Hôm qua, 20/4, 7 bị cáo trong đường dây hợp thức xe gian này đã phải ra đứng trước vành móng ngựa trong phiên xét xử tại TAND TP Hà Nội.
Theo bản Cáo trạng 445 của Viện KSND TP và những tài liệu do cơ quan CSĐT Công an Hà Nội thu thập, tháng 4/2003, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe, Phòng CSGT Hà Nội phát hiện một số hồ sơ đăng ký xe Spacy có số máy số hải quan 002875 do ông Nguyễn Ngọc Tú ở xóm Chàm, quận Thanh Xuân đứng tên có biểu hiện nghi vấn, đã ra quyết định trưng cầu giám định tại Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an. Kết quả giám định cho thấy, con dấu của Hải quan Hải Phòng và chữ ký cán bộ hải quan là ông Phạm Công Yết trong bộ hồ sơ này đã bị làm giả.
Cùng thời điểm này, CSGT Hà Nội nhận được công văn của Phòng CSKT - CA tỉnh Hà Nam thông báo về hiện tượng một số bộ hồ sơ giả được sử dụng để đăng ký xe máy đắt tiền như @, Spacy, Avenis
rồi chuyển vùng về Hà Nội tiêu thụ. Trong đó có chiếc xe Spacy mang BKS: 90F3-7156 được chuyển vùng cho anh Văn Tấn Quang ở thôn Thượng Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm. Lập tức, tờ khai nguồn gốc nhập khẩu của chiếc xe này cũng được CSGT Hà Nội ra quyết định trưng cầu giám định. Kết quả thật trùng hợp: Dấu của Hải quan Hải Phòng và chữ ký của ông Phạm Công Yết cũng bị làm giả. Qua việc giám định hai bộ hồ sơ này, Phòng Kỹ thuật Hình sự đã có văn bản báo cáo Giám đốc Công an TP Hà Nội nêu rõ: Trong hồ sơ đăng ký xe giả có loại giấy hải quan mới, lần đầu tiên được phát hiện, thủ đoạn làm giả rất tinh vi, sử dụng ấn chỉ (bản in) thật, làm giả con dấu và chữ ký cán bộ hải quan rất giống với mẫu thật nên khó phát hiện
Trước dấu hiệu về một đường dây dùng hồ sơ giả, hợp thức các loại xe ga đắt tiền đưa về tiêu thụ tại thành phố, Phòng CSGT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra hồ sơ toàn bộ số xe đã đăng ký từ seri 29S1 đến seri 29P2 trong đó, đặc biệt chú ý tới những hồ sơ có tờ khai của Hải quan Hải Phòng và chữ ký của cán bộ Phạm Công Yết. Trong 155 mẫu hồ sơ được gửi đi giám định, đã phát hiện 83 hồ sơ bị làm giả. Những cơ quan đã bị làm giả con dấu là Cục Hải quan TP Hải Phòng, Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn, Hải quan cửa khẩu Cảng Gianh. Đi kèm với con dấu giả là chữ ký giả của các ông Phạm Công Yết - Phó phòng Giám sát quản lý - Cục Hải quan Hải Phòng, Vũ Trung Kiên Trưởng Hải quan Phước Thắng và Trần Điền - Trưởng Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn.
Vụ việc được chuyển đến cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội thụ lý theo thẩm quyền. Đường dây làm giả giấy tờ, tiêu thụ xe gian liên quan đến nhiều tỉnh, thành lần lượt được bóc gỡ. Cầm đầu đường dây này là Đỗ Hồng Phong (SN 1958), trú tại phố Chùa Hàng, phường Hồ Nam, quận Lê Chân, TP Hải Phòng. Đây là đối tượng đã có 3 tiền án về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan Nhà nước. Đồng phạm với tên Phong trong được dây phạm tội này còn có các đối tượng ở nhiều địa phương gồm Đỗ Hồng Khanh (SN 1966), ở phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng; Đoàn Khánh Thiện (SN 1962) ở đường Lê Thanh Nghị, phường Hải Tân, TP Hải Dương; Đỗ Đình Thanh (SN 1966), ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội; Nghiêm Xuân Khanh (SN 1958) ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Các đối tượng này đều đã từng bị cơ quan công an xử lý về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan Nhà nước.
Quá trình điều tra, Công an TP Hà Nội đã xác định tổng cộng có 117 chiếc xe @, Spacy, Avenis có nguồn gốc bất hợp pháp (xe nhập lậu hoặc xe trộm cắp) bị nhóm tội phạm này làm hồ sơ giả để tiêu thụ tại Hà Nội bằng thủ đoạn: Sử dụng các biểu mẫu thật như: Tờ khai nguồn gốc nhập khẩu xe máy rồi đánh chữ điện tử vào nội dụng tờ khai; làm giả con dấu, chữ ký của các đơn vị chức năng như Hải quan TP Hải Phòng, Hải quan cửa khẩu Quy Nhơn, Hải quan Phước Thắng
và làm giả con dấu, chữ ký của các đơn vị, doanh nghiệp có chức năng xuất nhập khẩu, phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng dùng cho phương tiện cơ giới, hoá đơn VAT của các đơn vị: Công ty Thương mại và dịch vụ XNK Hải Phòng, Công ty Sản xuất tiểu thủ công nghiệp miền Trung, Công ty Thương mại Quảng Bình, các Công ty TNHH Việt Thái, Mê Linh, Tân Phú Sỹ
Nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của xe, đường dây này cũng làm giả con dấu, chữ ký của các cơ quan, chính quyền trên giấy mua bán xe để làm thủ tục sang tên, đổi chủ.
Hồ sơ đăng ký xe máy giả được đưa vào làm thủ tục đăng ký tại Phòng CSGT các tỉnh Cao Bằng, Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, Thanh Hoá, Đồng Nai
Khi những chiếc xe nhập lậu, trộm cắp đã được cấp đăng ký và BKS tại các tỉnh nêu trên, đường dây tội phạm của Đỗ Hồng Phong, Đoàn Khánh Thiện lập tức làm thủ tục chuyển vùng về Hà Nội lừa bán cho người dân.
Để tiêu thụ xe gian, các đối tượng trong đường dây gồm Đỗ Hồng Phong, Nguyễn Thị Thanh Thuỷ và Nghiêm Xuân Khanh đã thuê người đứng tên làm thủ tục đăng ký rồi bán xe khi có giấy hẹn lấy biển hoặc xe sử dụng trước, khi gặp khách mới làm thủ tục đăng ký. Ví dụ, chiếc xe Spacy BKS 11F3-9216 mang tên chủ xe là Lưu Thị Suối ở phường Hợp Giang, thị xã Cao Bằng sau khi được hợp thức hồ sơ để xin cấp đăng ký và BKS đã được mang về Hà Nội làm thủ tục sang tên, đổi chủ, chuyển vùng cho anh Nguyễn Mạnh Cường và mang BKS mới là 29S4-3356.
Kết thúc quá trình điều tra, cùng với nhiều tài liệu, giấy tờ, cơ quan công an đã thu giữ tổng cộng 29 chiếc Spacy. Trong 117 chiếc xe @, Spacy, Avenis đã bị nhóm tội phạm hợp thức hồ sơ, làm thủ tục đăng ký, ngoài 4 chiếc xe bọn chúng đang sử dụng, trên một trăm chiếc xe đã bị bán ra thị trường. Nhiều chiếc xe hiện nay không thể xác định được đã bán cho ai cũng như không khôi phục được số máy, số khung nguyên thủy. Đây là nguyên nhân khiến cho nhiều chủ xe @, Spacy, Avenis tại Hà Nội hiện nay không sao biết được, chiếc xe ga đắt tiền mà mình đang sở hữu liệu có nguồn gốc từ xe gian hay không.
Đoàn Khánh Thiện, Đỗ Hồng Khanh, Đỗ Đình Thanh, Nghiêm Xuân Khanh, Nguyễn Hữu Cương, Lê Đức và Nguyễn Đức Quyết, 7 bị cáo trong đường dây này đã bị TAND TP Hà Nội xét xử về 3 tội danh: Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan Nhà nước, Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Phiên toà dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày.
|