Phóng viên báo Tiền Phong đã làm việc với ông Lê Giang Lâm - Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Hà Tây về vấn đề liên quan đến ông Nguyễn Hải Phong-Vụ trưởng Vụ Kiểm sát điều tra An ninh - Ma túy.
Kỳ 4: Lãnh đạo Viện KSND tỉnh Hà Tây nói gì?
 |
Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Hà Tây, ông Lê Giang Lâm: “Tất cả còn chờ ý kiến và kết luận của Viện KSND Tối cao!” |
Việc ông Nguyễn Hải Phong-Vụ trưởng Vụ Kiểm sát điều tra An ninh - Ma túy (Vụ 2), Viện KSND Tối cao, trong thời kỳ là cán bộ Viện KSND tỉnh Hà Tây và một số cán bộ khác đã bỏ lọt 8 vụ án sẽ được xử lý ra sao? Những ai sẽ phải chịu trách nhiệm về sự việc nghiêm trọng này?
Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, ông Lê Giang Lâm cho biết: Việc ông Nguyễn Kim Tuyến có đơn thư gửi đến một số cơ quan, trong đó có gửi đến Tỉnh ủy Hà Tây, Viện KSND Tối cao và gửi đến Viện KSND tỉnh Hà Tây đòi bồi thường theo Nghị quyết 388 là có thật.
Cũng chính từ việc xem xét lá đơn này, chúng tôi đã phát hiện việc bỏ quên án. Hiện Viện KSND TC đã cử đoàn công tác xuống Viện KSND tỉnh Hà Tây, do ông Nguyễn Duy Hồng - Vụ trưởng Vụ 1A làm Trưởng đoàn, đã rút toàn bộ hồ sơ các vụ án đó lên để nghiên cứu.
Trưởng phòng nghiệp vụ phải chịu trách nhiệm chính
Được biết, trước khi Viện KSND TC về rút hồ sơ, thì Viện KSND tỉnh Hà Tây đã tiến hành kiểm tra. Kết quả kiểm tra cụ thể ra sao, thưa ông?
Ngay sau khi nhận đơn, Viện KSND tỉnh đã chỉ đạo tìm lại số hồ sơ này. Đúng như là báo đã nêu, kết quả phát hiện có 8 vụ án bị “bỏ quên”. Sau khi tìm thấy những hồ sơ này, chúng tôi đã báo cáo lên Viện KSND TC xin ý kiến, và Viện KSND TC đã cử đoàn công tác về. Nay chúng tôi đang chờ kết quả từ Viện KSND TC.
Sau khi kiểm tra, Viện KSND tỉnh Hà Tây đã quy trách nhiệm cho ai chưa, thưa ông?
Chưa, do thời gian xảy ra những vụ này đã lâu, đây lại là vấn đề rất phức tạp, đã trải qua nhiều thời kỳ lãnh đạo và kiểm sát viên, nên chúng tôi nghĩ tốt nhất là báo cáo lên Viện KSND TC xin ý kiến. Nay quy trách nhiệm cho ai, như thế nào, chúng tôi còn phải đợi kết quả kiểm tra của cấp trên. Tóm lại là còn phải đợi làm rõ đã.
Thưa ông, lộ trình giải quyết một vụ án kể từ khi kiểm sát viên được thụ lý, xem xét, nghiên cứu cho đến khi ra cáo trạng để chuyển sang toà án là rất chặt chẽ. Như vậy làm sao lại có thể “bỏ quên” đến 8 vụ án, trừ phi là cố ý bỏ quên?
Đúng là quy trình hiện nay rất chặt. Những vụ án bị bỏ quên đã xảy ra cách đây cả chục năm, thời kỳ đó quy trình thụ lý án không được chặt chẽ lắm. Phòng nghiệp vụ nhận hồ sơ từ cơ quan điều tra chuyển sang, chứ không qua bộ phận văn phòng của Viện, cho nên chỉ có trưởng phòng nghiệp vụ biết rõ.
Thời gian xảy ra những vụ án đó, tôi không phụ trách khối kiểm sát điều tra hình sự, mà là anh Hoàn (hiện là Phó viện trưởng) phụ trách. Anh nào làm việc nào thì biết việc đó. Tuy nhiên, trưởng các phòng nghiệp vụ phải chịu trách nhiệm chính. Hiện chúng tôi đang cho anh em tìm lại quy định về quy trình làm việc của những năm trước.
Nhưng với vụ phá 10 nhà dân ở Mỹ Lương, hồi đó rất ầm ĩ, chấn động cả tỉnh Hà Tây nhưng cũng bị “bỏ lọt” thì thật khó hiểu, thưa ông?
Cái này phải hỏi đồng chí phụ trách mảng kiểm sát điều tra án hình sự. Chứ tôi không nắm được, vì tôi phụ trách mảng khác (ông Lâm phụ trách mảng kiểm sát điều tra án dân sự - PV).
Trong 8 vụ bị bỏ lọt, đều do ông Nguyễn Hải Phong phụ trách. Như vậy ông Phong sẽ là người phải chịu trách nhiệm chính, thưa ông?
Cái này chúng tôi phải chờ Viện KSND TC quyết định. Trên đó thẩm định hồ sơ, xem ai là người thụ lý, rồi đối chiếu với sổ thụ lý nữa, lại còn đối chiếu lại bút tích của ai để lại trong hồ sơ kiểm sát…
Xử lý trách nhiệm: Phải chờ kết luận của cấp trên
Như vậy, các vụ “bỏ lọt” này có được xem là lỗi cố ý không, thưa ông?
Tôi chưa được đọc hồ sơ nên không thể nhận định được. Muốn kết luận đó là lỗi cố ý hay không phải được trực tiếp đọc hồ sơ, trực tiếp nghiên cứu. Mặt khác, nay anh Nguyễn Hải Phong ở chức trên!
Bây giờ mình kết luận, anh ấy bảo mình kết luận không đúng thì sao? Thôi cứ để Viện KSND TC làm, vì họ có kinh nghiệm nên làm sẽ khách quan hơn.
Theo quy định của ngành kiểm sát, hàng tháng các phòng nghiệp vụ phải có báo cáo thống kê án, để Viện KSND tỉnh báo cáo lên Viện KSND TC. Những vụ bỏ lọt này có được đưa vào báo cáo, thưa ông?
Đúng là phải có báo cáo hằng tháng và báo cáo năm. Tuy nhiên báo cáo chỉ nêu tổng số bao nhiêu vụ… thì các anh lãnh đạo không thể nào nắm được. Những vụ việc cụ thể thì chỉ phòng nghiệp vụ trực tiếp thụ lý mới biết được.
Giả sử không có chuyện ông Nguyễn Kim Tuyến gửi đơn thư đòi bồi thường, thì những vụ bị “bỏ quên” sẽ không bao giờ được nhắc tới nữa, thưa ông?
Nếu nói là không có đơn, thì… tôi cũng không biết được. Mặc dù tôi là người trong ban lãnh đạo nhưng tôi phụ trách mảng khác…
Không dám yêu cầu giải trình, vì ông Phong là cấp trên
Khi kiểm tra phát hiện việc bỏ lọt án, các ông đã mời ông Phong về giải trình chưa?
Nay đồng chí Phong đã giữ chức vụ cao, nên chúng tôi đâu dám mời, cái này chắc là phải để Viện KSND TC yêu cầu. Còn các đồng chí khác có liên quan ở đây, thì Viện trưởng đã có yêu cầu giải trình. Những bản giải trình này đã được chuyển lên Viện KSND TC.
Ông có nắm được nội dung họ giải trình?
Tôi không đọc những cái này.
Những kiểm sát viên thuộc thẩm quyền xử lý của Viện KSND tỉnh Hà Tây đã bị xử lý gì chưa, thưa ông?
Chúng tôi mới yêu cầu họ giải trình và báo cáo lên Viện KSND TC. Sau đó Viện KSND TC sẽ có ý kiến. Chứ bây giờ quy trách nhiệm một con người khó lắm…Cái này phải chờ Viện KSND TC kết luận mới có thể xử lý được.
Với những hành vi bỏ lọt án, theo quy định của ngành Kiểm sát thì sẽ bị xử lý thế nào, thưa ông?
Từ trước đến nay Hà Tây chưa có trường hợp nào như thế này, nên việc xử lý trách nhiệm phải căn cứ vào kết luận của Viện KSND TC. Khi có kết luận, tập thể lãnh đạo và hội đồng kỷ luật của Viện chúng tôi sẽ họp và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Hiện thời hiệu truy cứu với các can phạm trong phần lớn các vụ án bị bỏ lọt đều đã hết, theo quy định thì họ đương nhiên trở thành người vô tội. Ông Nguyễn Kim Tuyến đã có đơn xin bồi thường theo Nghị quyết 388. Trường hợp này có được bồi thường, thưa ông?
Anh Hiền (hiện là Viện trưởng Viện KSND tỉnh Hà Tây) từng công tác ở Viện KSND TC, có nói rằng anh ấy chưa bao giờ gặp trường hợp nào như thế này. Bản thân tôi đã trên 32 năm công tác trong ngành kiểm sát, tôi cũng chưa từng gặp chuyện này.
Bởi vậy, hướng xử lý thế nào tất cả phải chờ ý kiến của Viện KSND TC. Vụ 1A của Viện KSND TC sẽ thẩm định chuyện bồi thường. Tôi đã đọc kỹ Nghị quyết 388, nhưng không thấy có điều nào quy định, điều chỉnh đối với những trường hợp này.
Nếu mà gắn Nghị quyết 388 vào vụ này, tôi thấy khó quá! Có lẽ chúng tôi phải hỏi cả nước xem có trường hợp nào như thế này không.
Xin cảm ơn ông!
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây Hà Văn Hiền: Sẽ xử lý nghiêm sau khi có kết luận của Viện KSND Tối cao
Theo ông Lê Giang Lâm, liên quan đến việc “bỏ quên” 8 vụ án, Viện KSND tỉnh Hà Tây đã yêu cầu 4 kiểm sát viên có liên quan giải trình, gồm: Trần Minh Đạt (hiện là Chánh Văn phòng Viện KSND tỉnh), Lê Minh Long (nay là Trưởng phòng Kiểm sát điều tra án trị an-P1A), Trịnh Như Tố (hiện là Phó phòng P1A), Nguyễn Thị Thanh Hà (hiện là Phó phòng Thi hành án).
Được biết, cuối tuần trước, Viện KSND tỉnh Hà Tây đã báo cáo sự việc với Thường trực Tỉnh ủy Hà Tây. Trao đổi với Tiền phong, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây Hà Văn Hiền cho biết, ông mới nghe báo cáo về vụ liên quan đến ông Nguyễn Kim Tuyến ở Mỹ Lương.
“Quan điểm là Viện KSND tỉnh phải làm rõ, nếu thực sự ông Tuyến bị oan thì phải xem xét bồi thường. Với các kiểm sát viên có liên quan đến việc bỏ lọt án mà thuộc thẩm quyền xử lý của tỉnh, sau khi có kết luận của Viện KSND Tối cao chúng tôi sẽ yêu cầu xử lý nghiêm”-Ông Hiền nói.
|
Kỳ tiếp: Có dấu hiệu tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
Bá Kiên – Tùng Duy
Thực hiện