Những cầu thủ ""ngoại"" gốc châu Phi đang là những nhân vật chính của CAN 2004. Nhiều người đã đặt câu hỏi ""Nếu không có Kanoute, Los Santos, Odemwinge, Chamakh... thì liệu Mali, Tunisia, Nigieria và Maroc có vào tới bán kết?"" Nhưng cũng không ít người ước rằng, ""Giá mà không có họ...""
Toàn cầu hoá bóng đá...?
Hãy bắt đầu bằng Kanoute. Khi còn trẻ, tiền đạo của Tottenham Hotspurs đã từng là một trong những gương mặt nổi trội trong đội hình U-21 Pháp và nhiều người tin rằng, với tài năng của mình, sớm hay muộn Kanoute sẽ gánh vác trọng trách trên hàng công của đội tuyển Áo lam. Thế nhưng, cánh cửa vào đội tuyển ngày càng hẹp khi nước Pháp có quá nhiều tiền đạo giỏi và cái tên Kanoute đã không có chỗ trong bộ nhớ của ông Santini. Đúng lúc đó, các quan chức LĐBĐ Mali tìm đến anh và quyết định được đưa ra. Cầu thủ sinh ra tại Lyon này chấp nhận khoác áo ĐTQG Mali, đất nước sinh ra cha anh, dù ông đã bỏ quê hương ra đi hơn 30 năm.
 |
Không ""mơ mộng"" được khoác chiếc áo Lam, Kanoute nhận lời chơi cho ĐT Mali và toả sáng. |
Xuất hiện tại CAN 2004, Kanoute ngay lập tức gây ấn tượng mạnh khi ghi bàn trong tất cả những lần ra sân. Anh đang là tác giả của 4 trong tổng số 9 bàn thắng của Mali và tiếp tục là niềm hy vọng số 1 của quốc gia Tây Phi này trong trận bán kết với Maroc. Giờ đây, tại Mali, người ta thích nhắc đến tên Kanoute với ý nghĩ rằng Mali đã có đại diện thi đấu tại một trong những giải VĐQG mạnh nhất thế giới (Anh). Trước trận bán kết với Maroc, tờ La Malien (Người Mali) thậm chí còn đưa ra một cuộc thăm dò với chủ đề đầy phấn khích: ""Siêu Kanoute sẽ ghi mấy bàn vào lưới Maroc"".
Những gì đang diễn ra với Kanoute là một ví dụ điển hình cho một tình trạng mới bùng phát trong bóng đá châu Phi: Các cầu thủ có gốc gác châu Phi trở về khoác áo đội bóng quê hương sau khi không mấy thành công ở trình độ đỉnh cao. Giống như Kanoute, số đông các cầu thủ này mang quốc tịch Pháp, do mối liên hệ lịch sử của quốc gia này với châu Phi. Có thể kể ra vô số cái tên như Lamine Sissokho (Mali), Chammakh (Maroc), Lamine Sakho (Senegal), Cherrad và Yahia (Algeria)... và phần lớn trong số này từng khoác áo các đội trẻ của Pháp. Tất cả những cầu thủ này đều có một điểm chung, đó là không thể tìm được chỗ đứng trong các đội tuyển cao hơn của Pháp, nơi bị trấn giữ không phải bởi những người Pháp ""chính thống"" mà là những người Pháp có xuất xứ giống họ nhưng có trình độ cao hơn.
Tuy nhiên, Pháp cũng không phải là nước ""độc quyền"" xuất khẩu ngược cầu thủ về châu lục đen. Trong đội hình Nigieria có Peter Odemwingie (ghi 2 bàn trong trận gặp Nam Phi) sinh ra tại đất nước Trung Á Uzbekistan. Tuy nhiên, nổi bật nhất phải kể đến Francileudo Santos của Tunisia, sinh ra và lớn lên tại Brazil. Santos là một người Brazil 100%, từ cái tên cho đến ngoại hình. Thế nhưng, giờ đây anh lại đang là thành viên chủ chốt của ""Đại bàng Carthage"" và đã đóng góp 3 bàn cho Tunisia. Hành trình thành ""người Tunisia"" của Santos khá đơn giản: anh đã chơi 2 mùa bóng tại Tunisia cho CLB Etoile Sahel vài năm trước, và khi một quan chức LĐBĐ nước này đưa ra lời đề nghị anh thi đấu cho Tunisia, anh chấp nhận mà không phải suy nghĩ nhiều. ""Tôi biết mình không bao giờ có cơ hội khoác áo đội tuyển Brazil nên tại sao lại ngần ngại không thi đấu cho một đất nước mà tôi yêu mến và là nơi mà con trai tôi đã sinh ra. Điều đó không có nghĩa là tôi không còn yêu Brazil. Nếu có phải gặp Brazil tại World Cup, tôi sẽ xin HLV cho mình không ra sân""Santos biện bạch.
 |
Joao Elias (trái), người Angola nhưng khoác áo Rwanda từ một lời mời. |
Xem ra lý lẽ này cũng có phần thuyết phục. Thế còn những cầu thủ khác? Có những lí do thật khó tin, một trong số đó là của Joao Elias. Do cuộc nội chiến tại quê hương Angola, Elias phải tha hương từ năm 1990 để đi đá thuê khắp nơi trên thế giới, thậm chí anh từng hưởng qui chế tị nạn. Bặt vô ấm tín bằng đấy thời gian, người thân của anh ở Angola quá bất ngờ khi thấy Joao Elias khoác áo Rwanda cách đây mấy tháng. Elias kể lại: ""Tôi và Desire Mbonabucya, tuyển thủ quốc gia Rwanda, chơi cùng nhau tại Saint-Trond (Bỉ). Một hôm, Desire nói với tôi, BHL Rwanda muốn mời tôi khoác áo đội tuyển nước này. Quyết định được đưa ra nhanh chóng bởi tôi đã 30 tuổi mà chưa một lần tham dự CAN"". Chưa đầy 1 năm sau cái ""gật đầu"", Elias có quốc tịch Rwanda và hôm 24/1 vừa qua, anh ghi bàn đầu tiên cho Rwanda tại một VCK CAN, trong trận khai mạc thua 1-2 trước chủ nhà Tunisia.
Nhìn sâu hơn, bản danh sách đăng ký 22 cầu thủ Rwanda tham dự CAN 2004 còn mang đến nhiều bất ngờ khác. Trong 22 cầu thủ này, ngoài Elias, có 6 người sinh ra tại quốc gia láng giềng Burundi, 3 người có nguồn gốc từ CHDC Congo và 1 thủ môn đến từ Cameroon.
...Và những nguy cơ hiển hiện
 |
Dennis Oliech từ chối Qatar để khoác áo đội tuyển Kenya. |
Nhiều quan chức bóng đá châu Phi coi những gì đang diễn ra là một bước tiến của châu Phi để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các châu lục khác, đặc biệt là châu Âu. ""Họ đã bòn rút quá nhiều tài năng của chúng tôi, tại sao chúng tôi lại không thể làm điều tương tự?"" - Chủ tịch LĐBĐ Mali chất vấn. Giống như Mali, nhiều đội tuyển châu Phi bắt đầu coi việc lôi kéo những cầu thủ có xuất xứ hay mối liên hệ với nước mình về thi đấu là một chiến lược được tính toán kỹ lưỡng. Có một lời giải thích khác ngoài vấn đề chuyên môn cho sự lựa chọn này, đó là việc có được 1 cầu thủ tương đối tiếng tăm, chẳng hạn như Kanoute, là sự quảng bá tên tuổi đội bóng một cách ít tốn kém nhất. Thử hỏi, tại CAN 2004, có ai biết Mali có những cầu thủ nào, ngoài Kanoute?
Thế nhưng, mọi việc dường như đang đi quá xa và chắc chắn là mục đích tốt đẹp ban đầu của FIFA khi đưa ra quy định mới (cho phép các cầu thủ từng khoác áo đội tuyển trẻ một nước được phép đại diện cho nước khác nếu có quốc tịch của nước đó) đã bị lợi dụng. Thử lấy Togo làm ví dụ. Đội tuyển khá vô danh ở Trung Phi này đã sử dụng đến 5 cầu thủ gốc Brazil trong các trận vòng loại CAN khiến các đối thủ khác bất bình. LĐBĐ Togo biện minh cả 5 cầu thủ gốc Brazil này đều đủ điều kiện mang quốc tịch Togo nhưng các đối thủ trong bảng lại đưa ra được những bằng chứng cho thấy, đó thực chất là 5 ""lính đánh thuê"". CAF chẳng thể kết tội, bởi chẳng có điều luật nào của FIFA có đủ thẩm quyền đánh giá liệu một cầu thủ có đủ điều kiện mang quốc tịch một nước nào đó hay không. Tất nhiên, trong trường hợp này, cả 5 cầu thủ Togo gốc Brazil đều chưa một lần khoác áo ĐTQG Brazil.
Mauritania là một trường hợp khác biết tận dụng triệt để sự thông thoáng trong điều luật mới của FIFA. Tháng 10 năm ngoái, HLV người Pháp của đội tuyển nước này, Noel Tosi đã về Pháp mời một số đồng đội cũ ở CLB hạng 2, Cretiel về khoác áo ĐTQG Mauritania. Trong vụ này, CAF tiếp tục là bên thua cuộc. Theo chân Togo và Mauritania, các quốc gia khác bắt đầu lao vào cuộc đua tìm cầu thủ ""ngoại"" về khoác áo ĐTQG. Ngoài ưu tiên hàng đầu là những cầu thủ có gốc gác châu Phi, các cầu thủ Brazil cũng đang là những mục tiêu được săn đón nhất. Hàng năm, quốc gia Nam Mỹ này xuất khẩu hàng trăm cầu thủ đi khắp thế giới và không ít trong số này, vốn là những cầu thủ vô danh ở quê nhà, sẵn sàng thi đấu cho một quốc gia khác vì chẳng bao giờ có cơ hội khoác áo Selecao. Trong việc này, châu Á thậm chí còn đi trước châu Phi cả chục năm. Alex, Wagner Lopez là những cái tên chẳng ""Nhật"" tí nào nhưng họ đã khoác áo Nhật Bản tại World Cup. Ngay ở Việt Nam, một cầu thủ Brazil thi đấu tại V-League cũng từng ngỏ lời muốn khoác áo ĐTQG Việt Nam nhưng không thành...
 |
Santos, cầu thủ gốc Brazil của Tunisia. |
Những gì đang diễn ra rõ ràng là một nguy cơ không nhỏ và CAF ý thức được điểu đó. Mới đây, CAF đã phải gửi lên FIFA một bản kiến nghị về tình trạng nhập tịch bừa bãi hiện nay tại châu Phi nhưng xem ra phải mất không ít thời gian mới tìm được giải pháp khả dĩ. Số người phản đối ngày càng nhiều, không chỉ bởi lí do ""màu cờ sắc áo"" mà còn bởi những ngoại binh này có thể tạo ra những tình huống bi hài trong tương lai. Hãy nhớ lại những gì diễn ra trong trận đấu giữa Argentina và Peru ở World Cup 1978. Nước chủ nhà Argentina ghi được đến 6 bàn vào lưới Peru, khi đó được trấn giữ bởi thủ môn Ramon Quiroga, và vượt qua Brazil về hiệu số để đi tiếp. Người Brazil không thể hiểu nổi tại sao Peru lại thua đậm đến thế cho đến khi phát hiện ra thủ môn Quiroga vốn là người gốc Argentina nhưng lại khoác áo đội tuyển Peru sau vài năm chơi bóng ở nước này. Trận đấu tai tiếng này sau đó đã thành một trong những giai thoại nực cười trong bóng đá. Với tình hình hiện nay ở châu Phi, ai dám chắc sẽ không có một Quiroga thứ hai trong tương lai không xa? Thậm chí, có người đã nghĩ đến viễn cảnh chẳng mấy hay ho khi đội tuyển Brazil ""xịn"" gặp một đội bóng toàn cầu thủ gốc Brazil tại một kỳ World Cup.
Tất nhiên, không hẳn mọi thứ đều bi quan. Ngay tại CAN 2004, tài năng trẻ Dennis Oliech đã thẳng thừng từ chối lời mời hấp dẫn của Qatar để về khoác áo ĐTQG Kenya và ghi được một bàn thắng trong trận gặp Burkina Faso, được anh coi là ""đẹp nhất trong sự nghiệp"".
|