh đó, còn có sự phát triển mạnh mẽ của một số nền kinh tế cải cách như Trung Quốc, Việt Nam.
Mặt khác, có thể Hội nghị Thượng đỉnh ASEM5 tại Hà Nội sẽ diễn ra lễ kết nạp các thành viên mới của Châu Âu cũng như Châu Á. Tất cả những vấn đề này đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi chúng ta phải tìm câu trả lời. Đây là nhiệm vụ to lớn đặt lên vai các nhà lãnh đạo.
Ông đánh giá như thế nào về tiến trình đối thoại ASEM sau 8 năm?
- Nhận xét của tôi là tiến trình này đã phát triển rất tích cực. Bởi lẽ chúng ta đã vượt qua những mối quan hệ song phương truyền thống và đang dần hội nhập vào các mối quan hệ rộng mở hơn. Việc tạo thuận lợi để thúc đẩy đối thoại khu vực vì thế có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu bạn theo dõi những xu hướng trong quan hệ quốc tế thì có thể thấy chủ nghĩa đa phương đã phát triển mạnh từ sau Chiến tranh Thế giới 2. Về lĩnh vực kinh tế, chúng ta có Diễn đàn Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương. Còn ASEM5 với các cuộc đối thoại của mình đã tạo ra mối liên hệ và trao đổi rất hiệu quả giữa các đối tác. Và phía Châu Âu chúng tôi đã dự kiến học tập mô hình đối thoại Á - Âu này để xây dựng cơ chế đối thoại giữa Bắc và Nam Địa Trung Hải.
Vậy trong quá trình hợp tác này, ông thấy khía cạnh nào cần được thúc đẩy hơn nữa?
- Theo tôi, lĩnh vực cần được đẩy mạnh hơn nữa là kinh tế. Với tư cách là cơ quan thường trực của ASEM, Quỹ Á - Âu đã liên tục hoạt động để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai châu lục, chẳng hạn như tổ chức Diễn Đàn Doanh nghiệp Á - Âu và Diễn đàn Doanh nghiệp trẻ Á - Âu hàng năm. Nhưng thành thật mà nói, những diễn đàn này chưa thực sự thành công. Tại sao lại như vậy? Như tôi từng nói, những năm 95,96, Châu Á có cuộc bùng nổ ngoạn mục về kinh tế với những "con hổ Thái Bình Dương" như Singapore, Đài Loan, Malaysia...Trong khi đó, Trung Quốc và Việt Nam cũng bắt đầu mở cửa thị trường. Tất cả những yếu tố này đã kích thích mạnh mẽ sự tò mò từ các nhà đầu tư Châu Âu. Họ bắt đầu nhìn về Đông Á như một địa chỉ đầy tiềm năng, một khu vực kinh tế tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ 97 đã làm cho tình hình xấu đi và bất ổn ở một số nước.
Hiện nay, tôi cho rằng tình hình đã trở nên sáng sủa hơn. Và đã đến lúc các nhà lãnh đạo phải có những bước đi nghiêm túc để tạo điều kiện phát triển cho khu vực kinh doanh. Ở Châu Âu, người ta quan tâm rất nhiều đến Trung Quốc đến mức mà dường như có cảm tưởng rằng các nhà đầu tư Châu Âu chỉ đổ tiền của vào Trung Quốc. Nếu là một doanh nhân, tôi sẽ không bao giờ bỏ tiền vào chung một "giỏ" mà sẽ đầu tư ở nơi này, nơi kia nhằm hạn chế rủi ro. Chính vì vậy, nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo là làm sao thuyết phục giới doanh nghiệp rằng Châu Á còn có các thị trường tiềm năng khác và tình hình ở đây đã trở nên ổn định hơn nhiều.
Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu tổ chức tại Hà Nội lần này sẽ là một cơ hội rất thú vị để tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai châu lục bởi nó có sự tham gia đông đảo của giới doanh nghiệp các nước Châu Âu, Á và các nhà lãnh đạo. Tại Diễn đàn, các doanh nhân sẽ xác định các vấn đề vướng mắc khi làm ăn với các nước Đông Á. Có thể đó là việc có quá nhiều thủ tục, quy định rườm rà, nạn quan liêu nặng nề hoặc có thể là họ cần một hành lang pháp lý tốt hơn để tiến hành các hoạt động kinh doanh. Tất cả những vấn đề này sẽ được chuyển đến giới lãnh đạo để họ bàn thảo biện pháp cải thiện tình hình. Rõ ràng điều này rất hữu ích bởi các doanh nghiệp có thể kết nối nhanh chóng với tầng lớp lãnh đạo, có thể "gửi danh sách" cho họ, chỉ rõ đâu là những vấn đề trở ngại cần giải quyết.
Như vậy tức là kinh tế sẽ trở thành một trong những chương trình nghị sự chính của ASEM5?
- Các vấn đề kinh tế sẽ có vị trí quan trọng. Bởi nếu kinh tế tiến triển, hầu hết mọi thứ đều trôi chảy. Tôi nghĩ rằng, một trong những ưu tiên hiện nay là làm sao khôi phục những điều kiện thuận lợi cho hợp tác làm ăn giữa hai châu lục, chứ không chỉ là giữa Châu Âu và Trung Quốc. Đã đến lúc phải thuyết phục các doanh nhân rằng còn có các cơ hội kinh doanh khác ở Việt Nam, Philipinnes... Thực ra mà nói, giới doanh nghiệp cần ASEM là vì quan hệ với Đông Nam Á, còn quan hệ kinh tế với Nhật Bản, Hàn Quốc đã rất phát triển, với những liên doanh lớn giữa hai bên (như Samsung, Hyundai,...)
- Như ông đã nói, đối thoại có vai trò rất quan trọng giúp giảm bớt sự khác biệt giữa các bên và xây dựng, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Và thực tế là Châu Âu và Châu Á có những bản sắc văn hoá riêng, quan điểm và giá trị riêng. Cho đến giờ, ông nhận xét như thế nào về hiệu quả của đối thoại trong việc "bắc cầu" làm giảm khác biệt những khác biệt trên?
- Trước hết, tôi cho rằng khác biệt không phải là xấu. Vấn đề là chúng ta thừa nhận và hiểu những khác biệt ấy. Đối với những khác biệt về giá trị văn hoá, điều quan trọng là phải tìm hiểu vì sao chúng ta lại khác nhau và giải pháp chung nào cho sự khác biệt này, và nhất là làm sao đạt được sự tôn trọng đối với những khác biệt đó.
Khác nhau là có nhưng không được để sự khác biệt đó chia rẽ hai bên. Thậm chí ngay giữa những sự khác nhau đó, chúng ta vẫn có thể tìm thấy rất nhiều quan điểm và giá trị chung. Hơn nữa, nếu Châu Âu không chia sẻ một số giá trị Châu Á, chúng tôi không thể hiểu được rằng những giá trị đó có ích cho Châu Á và có thể hữu ích cho cả Châu Âu nữa.
Khi chúng ta ngồi lại với nhau, đó là cơ hội để thảo luận một cách thẳng thắn và cởi mở. Chẳng hạn như trong vấn đề tự do thương mại, có người ủng hộ, người chống nhưng không phải chúng ta cứ ngồi đó bàn đi bàn lại mà kết cục là để tìm ra giải pháp tốt nhất, có lợi nhất trong tình thế đó.
Ngay cả bây giờ, khi một số nước có những quan điểm khác trong vấn đề gia nhập ASEM đối với Myanmar thì điều này cũng không có nghĩa là ASEM5 sẽ bị trì hoãn. "Vướng mắc" và bất đồng là khó tránh khỏi, bởi biết đâu tại Hội nghị ASEM6, hai bên lại có tranh cãi xung quanh trợ cấp nông nghiệp chẳng hạn. Tôi có thể khẳng định, ASEM5 sẽ diễn ra và cá nhân tôi thích một "hội nghị khó khăn" hơn là không gặp gỡ, không thảo luận.
ASEM5: Cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh một Việt Nam phát triển "ấn tượng"
- Theo ông, Hội nghị Thượng đỉnh Á- Âu (ASEM5) diễn ra vào tháng 10 tại Hà Nội có tầm quan trọng như thế nào?
- Sự kiện này chắc chắn là rất quan trọng vì nó diễn ra đúng vào lúc đang có nhiều cơ hội mở ra cho Việt Nam cũng như phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay của Việt Nam. Hội nghị này cũng là cam kết của các nhà lãnh đạo hai châu lục Á- Âu gặp gỡ thường xuyên hai năm một lần để thảo luận các vấn đề cùng quan tâm.
Mặt khác, Hội nghị Thượng đỉnh năm nay tại Hà nội còn có thêm nhiều điểm mới. Phía Châu Âu và nhiều nước khác rất tò mò rằng một sự kiện diễn ra tại Hà Nội sẽ như thế nào. Việc Hà Nội đăng cai ASEM sẽ thu hút nguyên thủ của nhiều nước đến Hà Nội, khám phá Hà Nội và gặp gỡ lãnh đạo các nước khác.
- Việt Nam sẽ tận dụng được những cơ hội gì từ sự kiện này, thưa ông?
- Chắc chắn đây sẽ là cơ hội cực kỳ to lớn cho Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà. Bởi lẽ đây không phải là hội nghị cấp cao song phương thông thường mà là Hội nghị Thượng đỉnh giữa hai châu lục, quy tụ hầu hết các nhà lãnh đạo cấp cao Á và Âu. Thường các nhà lãnh đạo Châu Âu và Châu Á chỉ được nghe nói về Việt Nam thông qua đài báo. Khi đến đây, họ sẽ được trực tiếp chứng kiến và cảm nhận về thực tế đang diễn ra tại đất nước này. Thực tế đó là trong vòng 7,8 năm trở lại đây, Việt Nam đã phát triển một cách đầy ấn tượng. Sở dĩ tôi dùng từ "ấn tượng" bởi bản thân tôi cũng rất "ấn tượng" trước sự phát triển của Việt Nam. Tôi tin rằng các nhà lãnh đạo các nước khi tới đây cũng sẽ có cảm nhận như tôi.
- Với tư cách là cơ quan thường trực duy nhất của ASEM, Quỹ Á - Âu sẽ có những hoạt động hỗ trợ gì cho công tác tổ chức ASEM5 của Việt Nam?
- Như chúng ta đã biết, ASEM là một tiến trình đối thoại không chính thức giữa Châu Âu và Châu Á, mà Quỹ Á - Âu đóng vai trò là cơ quan thường trực. Vì thế, nhiệm vụ đặt ra cho chúng tôi là làm sao để người dân của cả hai châu lục nhận biết nhiều hơn về ASEM.
Cho đến nay Quỹ Á - Âu đã thực hiện được hơn 250 dự án khác nhau, quy tụ được 12.000 người trực tiếp tham gia. Chưa kể nhiều nhóm người khác không thể tính số lượng cụ thể. Ví dụ, tại Hội nghị Thượng đỉnh lần 4 tại Copenhagen (Đan Mạch), chỉ riêng các hoạt động văn hoá trên đường phố đã quy tụ vài trăm ngàn người.
Chắc chắn Quỹ Á - Âu sẽ tổ chức các sự kiện văn hoá bởi những hoạt động này có thể thu hút sự tham gia đông đảo của người dân. Tại Hội nghị Thượng đỉnh 4, chúng tôi đã mời được nhiều đoàn nghệ thuật Châu Á sang biểu diễn và lần này có lẽ Quỹ cũng sẽ mời các đoàn nghệ thuật của Châu Âu đến Việt Nam. Chúng tôi hy vọng có thể tổ chức được những đại nhạc hội thu hút 10.000 người để mang đến không khí vui vẻ, thoải mái. Tất nhiên, tiến trình ASEM thể hiện qua cuộc đối thoại của các lãnh đạo ở cấp cao nhất. Nhưng ASEM theo quan điểm riêng của tôi còn là tất cả chúng ta. Bởi điều không kém phần quan trọng so với đối thoại giữa các nhà lãnh đạo chính là đối thoại giữa các xã hội, các công dân. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, Châu Á luôn có khả năng đối thoại rất tốt với Châu Âu và ngược lại.
- Xin cảm ơn ông!
Theo VNN
VietBao.vn