- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an không tán thành việc chuyển thi hành án và quản lý trại giam sang Bộ Tư pháp như dự thảo Bộ luật thi hành án Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 7/10.
Dự thảo Bộ luật này giao cho Bộ Tư pháp làm đầu mối quản lý cả thi hành án dân sự và hình sự, hình thành cảnh sát tư pháp , chuyển ''trọn gói'' cơ quan thi hành án hình sự hiện nay (trong đó có trại giam) cho Bộ Tư pháp là chủ đề ''nóng'' tại buổi làm việc.
''Bộ Công an không muốn ''ôm'' làm gì!''
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm, quản lý trại giam rất phức tạp, nhạy cảm và nguy hiểm. Ông băn khoăn: ''Chuyển trại giam cho Bộ Tư pháp quản lý trong khi chưa có chuẩn bị về con người, cơ sở vật chất sẽ gây ra xáo trộn, biến động khó lường''.
Vì lẽ này, Bộ Công an đề nghị giữ quản lý trại giam như hiện nay chứ không phải vì muốn ''ôm'' công việc này.
Theo Thứ trưởng Tiệm, quản lý trại giam giữ nguyên nhưng vẫn có thể giao cho làm đầu mối quản lý nhà nước về thi hành án cả dân sự và hình sự. Nhiều bộ quản lý nhà nước chung nhưng lĩnh vực cụ thể lại do bộ khác trực tiếp quản lý.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh phát biểu đồng tình với quan điểm của Bộ Công an về vấn đề này.
Theo Phó Viện trưởng VKSNDTC Khuất Văn Nga, thống nhất thi hành án dân sự và hình sự vào Bộ Tư pháp là một xu hướng tiến bộ, nhưng cần thời gian nghiên cứu kỹ, tổng kết lý luận và thực tiễn công tác thi hành án thì mới đi đến quyết định được.
''Trước đây Bộ trưởng Bộ Công an Bùi Thiện Ngộ đã đồng ý chuyển trại giam cho Bộ Tư pháp nhưng khi đó Bộ Tư pháp không dám nhận vì phức tạp về hoạt động, tổ chức'', ông nói.
Khi "ba bộ không đồng tình"...
Đa số ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với ông Nga, cần thêm thời gian cho Bộ luật và chưa nên trình ra Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Môi trường Hồ Đức Việt nói thẳng dự thảo này chưa đảm bảo 4 yếu tố: tổng kết lý luận và thực tiễn công tác thi hành án, thể chế hoá Nghị quyết của Đảng, bảo đảm tính khả thi, chuẩn bị văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn nên đưa ra lấy ý kiến Quốc hội tại kỳ họp tới.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, dự thảo Bộ luật đã đến lần thứ 8 nhưng trong Chính phủ ''3 bộ không đồng tình'' về quản lý trại giam thì khó trình ra Quốc hội.
''Cùng một căn bệnh, nhưng cho uống thuốc phải dựa vào cơ địa từng người. Nếu không sẽ bị sốc thuốc'', ông lưu ý.
Đồng ý việc trình Bộ luật này ra Quốc hội vào kỳ tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An gợi ý, vấn đề quản lý trại giam ''nên đặt đâu đấy mà chưa nên nói ngay trong luật". Nhiều năm làm công tác tổ chức, ông cho rằng nếu đưa ra Quốc hội bàn có thể ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ trại giam, khiến họ không yên tâm với công việc.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, thống nhất một đầu mối Bộ Tư pháp quản lý thi hành án không nhất thiết là Bộ Tư pháp trực tiếp nắm các trại giam.
Ông dẫn chứng, Bộ Y tế quản lý y tế nhưng nhưng các bệnh viện có thể của Nhà nước, hoặc là doanh nghiệp, công ty... Quản lý nhà nước là ban hành chính sách, pháp luật và thực hiện công việc kiểm tra chấp hành pháp luật.
Bộ Tư pháp chờ đợi
Là Trưởng ban soạn thảo, Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu bảo vệ quan điểm đưa ra trong tờ trình dự án Bộ luật. Ông lưu ý: Thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, hình sự là thể hiện tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8, 22/24 ý kiến thành viên Chính phủ đồng ý tập trung thi hành án vào một đầu mối như dự thảo.
''Nghị quyết 49 nói rõ chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức, con người để sau năm 2010, đưa quản lý thi hành án về một đầu mối. Nếu ta không làm thì đến bao giờ?'', Bộ trưởng Lưu tỏ vẻ sốt ruột.
Bộ trưởng Uông Chu Lưu cũng mạnh dạn bày tỏ sự không đồng tình đối với quy định Bộ Tư pháp quản lý nhà nước chung về thi hành án và để Bộ Công an trực tiếp thi hành án hình sự.
"Quốc hội ra luật, Chính phủ ban hành nghị định. Bộ Tư pháp không nắm thi hành án hình sự thì rất khó giúp Chính phủ ban hành chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này'', ông nói.
-
Văn Tiến