Hàng nghìn nông dân như bị hút về vùng “tam giác vàng”- giáp ranh giữa hai tỉnh của Việt Nam và huyện Chành Ria, Campuchia. Dưới sự điểu khiển của một số băng buôn lậu lớn, họ sẵn sàng lăn xả khi đụng công an, biên phòng và giữ "luật im lặng" nếu bị bắt.
Nửa cuối thập niên 90, vùng này có nhiều băng buôn lậu tự phát, hoạt động đơn giản là sang bên kia biên giới lấy hàng đem về bán kiếm lời. Do không được tổ chức, các băng nhóm vỡ nợ, tan rã. Những nông dân đi buôn trở thành mục tiêu săn đuổi của các chủ nợ Campuchia. Có dạo, các chủ vựa thuốc lá ở Giồng Két, Ba Thu, Trà Nôi (tiếp giáp huyện Đức Huệ, Long An và Trảng Bàng, Tây Ninh) lập “biệt đội” gồm những tay anh chị người Việt và người Campuchia, đi sâu vào lãnh thổ Việt Nam, bắt những người thiếu nợ sang cho chủ vựa Campuchia cầm giữ. Trong vòng 3 tuần, người nhà của họ phải bán đất, bán ruộng chuộc hoặc chấp nhận con em bị thủ tiêu. Sau vụ bắt cóc hồi tháng 4/2000 mà nạn nhân là một bé trai ở xã Phạm Văn Hai, Bình Chánh, TP HCM, việc giữ người đòi nợ giảm dần. Một phần vì chủ nợ không nuôi “biệt đội” này nữa, phần vì một số kẻ trong băng sa lưới pháp luật. Bọn đầu sỏ các đội vừa sống cộng sinh với các nhóm buôn lậu, vừa chuyển sang buôn ma túy, ngoại tệ, đưa người vượt biên trái phép...
Giành giật địa bàn
Sau giai đoạn tự phát, các băng buôn lậu tổ chức lại một cách chặt chẽ, hoạt động từ Phnôm Pênh đến TP HCM. Như ở xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, trước có hai băng trung chuyển lớn nhận hàng từ Trà Nôi bằng đường thủy qua kênh Rạch Tràm (Đức Huệ), về tập kết tại bến đò Lộc Giang (Đức Hòa, Long An). Từ đây, chúng tổ chức vận chuyển đường bộ đến các xã ven đô của Bình Chánh, Củ Chi (TP HCM). Từ đó vào nội thành là việc của hai nhóm chính là băng 7N (có hơn 200 người, và gần 30 ghe máy cao tốc, do một phụ nữ cầm đầu) và băng 2M (do một người đàn ông họ Phan ở Đức Hòa cầm đầu, có trên 300 đàn em, với khoảng 100 ghe).
Do làm cùng tuyến, 7N và 2M luôn chanh chấp. Phần thắng thường về phía 2M. Đôi khi băng này còn bắn tin cho lực lượng chống buôn lậu bắt hàng của 7N. Dần dà, nhiều chiến tướng của 7N bị 2M thu phục. Băng 2M chiếm thế độc quyền trung chuyển hàng lậu tuyến Trà Nôi về TP HCM, còn 7N và các nhóm nhỏ khác phải phục tùng.
Đến năm 2000, băng của người đàn ông họ Phan được dân buôn lậu tôn làm băng “triều đình”, chi phối phần lớn cư dân vùng “tam giác vàng”. Băng này mở rộng tới những người trong họ, đưa một số sang Campuchia "cắm chốt", một số cho nhập quốc tịch nước bạn, phòng khi bất trắc có chỗ dung thân. Cũng từ đó, một luật bất thành văn được lập ra: khu vực rộng 2 km trên suốt tuyến hoạt động của “triều đình”, không ai được dăng câu, soi cá vào đêm, vì đã có người của băng làm cảnh giới. Dân sở tại được thuê làm việc này với tiền công 50-70 nghìn đồng/đêm, hoặc 40 nghìn đồng/ngày.
Băng Hiệp Hòa tương tàn
Tuyến từ Giồng Két xuyên qua huyện Đức Huệ và vượt Vàm Cỏ Đông, chẻ hàng thẳng về vùng ven TP HCM bằng đường thủy lẫn đường bộ, trước đây có các băng vận chuyển hàng lậu của Tèo lùn, Dương Sáng, A Na. Mỗi băng có 100 người với vài chục ghe máy cao tốc. Sau đó, các băng này được thu về một mối với đầu sỏ là ông BT3. Nhóm này hùng cứ ở thị trấn Hiệp Hòa nên được gọi là băng Hiệp Hòa. Đầu sỏ BT3 từng lĩnh án tù vì tội chống người thi hành công vụ, khi một mình chống trả một tổ bộ đội biên phòng để giải vây cho hàng chục người vận chuyển thuốc lá lậu. BT3 còn bảo kê cho những con buôn nhỏ, lẻ, chống lại các nhóm cướp hàng lậu và sự hiếp đáp của đám con buôn lớn. Băng này cũng muốn loại “triệu đình” khỏi vùng “tam giác vàng” để làm chủ cả vùng.
Nhưng từ cuối năm 2001, nội bộ Hiệp Hòa lục đục. Hai phó thủ lĩnh là B. bọt và D. đa chia nhánh làm ăn riêng. BT3 không nói tiếng nào, bí mật tổ chức nhiều cuộc đâm chìm ghe hàng của hai thuộc hạ cũ. Mỗi khi có “tai nạn”, BT3 đều bắn tin cho lực lượng chống buôn lậu đến “hốt” hàng và người. Hai thuộc hạ cũ cùng dùng thủ đoạn này để chơi lại đối phương. Thấy nội bộ triệt nhau không có lợi, đầu năm nay, BT3 ra “chiến thư” đòi sống mái trên Vàm Cỏ Đông, chấp nhận nếu thua thì nhường quyền điều hành Hiệp Hòa cho hai thuộc hạ; còn thắng thì chấm dứt ngay việc chia nhánh làm ăn riêng. Thế là hai bên cùng lên khu vực Cây Da Sà thuê những tay đâm thuê chém mướn đến Hiệp Hòa lên ghe ra Vàm Cỏ Đông quyết chiến. Vụ “huynh đệ tương tàn” này diễn ra đầu tháng 2/2002, bên nào cũng có người bị thương, nhưng không phân thắng bại. Mâu thuẫn nội bộ thêm trầm trọng.
Luật im lặng
Sau khi giành độc quyền trung chuyển hàng lậu tuyến Tà Nôi - bến đò Lộc Giang, băng "triều đình" củng cố lực lượng bằng cách lập hai đội bảo vệ. Đội thứ nhất, “cảnh giới”, do Đ.P chỉ huy, ngoài thiết lập mạng cảnh giới suốt tuyến còn có nhiệm vụ ngoại giao, cài cắm người vào một số chốt, trạm kiểm soát để nắm thông tin tác chiến chống buôn lậu. Có tin, con gái của trùm họ Phạm vừa được gả cho một chiến sĩ biên phòng. Đội thứ hai “phản ứng nhanh” do H.P cầm đầu có nhiệm vụ bảo vệ hàng hóa, chống trả, giải cứu đồng bọn và hàng hóa bị bắt giữ.
Với việc cướp hàng, đội này ít khi trực tiếp ra tay mà tổ chức cho những gia đình có người vận chuyển hàng lậu bị thu giữ làm. Trong lúc cướp hàng, ai bị bắt thì phải cam chịu, không khai người thuê mướn, xúi giục. Đây gọi là “luật im lặng”. Đổi lại, người bị bắt và gia đình họ được băng hậu đãi tiền bạc, vật chất và cả tiền công ngồi tù, phương tiện vận chuyển hàng lậu bị tịch thu cũng được chúng bồi thường thỏa đáng. Ngược lại, ai phạm luật sẽ bị khử hoặc chí ít gia đình họ cũng bị cô lập, không thể kiếm sống ngay trên quê hương mình.
Luật này được tuân thủ khá nghiêm, nhiều chủ xe tải trị giá cả trăm triệu đồng chấp nhận ký biên bản tịch thu tang vật, không hé miệng khai người thuê mướn và chủ hàng. Có trường hợp như đầu năm nay, khi không thoát được lực lượng chống buôn lậu trên kênh Rạch Tràm, gã cầm lái đã cho ghe hàng lao thẳng vào canô công an. Cả ghe đầy ắp chìm nghỉm, một người ngồi đầu mũi chết tại chỗ. Gã cầm lái được băng “triều đình” đưa sang Campuchia bốc vác cho các chủ vựa hàng lậu ở huyện Chành Ria tỉnh Svây Riêng, không ra đầu thú.
Dùng “đạn” đất sét tấn công cảnh sát
Băng “triều đình” chọn kênh Rạch Tràm làm căn cứ đánh trả những cuộc truy đuổi của lực lượng chống buôn lậu. Bất cứ ghe hàng nào bị đuổi đến đây đều được băng bảo vệ bằng cách đưa hàng chục ghe, xuồng ra cản đường. Những người tham gia án ngữ đều có gậy gộc, đất sét vo tròn phơi khô. Loại đạn này vừa lòng bàn tay, dễ ném và chính xác.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát kinh tế Tây Ninh liên tục đương đầu với những cuộc chống trả liều lĩnh lúc nửa đêm của bọn buôn lậu. Theo trung tá Nguyễn Văn Đung, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, cuộc chạm trán đêm 6/4 là căng nhất của lực lượng từ đầu năm đến nay. 22h, cảnh sát mai phục tại ấp 8, xã Phước Chỉ, Trảng Bàng, cách chốt K1 đồn biên phòng 855 khoảng 500m. Khi toán buôn lậu lọt ổ phục kích, công an ra lệnh dừng nhưng chúng bỏ chạy, buộc phải áp chế bắt giữ người và hàng hóa. Ngay sau đó, hơn 50 người quay lại bao vây toán mai phục, dùng gậy, “đạn” đất sét tấn công. Chúng gào thét đòi trả hàng, thả người, nếu không sẽ có án mạng. Cảnh sát phải dùng trái nổ nghiệp vụ, bắn súng chỉ thiên, thậm chí bắn xả xuống mặt đất để thị uy mà vẫn không đẩy lùi được đám buôn lậu mà còn dính “đạn” bị thương 3 người. Một chiến sĩ đã nổ súng bắn bị thương 3 người manh động, đồng thời kêu chi viện từ chốt biên phòng gần đó. 3 người trúng đạn được đồng bọn cõng chạy thoát và ngay trong đêm được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong số này 2 người gãy chân, một thương nhẹ ở đùi. Công an Tây Ninh cử người xuống lấy lời khai thì họ nhất nhất khẳng định là là người hiếu kỳ tới xem, bị đạn lạc chứ không phải dân buôn lậu.
Một cuộc chạm trán khác diễn ra ngay trên kênh Rạch Tràm gần đây, công an thu giữ một ghe thuốc lá, còn những chiếc khác chạy thoát. Khi cảnh sát lập biên bản bỗng hàng chục ghe xuồng vây bủa đòi trả hàng nếu không sẽ tấn công. Công an không đồng ý, nổ súng chỉ thiên thì một chiến sĩ bị bọn chở hàng lậu phang dầm chèo xuồng vào vai. Nhiều thanh niên khác bơi tới quyết đánh chìm canô cảnh sát. Trong lúc nguy khốn, một thành viên trong tổ chống buôn lậu nổ súng bắn chặn, trúng một người dưới nước. Lực lượng công an thoát vây, chạy tới chốt kiểm soát Vàm Trảng nhờ chi viện thì chốt này đã bị dân buôn lậu bao vây, đập phá tan tành. Tất cả số hàng lậu đưa về đây bị cướp sạch. Người trong chốt tháo chạy thoát thân. Vụ này, kẻ bị trúng đạn chính là H.P, thủ lĩnh đội “phản ứng nhanh”. Băng “triều đình” bị tổn thất nặng nhưng tạo được tiếng vang lớn trong giới buôn lậu. Chúng rao tin sẽ lấy mạng người nổ súng và sẵn sàng giết những ai cản đường vận chuyển hàng.
Nhận xét về tình hình buôn lậu trên địa bàn Tây Ninh, trung tá Nguyễn Văn Đúng nói: “Phát hiện bọn vận chuyển đã khó, nhưng vây bắt còn gian nan gấp trăm lần. Chúng chống trả quyết liệt. Đôi khi, phe ta đánh phe mình, vô tình tạo kẽ hở cho bọn vận chuyển hàng lậu tháo chạy”. Chỉ huy lực lượng cảnh sát kinh tế Long An cũng có mối quan ngại tương tự.
(Theo Người Lao Động)
|