Phần lớn các ĐB đều tỏ ra vui mừng trước sự kiện BLTTDS - một bộ luật xương sống của hệ thống pháp luật sắp "chào đời" sau nhiều năm chuẩn bị. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiều 10/11: "Quốc hội lần này mà thông qua được hai bộ luật lớn BLTTHS (sửa đổi) và BLTTDS là đạt được thành tựu rất lớn". Còn ĐB Hà Nội Nguyễn Ngọc Đào thì nói: "Chúng ta chậm còn hơn không bao giờ".
Chậm thật...
 |
Các ĐB đoàn TP.HCM đang góp ý cho dự thảo BLTTDS |
Sau gần chục năm, với nhiều lý do mà theo ĐB Nguyễn Ngọc Đào "không thể nói ra ở đây", những người tiến hành tố tụng dân sự vẫn phải kiên nhẫn chờ đợi một bộ luật hình thức (BLTTDS) tương xứng với BL Dân sự đồ sộ hiện hành.
Nói như ĐB Nguyễn Đình Lộc: "Đáng lẽ năm 1995, khi chúng ta có Bộ luật Dân sự thì ngay sau đó phải có ngay BLTTDS. Vì thế, nay chúng ta xây dựng dự thảo BLTTDS này sẽ rất khó xác định được tính tương thích với những quy định dân sự hiện hành".
Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Hiện: Ở nước ta cho đến nay chưa từng có BLTTDS mà vẫn chỉ dùng 3 pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự. Tuy nhiên, ba pháp lệnh thủ tục tố tụng hiện hành lại có quá nhiều quy định mâu thuẫn nhau, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và chất lượng xét xử của toà án.
... nhưng đã chắc chưa?
Nhận xét của UB Pháp luật: "Ban soạn thảo đã chuẩn bị công phu trên cơ sở tổng kết thực tiến xét xử các vụ án dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân, gia đình... So với các quy định hiện hành, quy định của dự thảo có hệ thống, đầy đủ và cụ thể hơn". Còn theo nhiều ĐB, vẫn còn nhiều quy định của luật cần được điều chỉnh lại.
ĐB Nguyễn Đình Lộc cho rằng: "BLTTDS không phải là gộp lại của ba pháp lệnh. Với sự ra đời của Bộ luật này, đáng lẽ ra, chúng ta phải làm một cuộc cách mạng về tố tụng dân sự, nhưng chưa làm được bao nhiêu. Đơn cử, từ trước đến giờ, toà vừa thu thập hồ sơ, vừa xét xử. Như vậy là toà làm thay dân, dân đi kiện nhưng toà lại thu thập chứng cớ. Luật cần phải quy định người dân phải được đích thân hoặc nhờ luật sư thu thập chứng cớ.
ĐB Lộc còn tỏ ra thất vọng: "Quy định của dự thảo chưa nêu tranh tụng như một nguyên tắc. Mà dân đi kiện nhau thì phải có cãi nhau, có tranh tụng. Không nên xem kiểm sát viên ngồi tại phiên toà là người tham gia tố tụng. Không nên đem mô hình luật TTHS vào đây. Trong dân sự có quyền định đoạt của người dân". Mặc dù vậy, ông có vẻ hài lòng với xu hướng tăng thẩm quyền của toà án cấp huyện trong dự luật: "Án kinh tế phải đưa về cho trọng tài xét xử. Án kinh tế phải xét xử nhanh, vì thế tôi đồng ý giao cho các toà án cấp huyện".
Các ĐB Đà Nẵng thì thống nhất nêu quan điểm: "BLTTDS chưa có quy định về nguồn chứng cứ, đánh giá chứng cứ. Trong khi BLTTHS lại có cả một trang riêng về chứng cứ. Quy định này thiếu hổng sẽ không ngăn chặn được tình trạng chứng cứ giả, nợ giả để tẩu tán tài sản bị phát mãi".
Theo ý kiến của ĐB Nguyễn Đức Chính (Giám đốc Công an TP.HCM): "Về thi hành bản án quyết định của toà án, cơ chế quy định trong luật không rõ ràng. Luật không coi toà án là cơ quan tố tụng mà là nửa toà án, nửa hành chính và ai cũng có quyền phán xét cả nên việc thi hành án rất khó. Nên quy định rõ thêm là ở giai đoạn này, Viện kiểm sát không có quyền nữa". ĐB Đặng Ngọc Tùng góp ý: "Đừng xét đình công hợp pháp hay không pháp mà xét nguyên nhân đình công là gì, lỗi tại phía nào. Phải làm luật này thật kỹ, bài bản hơn". Còn theo ĐB Phan Anh Minh: "Tất cả tranh chấp lao động cần được thể chế hoá bằng các điều luật của BLTTDS. Chúng ta quyết định đổi thì phải đổi mới triệt để".
Trong Báo cáo thẩm tra của Quốc hội lại có đề nghị: Cần quy định trong dự thảo về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc hỗ trợ các đương sự và cần coi đây là một trong những điều kiện giúp đương sự thực hiện quyền tự định đoạt của mình trong tố tụng dân sự... Đặc biệt, cần tạo điều kiện để luật sư tham gia tích cực vào việc giúp đương sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, nhất là trong việc khởi kiện, thu thập chứng cứ, tranh luận tại phiên toà...
Toà làm sai cũng phải đền!
Dự thảo này đưa ra một quy định hoàn toàn mới trong pháp luật tố tụng dân sự - cho phép đương sự khởi kiện có quyền yêu cầu toà án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ chứng cứ và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Ban soạn thảo dự luật đã tính đến tình huống quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của toà án có thể sai, gây thiệt hại cho người bị áp dụng và người thứ ba có liên quan nên mạnh dạn đưa ra chế tài đối với toà án.
Cụ thể, toà án ra những quyết định áp dụng biện khẩn cấp tạm thời sai nếu thuộc các trường hợp: tự mình ra quyết định hoặc theo kiến nghị của Viện KS; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác hoặc vượt quá yêu cầu của cá nhân, tổ chức bên nguyên đơn sẽ phải bồi thường người bị thiệt hại.
Tuy nhiên, đề phòng sự lạm dụng từ phía người yêu cầu có thể gây thiệt hại cho người bị áp dụng, UB Pháp luật của Quốc hội đã đề nghị ban soạn thảo dự án luật rút ngắn thời hạn áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện xuống 5 hoặc 3 ngày. Hết thời hạn này mà người yêu cầu không khởi kiện vụ án thì toà án phảo ra quyết định huỷ bỏ việc áp dụng biện pháp này.
Hội thẩm nhân dân phải là nhân dân!
Trong khi bàn về việc chuyên môn hoá Hội thẩm nhân dân, UB Pháp luật đã tỏ rõ quan điểm của mình: chính quy hoá đội ngũ Hội thẩm nhân dân để Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán.
Theo ý kiến của Quốc hội, "nếu chuyên môn hoá Hội thẩm nhân dân thì đã vô hình chung thống nhất Thẩm phán với Hội thẩm nhân dân và biến Hội thẩm nhân dân thành những người chuyên nghiệp, làm mất tính nhân dân trong xét xử vụ án". "Như vậy sự tham gia của Hội thẩm nhân dân vào việc xét xử của toà án sẽ không cần thiết nữa" - UB Pháp luật có ý kiến.
Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự còn có một sự đổi mới khá quan trọng về thành phần của Hội đồng xét xử. Trong quy định của dự luật này, các Hội thẩm nhân dân chỉ tham gia xét xử ở các phiên toà cấp sơ thẩm. Quốc hội cũng cho rằng: "xét xử cấp phúc thẩm trở lên là xem xét lại một cách thận trọng tính đúng đắn, hợp pháp của bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, do đó Hội đồng xét xử phúc thẩm chỉ bao gồm các thẩm phán".
Việc tăng thẩm quyền cho toà án cấp huyện xét xử các vụ án dân sự, kinh tế theo hướng việc xét xử sơ thẩm chủ yếu ở toà án cấp huyện là nguyên tắc được "ảnh hưởng" từ dự luật BLTTHS (sửa đổi). Tuy vậy, nhiều ĐB Quốc hội vẫn thẳng thắn bày tỏ sự lo ngại về đội ngũ cán bộ toà án cấp cơ sở hiện nay.
|